Phụ huynh băn khoăn
Chị Vũ Việt Phương (phường Lam Sơn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) chia sẻ, năm nay con gái chị lên lớp 1. Gia đình chị có dự định khi con học hết chương trình mầm non sẽ cho đi học chữ trước để chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1.
Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến khó lường, lớp 5 tuổi ở mẫu giáo bị gián đoạn, việc các con được làm quen với bảng chữ cái cũng "bập bõm". Các lớp rèn chữ trước khi vào lớp 1 đóng cửa vì dịch khiến vợ chồng chị lo lắng.
Hàng ngày, 2 vợ chồng chị thay nhau dạy con bảng chữ cái, bắt tay con tập viết các nét chữ với hy vọng khi vào học con không bỡ ngỡ.
"Nghe nói, chương trình sách giáo khoa mới khó hơn chương trình hiện hành nên phụ huynh cũng lo lắng lắm. Sợ vào năm học cháu không theo được nên vợ chồng tôi mua sách vở về rèn con trước. Đó cũng là tâm lý của nhiều phụ huynh khi con chuẩn bị đi học lớp 1", chị Phương chia sẻ.
Anh Hoàng Anh Hoàn (phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) bày tỏ, vợ chồng anh cũng nôn nóng chuyện rèn dạy con đọc, viết trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, chương trình mới, sợ dạy không đúng cách nên đành cho con đi học ở một trung tâm. Nhưng lớp học được nửa tháng thì dịch bệnh phức tạp, trung tâm đóng cửa, vợ chồng anh đành mang sách về nhà để cùng con học bài.
Hàng ngày được bố mẹ ra "chỉ tiêu" học chữ cùng phần thưởng khích lệ nhưng cậu con trai của anh Hoàn không mấy hứng thú. Gia đình tìm mọi cách để dạy chữ cho con nhưng không mấy hiệu quả, dẫn đến bất đồng quan điểm.
Cũng như chị Phương, anh Hoàn, chị Nguyễn Thị Luyến (phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) lo lắng đi tìm trung tâm dạy tiền lớp 1 cho con. Qua tìm hiểu chị Luyến thấy một số trung tâm quảng cáo nếu học các lớp tiền lớp 1, các con sẽ được rèn kĩ năng sống, kiến thức đơn giản về Tự nhiên – Xã hội, kiến thức chuẩn bị cho việc học Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh lớp 1 cũng như rèn tính tự giác...
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, gia đình chị không thể cho con đi học. Trung tâm có chuyển sang học online nhưng sợ không hiệu quả nên chị Luyến chọn là tự dạy con tại nhà.
Hãy rèn trẻ khả năng dư duy và tính tự giác
Cô giáo Thái Thị Hải Yến- GV Trường Tiểu học Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, trước khi vào lớp 1 trẻ cần được học. Nhưng học ở đây là học hỏi, học kĩ năng, học giao tiếp và thói quen tốt...
Mỗi trẻ có 1 khả năng tiếp thu khác nhau, có bạn thì nhanh nhưng cũng có bạn thì tiếp thu chậm hơn. Nên phụ huynh để ý khả năng của con mình để hướng dẫn con theo các cách khác nhau. Nếu con có nhận thức chưa thực sự nhanh nhạy, thì bố mẹ tìm cách tiếp cận nhẹ nhàng, vui vẻ, miễn sao phải vừa sức và phù hợp với con.
Trong giáo dục, tính vừa sức là một trong các yếu tố hàng đầu. Và phải tôn trọng mức độ nhận thức của trẻ.
Không nhất thiết phải bắt con thuộc mặt chữ, mặt số. Nếu thuộc máy móc, trẻ nhanh nhớ, nhanh quên. Thay vào đó,cha mẹ tìm ví dụ các đồ vật gần gũi, có nét tương đồng, giới thiệu với con. Những hình ảnh thân thuộc với con như số 1 chỉ cây gậy, hay cùng vui đọc câu ca "O" tròn như quả trứng gà, "Ô" thì đội nón, "Ơ" thì thêm râu...
Theo cô Yến, với môn Toán, cha mẹ cho con nhận biết số và đếm được từ 1 đến 10, biết so sánh nhiều hơn - ít hơn. Giỏi hơn nữa mà biết thêm - bớt thì càng tốt.
Với môn Tiếng Việt, con nhớ được các mặt chữ là rất tốt. Sau này cô giáo sẽ dạy ghép vần nhanh hơn.
Với kĩ năng viết, những nét đầu tiên không quá khó. Bố mẹ cho con tập tô vài nét cơ bản, mục tiêu không phải để con biết viết mà là để kĩ năng cầm bút đúng, cổ tay mềm mại hơn. Sau này con làm quen việc viết bài nhanh hơn, đỡ mỏi tay hơn.
Cô giáo Lưu Thị Liên- GV Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng cho rằng, với trẻ chuẩn bị vào lớp 1 thì quan trọng hơn cả là chuẩn bị cho con mình về mặt tâm lý vì các con có sự thay đổi về môi trường học tập.
Mọi năm, trẻ lớp 5 tuổi sẽ được các cô cho đi tham quan một số trường tiểu học nhưng dịch bệnh hoạt động đó không diễn ra. Thay vào đó, bố mẹ có thể cho con tham quan qua internet để bước đầu hình dung ra môi trường mới như thế nào.
Tiếp theo, bố mẹ cần rèn cho các con các kĩ năng tự phục vụ như: vệ sinh cá nhân, tự ăn, tự mặc quần áo....