Con số ấn tượng về xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam
Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một nội dung cơ bản, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta, được cụ thể bằng chính sách, pháp luật và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước qua các thời kỳ.
Giai đoạn nào cũng vậy, Chính phủ xác định, con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Trọng tâm là phát triển hạ tầng và dịch vụ thiết yếu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho các huyện nghèo, hộ nghèo và người nghèo.
Kết quả xóa đói giảm nghèo đã tạo thêm cơ sở vững chắc cho Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích của người dân. Nổi bật là về nhà ở, đi lại, đến năm 2020, cả nước đã xây dựng, củng cố được hàng vạn ngôi nhà, căn hộ cho người nghèo, xóa bỏ hầu hết nhà tạm ở các thôn, bản. 99% địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng biên giới có đường giao thông từ tỉnh đến huyện, xã.
Về chăm sóc sức khỏe, trên 90% người dân đều có thẻ bảo hiểm y tế và được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với chi phí thấp. Với hệ thống bệnh viện, trạm y tế và dịch vụ y tế thông suốt từ trung ương đến cơ sở, Việt Nam đã khống chế, đẩy lùi nhiều bệnh dịch nguy hiểm, tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 64 tuổi trong thập kỷ 90 (thế kỷ XX) lên 73-75 tuổi năm 2020.
Những kết quả này được nhân dân ta ghi nhận, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều nước và tổ chức quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng văn hóa, thành công trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bền vững. Từ thực tiễn đã tổng kết, chúng ta rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, có giá trị, đặc biệt là bài học để xóa đói, giảm nghèo có kết quả phải kết hợp chặt chẽ các yếu tố: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị cùng với các tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, vùng nghèo.
Để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, xác định rõ thời gian hoàn thành; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp; hằng tháng họp trực tuyến toàn quốc kiểm điểm, đôn đốc việc hoàn thiện hệ thống văn bản, tiến độ triển khai thực hiện.
Là cơ quan được giao chủ quản Chương trình, năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tham mưu ban hành đầy đủ, đồng bộ, kịp thời cơ chế triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước, kế hoạch thực hiện, phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình, phân bổ vốn ngân sách địa phương, cơ chế lồng ghép, huy động các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…
Kết quả, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cả nước còn 4,03%, giảm 1,17% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao (giảm từ 1-1,5%/năm). Người dân đã có ý thức chủ động nỗ lực vươn lên thoát nghèo, chủ động tổ chức các hoạt động sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tạo sinh kế, tạo thu nhập phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Giải pháp giảm nghèo bền vững
Theo nhiều chuyên gia, để giảm nghèo theo các mục tiêu cụ thể như Quyết định số 90/QĐ-TTg trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay là không dễ.
Về những giải pháp cụ thể, theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, để hoàn thành mục tiêu Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1-1,5%/năm, tỷ lệ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm,… chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, trong đó tập trung thực hiện nhiều giải pháp.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững, tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội, nhất là cấp cơ sở; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với người nghèo; đổi mới, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua vì người nghèo, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội của người dân theo tinh thần “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Thứ hai, chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ có điều kiện. Tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Nghiên cứu, ban hành chuẩn nghèo đa chiều bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Thứ ba, quyết liệt chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo.
Thực hiện hiệu quả công tác sơ kết giữa kỳ, đánh giá khách quan, trung thực kết quả tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026-2030. Trong đó tập trung vào giải quyết thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng sản xuất, thiếu việc làm và thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Thứ tư, tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế. Thực hiện hiệu quả việc lồng ghép việc thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nói chung và cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù với các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn cả nước, nhất là ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Thứ năm, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo. Tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện các dự án của Chương trình.
Thứ sáu, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình.