Tạo điều kiện cho giáo viên chủ động, sáng tạo

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương, đề nghị nên quy định theo hướng quy định số môn học và các yêu cầu đầu ra cho các cấp học, đồng thời giao cho nhà trường, giáo viên trực tiếp biên soạn giáo án dạy học như mô hình trường đại học, không phải sử dụng theo một loại sách giáo khoa bắt buộc nào vì hiện nay trong sách giáo khoa còn tồn tại rất nhiều nội dung đã cũ, không còn phù hợp nhưng không thể lược bỏ.

Trong giờ thực hành Tin học tại Trường THCS Hùng Vường (TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại
Trong giờ thực hành Tin học tại Trường THCS Hùng Vường (TX Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Thế Đại

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 28/12/2018. Chương trình giáo dục phổ thông mới gồm Chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học, hoạt động giáo dục.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hoà đức, trí, thể, mĩ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên, đảm bảo định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương, nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.

Chương trình chỉ quy định những nguyên tắc, định hướng chung về yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh, nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và việc đánh giá kết quả giáo dục, không quy định quá chi tiết, để tạo điều kiện cho tác giả sách giáo khoa và giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ