Tạo cơ chế và động lực để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH

Tạo cơ chế và động lực để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: N.N
    Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: N.N

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thể hiện quan điểm như vậy trong Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012. Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị còn có sự tham dự của Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Trần Quang Quý cùng gần 1400 đại biểu là đại diện lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCSHCM, Công đoàn GD Việt Nam, đại diện lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành phố, các cục vụ viện thuộc Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT và các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Những nội dung quan trọng như phổ biến Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 05-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012; Dự thảo hướng dẫn tổ chức thảo luận, quán triệt Chỉ thị và Nghị Quyết trên đã được Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Trần Quang Quý trình bày tại Hội nghị.

Theo dự thảo hướng dẫn, thời gian tổ chức thảo luận sẽ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5/2010 với nội dung:  Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo trong giai đoạn hiện nay?

Qua đợt thảo luận này, mỗi cơ sở giáo dục đại học cũng như toàn ngành Giáo dục xây dựng xong và triển khai kế hoạch 3 năm đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo; đến cuối năm 2010, các trường ĐH, CĐ xây dựng xong chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015, hướng tới năm 2020.

Trước ngày 10/5/2010, trên cơ sở kết quả tổ chức thảo luận ở các trường, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp và tổ chức Hội nghị toàn quốc về đổi mới quản lý giáo dục đại học từ cơ sở tới các cấp quản lý nhà nước.

 Chúng ta làm đúng nhưng chưa tạo sức bật

Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh vị trí quan trọng của giáo dục đại học đối với sự phát triển của đất nước sau 23 năm đổi mới. Để đáp ứng nhu cầu hoạt động của nền kinh tế, những chuyển động về quy mô, đầu tư nước ngoài…, chúng ta phải cung cấp hàng trăm nghìn lao động có trình độ. Chính giáo dục đại học trong 23 năm qua đã làm sứ mạng lịch sử là cung cấp cơ bản đủ nhân lực trình độ cao cho phát triển nền kinh tế. Chính sự phát triển vượt bậc về số lượng của các ĐH, CĐ, số lượng sinh viên đã đáp ứng quy mô tăng trưởng của nền kinh tế thời gian qua.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta không thể tiếp tục cách làm như vừa qua ở chỗ số lượng tăng nhanh không đi đôi với đảm bảo và nâng cao chất lượng.

29 năm sau năm 1975, chúng ta không có cơ quan chuyên trách về quản lý chất lượng giáo dục nói chung, trong đó có giáo dục đại học. Đến năm 2004, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD (Bộ GD&ĐT), cơ quan chuyên trách cấp quốc gia về quản lý chất lượng giáo dục mới ra đời. Nhưng từ chỗ có cơ quan chuyên trách đến lúc tác dụng của nó vào đến từng trường ĐH, xuống từng bộ môn là cả một quá trình.

Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng như Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã nêu ra những yếu kém của giáo dục ĐH nước ta, nhưng tựu chung lại, yếu kém lớn nhất là chất lượng giáo dục đại học về tổng thể chưa có chuyển biến đáng kể.

Để khắc phục điều đó, Bộ GD&ĐT cũng đã đặt vấn đề đào tạo giáo viên, đào tạo tiến sĩ nhưng vẫn chưa đáp ứng được; Bộ đã đặt vấn đề đổi mới chương trình, giáo trình, nâng cấp thư viện… nhưng vẫn chưa chuyển biến nhiều. Chúng ta làm đúng nhưng chưa tạo ra được sức bật; những khó khăn yếu kém còn kéo dài. Phó Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân ở đây là: Chúng ta đã chú trọng vận dụng quy luật sư phạm, nhưng còn chưa vận dụng tốt các quy luật khác như quy luật quản lý hệ thống, quy luật đối xử với cá nhân và quản lý tài chính.

Phó Thủ tướng cũng đưa ra những ví dụ cụ thể, sinh động của việc chúng ta đã thực hiện chưa đúng các quy luật. Như, từ trước đến nay, người đứng đầu tổ chức cấp dưới chỉ có ngang cấp đánh giá, hầu như không có cấp dưới và cấp trên đánh giá, đó là vi phạm quy luật quản lý, chúng ta cần đổi mới quản lý để thúc đẩy công tác sư phạm; yêu cầu giảng viên phải giảng dạy tốt, đổi mới phương pháp, tăng cường nghiên cứu khoa học, nhưng khi họ đã làm tốt rồi thì thu nhập hầu như cũng không tăng tương ứng, đó là vi phạm quy luật về đối xử với cá nhân. Phó thủ tướng cũng cho rằng, việc áp dụng cơ chế trả lương khuyến khích, không ai làm việc này tốt hơn hiệu trưởng...

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: N,N
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: N,N

Cần có chế tài xử lý nghiêm

Hầu hết các đại biểu tham dự Hội nghị đều tán thành cao cần đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục đại học; ủng hộ và đánh giá cao Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010-2012.

Tuy nhiên, để thực hiện đổi mới quản lý giáo dục đại học, nhiều đại biểu cho rằng, cần có chế tài để xử lý cho nghiêm, cho rõ hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc ĐH Huế cho rằng, hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy còn thiếu, không phù hợp với thực tiễn, chủ trương trong vấn đề quản lý chưa nghiêm dẫn đến việc chấp hành quy định của cấp trên chưa tốt. Bên cạnh đó, việc phân cấp, phân công còn chậm chễ; kiểm định chất lượng làm chưa quyết liệt.

Cũng liên quan đến nâng cao chất lượng, ông Nguyễn Văn Toàn bày tỏ, nhiều trường rơi vào cảnh “cái khó bó cái khôn”. Trường không khuyến khích phát triển quy mô đào tạo không chính quy vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như uy tín của trường, nhưng vẫn phải làm để giải quyết những khó khăn về kinh phí.

Ông Phùng  Xuân Nhạ (Hiệu trưởng ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, cần có chế tài gắn chất lượng với tự chủ, tự chủ như thế nào để có chất lượng; phải có tiêu chí đánh giá, cơ quan kiểm định chất lượng độc lập để giám định chất lượng một cách công bằng, khách quan và được xã hội thừa nhận.

Một trong những chế tài đáng chú ý mà đại diện của 2 trường ĐH Đà Nẵng (GS.Bùi Văn Ga – Giám đốc) và ĐH Vinh (GS.Nguyễn Ngọc Hợi – Hiệu trưởng) chia sẻ trong Hội nghị, đó là: nếu giảng viên không có giáo trình sẽ không cho giảng dạy môn đó.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì nhắc đến "chế tài xã hội" khi nói về vấn đề thực hiện "3 công khai". Theo Phó Thủ tướng, dự kiến ngày 15/4 tới các trường phải công khai tài chính; 15/5/2010, Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh sẽ kiểm tra vấn đề này. Với những trường không thực hiện, dự kiến biện pháp đưa ra là Bộ sẽ gửi văn bản ghi rõ các trường không thực hiện công khai tài chính đến các trường phổ thông và đề nghị các thí sinh cẩn trọng khi chọn thi vào những trường này.

Ông Từ Quang Hiển, GĐ ĐH Thái Nguyên thì cho rằng, quan trọng hàng đầu là xây dựng chiến lược phát triển để có con đường đi và mục tiêu phấn đấu rõ ràng trong từng giai đoạn. Tiếp theo là xây dựng hệ thống các văn bản để các trường cụ thể hóa các văn bản này trong quá trình điều hành quản lý. Những vấn đề như kiểm định chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ giảng dạy, vấn đề giáo trình… cũng vô cùng quan trọng.

Hướng tới chất lượng một cách thực tiễn

Hướng tới chất lượng một cách thực tiễn, không ngừng nâng cao là con đường và cơ chế phát triển. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định như vậy.

Phó Thủ tướng cho biết, giải quyết khó khăn một cách căn bản và có triển vọng nhất là chọn ra khâu đột phá. Và, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT đã xác định khâu đột phá chính là đổi mới quản lý, thay đổi cách làm để mỗi người hoạt động hiệu quả hơn, mỗi trường hoạt động hiệu quả hơn với đặc thù hệ thống giáo dục.

Tuy nhiên, việc này một mình ngành Giáo dục không làm được mà phải có sự tham gia của chính quyền các cấp, của các Bộ khác, Đoàn thanh niên cùng 6 vạn thầy cô và 1,7 triệu sinh viên.

Chương trình sẽ thực hiện trong 3 năm nhưng sẽ tập trung trong 3 tháng (3, 4, 5) để triển khai và thảo luận trong toàn ngành, cho tới các bộ môn, các thầy cô và từng sinh viên.

Tiến độ, khoảng giữa tháng 5 tới sẽ tổ chức hội nghị 3 vùng (Bắc – Trung – Nam), tại hội nghị này, các trường phải công bố cam kết chất lượng; tháng 12, các trường phải công bố chiến lược 5 năm hoặc 10 năm. Trong năm 2010, hai việc quan trọng phải làm là thực hiện 3 công khai và khởi động chương trình sách giáo khoa.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ