Trong 4 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta đã có mức tăng trưởng khá ấn tượng ở 3 nhóm ngành và giải ngân vốn FDI. (Ảnh minh hoạ, internet) |
Trong 4 tháng qua, cả ba nhóm ngành đều có mức tăng trưởng cao và đồng đều; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất, có số điểm phần trăm tăng nhiều nhất (từ 1,5% lên 5,65%); nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ (3,45% so với 0,4%); nhóm ngành dịch vụ có số điểm phần trăm tăng ít hơn (6,64% so với 5,4%), nhưng lại có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung.
Đáng lưu ý, trong 4 tháng đầu năm, trung bình, giải ngân vốn FDI đạt khoảng 850 triệu USD/tháng. Trong đó, tổng số vốn được giải ngân trong tháng 4 đạt cao nhất khoảng 900 triệu USD, nâng tổng số vốn FDI giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2010 lên 3,4 tỷ USD, tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2009. Đây là mức khá cao và tương đương mức giải ngân vốn FDI giai đoạn trước suy thoái kinh tế. Về triển vọng, có nhiều cơ sở thực tế của thế giới và trong nước để tin rằng thu hút FDI năm 2010 sẽ cao hơn mức tăng 10% so với năm 2009 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt ra.
Có thể làm một phép so sánh nhỏ các con số trung bình của 4 tháng đầu năm với những năm trước đây để thấy hết được ý nghĩa của mức tăng trưởng trên đây. Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2008 chỉ ở mức 6,31%, năm 2009 còn 5,32%; xuất khẩu từ 63 tỉ USD trong năm 2008 đã giảm xuống dưới 57 tỉ USD trong năm 2009; nguồn vốn FDI giảm mạnh về vốn đăng ký, năm 2008 đạt 71,7 tỷ USD giảm xuống còn 21,5 tỷ USD năm 2009; mức thực hiện từ 11,5 tỷ USD giảm xuống còn 10 tỷ USD; tốc độ tăng giá tiêu dùng cao trong năm 2007 (12,63%), bùng phát trong năm 2008 đã tăng tới 19,89% (tính bình quân năm đã tăng tới 22,97%)
Với những kết quả về kinh tế đạt được trong 4 tháng qua càng thấy rõ việc điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ rất nhạy bén, linh hoạt chuyển đổi mục tiêu ưu tiên; áp dụng các biện pháp phù hợp; có giải pháp xử lý kịp thời các hiệu ứng phụ; bảo đảm sự đồng thuận, phối hợp chặt chẽ, chia sẻ trách nhiệm giữa Chính phủ, doanh nghiệp, người dân; chọn nông nghiệp, nông thôn làm trọng điểm; kết hợp giữa nội lực và ngoại lực; kết hợp sử dụng biện pháp cơ bản và biện pháp tình thế; minh bạch thông tin, xử lý nghiêm tin đồn; làm tốt công tác thông tin, phân tích kinh tế và dự báo.
Dự báo có khoảng 7 tỷ USD kiều hối và khoảng 11 tỷ USD từ vốn FDI đổ về nước trong năm nay. (Ảnh minh hoạ, internet) |
Chuyên gia kinh tế Prakriti Sofat - Phó Chủ tịch quỹ Barclays Capital, phụ trách khu vực Indonesia và Việt Nam nhận xét: Chúng tôi vẫn tiếp tục đánh giá cao khả năng tự chủ của Việt Nam, đã thành công trong việc cải thiện thâm hụt thương mại và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được giải ngân mạnh đã làm dịu đi sự lo lắng của các nhà đầu tư. Ngân hàng trung ương đã thắt chặt chính sách bằng cách xóa bỏ mức lãi suất trần đối với khoản vay từ trung hạn đến dài hạn.
Trong tháng 2, VN đã giải ngân được 1,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tính từ đầu năm. Trong năm 2010, chúng tôi trông đợi sẽ có khoảng 7 tỷ USD kiều hối và khoảng 11 tỷ USD từ vốn FDI, thừa đủ để bù đắp thâm hụt thương mại hàng năm.
Chúng tôi thấy rằng viễn cảnh phát triển dài hạn ở VN tương đối tốt. Nếu chúng ta tính đến việc các nguồn đầu tư khá đều, cùng với hiện trạng dân số VN khá trẻ và cần cù lao động thì tương lai kinh tế VN sẽ phát triển khá ổn định. Chúng tôi dự tính kinh tế VN sẽ phát triển từ 7 – 8% trong thập kỉ tới.
Giang Đông