Nỗ lực để trẻ đạt chuẩn
Sau khi trẻ đi học trực tiếp trở lại, các trường mầm non tại TPHCM đã có sự chủ động trong việc dạy và học, đặc biệt là đối với trẻ tiền lớp 1. Theo chia sẻ của hiệu trưởng nhiều cơ sở mầm non, do ở nhà khá lâu nên nền nếp và các kỹ năng cô giáo đã hướng dẫn trước đó gần như trẻ quên hết. Vì vậy sau khi đi học trực tiếp trở lại, giáo viên đã tập trung rèn cho các em làm quen chữ cái, chữ số và các kỹ năng tự phục vụ.
Cô Vũ Thị Tú Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngôi Sao Sáng (TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, khi vào lớp 1 đa phần lịch sinh hoạt và hoạt động trẻ phải tự lập như: Nhận cơm về bàn ăn trưa nếu học bán trú, tự biết lấy nước uống, vệ sinh cá nhân, chủ động tìm giáo viên khi có nhu cầu và nhờ cô giáo giúp đỡ… Nếu không có được các kỹ năng trên, trẻ có thể bị khủng hoảng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý trong hiện tại và tương lai.
Tương tự, ở Trường Mầm non Hồng Hà (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ), ngay khi đón trẻ đi học trở lại, giáo viên đã rất nỗ lực để trẻ làm quen với trường lớp sau thời gian dài ở nhà. Riêng đối với trẻ 5 tuổi, ngoài việc củng cố các kiến thức, kỹ năng như làm quen với chữ viết và các con số, cô giáo còn tăng tốc trong việc hỗ trợ cho các con tư thế ngồi, cách cầm bút, thực hiện một số hoạt động dạy học tại lớp khi xung quanh không có đồ chơi. Từ đó tạo tâm thế cho trẻ làm quen với lớp học ở bậc tiểu học.
Theo cô Nguyễn Thị Hồng Đào, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Hà, mặc dù chỉ theo học tại trường còn khoảng 5 tháng nhưng nhà trường vẫn đảm bảo chương trình khung quy định cho trẻ 5 tuổi. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, giáo viên đã lựa chọn những nội dung trọng tâm, cốt lõi để hướng dẫn trẻ.
“Nếu như các năm vào thời điểm tháng 4 nhà trường sẽ tổ chức cho trẻ tham quan thực tế tại trường tiểu học, thì năm nay chúng tôi dự kiến lùi lại đến tháng 6. Cùng với đó, Ban giám hiệu cũng mời giáo viên tiểu học về dự họp cùng cha mẹ học sinh lớp Lá, để phụ huynh có thể giao lưu, trao đổi thông tin và phối hợp cùng với nhà trường chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ trước khi bước vào bậc tiểu học”, cô Đào chia sẻ.
Không gây áp lực cho trẻ
Cũng theo chia sẻ của cô Đào, mặc dù nhà trường tăng tốc để hoàn thành chương trình, kế hoạch giảng dạy nhưng giáo viên không gây áp lực cho trẻ. Bởi, đa số trẻ đã có nền nếp, nếp học, nếp chơi và từng làm quen với chữ cái, chữ số từ lớp Mầm, Chồi. Nhà trường luôn coi trẻ là trung tâm, ngưỡng tiếp thu, hứng thú của trẻ là các căn cứ để giáo viên tổ chức hoạt động trong ngoài giờ học hoặc mọi lúc mọi nơi.
Trường Mầm non Thiên Ân (TP Thủ Đức, TPHCM) hiện tại có 40 trẻ đang theo học lớp Lá. Mặc dù so với các năm, tỉ lệ trẻ ở lứa tuổi này giảm một nửa, nhưng nhà trường vẫn thực hiện việc dạy và học cho trẻ theo đúng nội dung, kế hoạch. Chương trình giảng dạy vẫn đảm bảo phát triển hài hòa về 5 mặt: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kĩ năng xã hội, thẩm mỹ. Tuy nhiên, giáo viên có phần chú trọng hơn về mặt nhận thức và phát triển ngôn ngữ, để trẻ có vốn kiến thức cơ bản khi bước vào lớp 1.
Theo chia sẻ của cô Thái Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thiên Ân, bên cạnh việc tổ chức hoạt động học 1 tuần 6 buổi, nhà trường còn chú trọng đến chế độ sinh hoạt và các giờ học kĩ năng cần thiết. Qua đó giáo viên rèn cho trẻ những thói quen sinh hoạt, nền nếp cũng như những kĩ năng sống tích cực. Các hoạt động đảm bảo tính khoa học, hợp lí, vừa sức, phù hợp với nhịp điệu sinh học của trẻ theo từng lứa tuổi và cá nhân.
“Nhà trường thực hiện việc dạy và học theo phương pháp giảng dạy của trường mầm non là “lấy trẻ làm trung tâm” và “học mà chơi, chơi mà học”. Các hoạt động dạy học luôn được lồng ghép với các trò chơi để trẻ luôn cảm thấy thoải mái trong giờ học nhưng vẫn tiếp thu được kiến thức. Bên cạnh đó, trong các buổi học, nhà trường còn xen kẽ những giờ dạy trẻ kỹ năng giao tiếp, giúp trẻ biết làm việc nhóm và tự chăm sóc phục vụ bản thân”, cô Nhung khẳng định.
Cô Nhung cũng cho biết, kết quả chăm sóc và giáo dục trẻ phụ thuộc rất lớn vào việc kết hợp giáo dục của nhà trường và gia đình. Vì vậy nhà trường luôn phối hợp với cha mẹ học sinh trong từng nội dung giáo dục, để thường xuyên điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện cho phù hợp với sự phát triển cá nhân của từng trẻ, hướng đến sự chuẩn bị tốt cho trẻ khi học xong mầm non có thể vững vàng bước vào tiểu học.