Vai trò dẫn đường của giảng viên sư phạm
Để nâng cao năng lực giảng viên, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã đẩy mạnh đổi mới, xây dựng phát triển chương trình đào tạo, đi tiên phong trong kiểm định, đánh giá Chương trình đào tạo giáo viên.
Cùng với đó, theo PGS.TS Mai Xuân Trường: Công tác tiếp theo mà trường đã tiến hành là tổ chức các cemina chuyên ngành, các giảng viên của từng chuyên ngành với GV cốt cán của trường phổ thông trên địa bàn để phân tích, đánh giá CTGDPT mới, so sánh với CTGDPT hiện hành để thấy được sự khác biệt giữa hai chương trình và yêu cầu đặt ra đối với năng lực giảng viên sư phạm cần có là những năng lực nào; Xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng GV; Để cho GV phổ thông thấy được sự cần thiết phải bồi dưỡng, nhận thức đúng về vai trò dẫn đường của trường sư phạm.
Trường đã tổ chức hội thảo khoa học với đội ngũ GV cốt cán của 3 cấp học, bậc học phổ thông tỉnh Thái Nguyên. Nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và triển khai thực hiện giữa giảng viên sư phạm và GV phổ thông về tổ chức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cách tiếp cận CT, cách tiếp cận dạy học trong CT và cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Từ đó xác định các chuyên đề bồi dưỡng, hình thức tổ chức bồi dưỡng phù hợp, góp phần thực hiện thành công, hiệu quả CTGDPT mới.
PGS.TS Mai Xuân Trường cho rằng: nâng cao năng lực giảng viên sư phạm đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng GV thực hiện CTGDPT mới là quá trình nhiều khâu, nhiều bước, được tiến hành có lộ trình, bài bản trong nhiều năm. Và sẽ là thiếu sót nếu không kể đến môi trường học tập nghiên cứu để giảng viên nâng cao năng lực đào tạo sư phạm của mình. Đồng thời cho biết: Trong công tác này, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã tổ chức được các “Cộng đồng học tập” trong đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Các cán bộ, giảng viên tham dự một hội thảo khoa học xây dựng chiến lược đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà |
“Cộng đồng học tập” không chỉ hỗ trợ giảng viên trong giảng dạy và nghiên cứu, mà giảng viên sư phạm trong cộng đồng này còn hỗ trợ GV phổ thông trong nghiên cứu bài học, chương trình, PPDH, những kiến thức mới; Ngược lại, qua đây giảng viên có nhiều minh chứng sống động cho quá trình đào tạo sư phạm thông qua kiểm chứng thực tế năng lực PPDH của GV phổ thông; Đây cũng là dịp giảng viên của trường sư phạm thu thập, tích lũy kiến thức thực tế để giảng dạy cho tốt…
“Như vậy, “Cộng đồng học tập” đã tạo ra được môi trường học hỏi lẫn nhau giữa trường sư phạm với GV phổ thông để giảng viên sư phạm hoàn thiện năng lực đào tạo” – PGS.TS Mai Xuân Trường đúc kết.
Chuẩn bị bài bản cho phương thức bồi dưỡng trực tuyến
Một công tác đặc biệt quan trọng trong khi toàn ngành chuẩn bị thực hiện CTGDPT mới là bồi dưỡng GV theo phương thức trực tuyến. Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã có những bước chuẩn bị bài bản để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên đáp ứng công tác bồi dưỡng GV theo phương thức này từ rất sớm; Vì đây là phương thức mới có trong những năm gần đây, do vậy trường đã triển khai thí điểm đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến trong các công tác: Bồi dưỡng năng lực biên soạn bài giảng điện tử Elearning và quản lý khóa học trực tuyến, xây dựng kế hoạch dạy học thí điểm theo phương thức trực tuyến.
PGS.TS Mai Xuân Trường cho biết: Ngay từ đầu năm 2018, Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã triển khai nghiên cứu, xây dựng hàng loạt giáo trình điện tử Elearning và tổ chức nhiều khóa, lớp dạy học trực tuyến cho giảng viên làm quen với phương thức đào tạo trực tuyến, thành thục kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến.
Hội thảo khoa học điều chỉnh chiến lược phát triển đáp ứng công cuộc đổi mới giáo dục của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên. Ảnh: Việt Hà |
Đối tượng được bồi dưỡng được mở rộng, nhiều nội dung bồi dưỡng trực tuyến được thực hiện nhằm đa dạng hóa thể loại bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của nhiều đối tượng tham gia. Nhà trường đã triển khai thí điểm ở tất cả các chuyên ngành để giảng viên nhuần nhuyễn về phương thức bồi dưỡng trực tuyến.
Cho đến nay ngoài những giáo trình được chỉ đạo xây dựng điểm để demo, hiện có 14 giáo trình điện tử được nhà trường xây dụng cho công tác bồi dưỡng, dạy học trực tuyến chuẩn bị được nghiệm thu; PGS.TS Mai Xuân Trường cho biết: Sau đợt nghiệm thu lần này, nhà trường sẽ tiếp tục cho xây dựng nhiều giáo trình điện tử cho công tác bồi dưỡng trực tuyến.
Sẵn sàng cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng giáo viên
Theo báo cáo của Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng giáo viên hiện đã được nhà trường chuẩn bị chu đáo. Hạ tầng hiện có gồm: hệ thống mạng cơ bản đáp ứng được hoạt động bồi dưỡng (10 máy server có năng lực lưu trữ hơn 10TB), Fire Wall, Switch CISSCO, các hệ thống phần mềm diệt virus.... Hệ thống truyền dẫn nội bộ có các đường cáp quang và cáp đồng nối từ hệ phòng máy chủ tới các nhà làm việc, giảng đường, nhà thí nghiệm, thư viện, phòng thực hành, ký túc xá...
Hiện có 2 đường LeadLine dung lượng 4mb, sẵn sàng mở dung lượng lên tới 100mb và một số đường truyền dẫn ADSL đáp ứng các hoạt động.
Về phòng bồi dưỡng trực tuyến: hiện có 2 phòng có thể thực hiện kết nối trực tuyến cho hoạt động bồi dưỡng (khoảng 30 - 40 chỗ một phòng);
Tại Trung tâm phát triển Kỹ năng Sư phạm của trường còn có các phòng bồi dưỡng trực tiếp với điều kiện giảng dạy tốt, có phòng ở cho giảng viên và người học;
Ngoài ra có các phòng thực hành, nhà làm việc, phòng thí nghiệm, thư viện… đều được nối mạng Internet, đáp ứng yêu cầu học tập, thực hành; Có 1 phòng sản xuất học liệu điện tử (phòng Studio); Hệ thống quan sát thực nghiệm phổ thông (1 phòng quan sát, 2 phòng dạy học nối từ trường ĐH sư phạm với trường THPT Thái Nguyên).