Học “tiền lớp 1”: Cần thiết nhưng không nên tạo áp lực cho trẻ

GD&TĐ - Nhằm chuẩn bị kiến thức, kỹ năng cho con trước khi bước vào lớp 1, thời gian gần đây, nhiều bậc cha mẹ có con lớp lá bắt đầu tìm kiếm gia sư hay các lớp “tiền lớp 1” để trẻ theo học.

Học sinh lớp 1 luôn được giáo viên quan tâm, hỗ trợ để học tập tốt.
Học sinh lớp 1 luôn được giáo viên quan tâm, hỗ trợ để học tập tốt.

Việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản khi trẻ bước vào cấp học mới là cần thiết, tuy nhiên không nên tạo áp lực cho con em.

Sôi động khóa “tiền lớp 1”

Chị Vũ Thị Anh Đào (Quận 12, TPHCM) mong muốn cho con làm quen trước với chương trình lớp 1, nên hơn một tuần nay đã thuê gia sư về dạy tại nhà mỗi tuần 3 buổi. Theo chị Đào, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, thời gian ở nhà nhiều nên chị đã dạy cho con những kiến thức cơ bản như bảng chữ cái, số đếm, tiếng Anh nên bé đã biết đếm số và bắt đầu học từ. Vì vậy chị tìm gia sư với mong muốn giúp bé chuyển từ tự học không có hệ thống sang học có hệ thống.

“Cho con học trước không chỉ chuẩn bị những kiến thức nền cơ bản, mà còn về mặt tâm lý để con tự tin bước vào môi trường mới. Tôi nghĩ môi trường bậc tiểu học khác hoàn toàn so với mầm non, buộc các con phải vừa có ý thức, và vừa có kiến thức. Vì vậy, tôi đã cho con làm quen trước với chữ cái, số đếm, các phép tính và vần ghép đơn giản. Việc thuê gia sư sẽ giúp hệ thống được những gì cháu biết, hiểu và nhớ được”, chị Đào cho hay.

Việc tìm gia sư, hay tham gia các lớp “tiền lớp 1” cũng được các bậc cha mẹ quan tâm trong những ngày gần đây. Lướt trên các trang mạng xã hội, không ít phụ huynh có con vào lớp 1 đã đăng tải lên các diễn đàn để hỏi về các trung tâm, lớp học cũng như những yêu cầu tìm giáo viên dạy “tiền lớp 1”. Dưới phần bình luận là hàng loạt thông tin về lớp học, giáo viên được mọi người chia sẻ. Bên cạnh phụ huynh tỏ ra lo ngại việc con sẽ thiếu tự tin so với bạn bè, cũng còn những bậc cha mẹ thắc mắc, băn khoăn về việc có nên hay không cho con học trước lớp 1.

Anh Lê Sỹ Phương, (TP Thủ Đức, TPHCM) có con trai học lớp lá cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa cho con học thêm lớp nào, để con tự phát triển tư duy như vốn dĩ vợ chồng đã bàn bạc trước đó. Thế nhưng nghe chia sẻ từ bạn bè có con theo học lớp Một rằng chương trình nặng, nếu không học sẽ không nắm bắt kịp, anh cũng cảm thấy hoang mang.

“Trong thời điểm này, gia đình cho con làm quen bút màu, bút chì, các nét cơ bản theo sở thích, các con số trên bảng đồ chơi… Tôi nghĩ nếu được theo một lớp học hoàn thiện trước có lẽ sẽ đỡ vất vả cho con vào đầu năm học. Nhưng cũng đang rất phân vân vì sợ rằng như thế gây áp lực cho con…”, anh Sỹ Phương cho hay.

Buổi học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt.
Buổi học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt. 

Không để trẻ bị áp lực

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Ngọc Lam, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.8 Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), phụ huynh kỳ vọng vào kết quả học của con em mình thật tốt là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu gây áp lực quá hoặc sai phương pháp sẽ tạo nên “hiệu ứng ngược”. Việc chuyển từ môi trường vui chơi, nhận biết mặt chữ, mặt số sang học hành nghiêm túc ở tiểu học, trẻ cần một khoảng thời gian chuyển tiếp vừa đủ để chuẩn bị đầy đủ tâm thế làm quen việc học. Bởi vậy, các lớp “tiền lớp 1” thực sự cần thiết.

“Theo tôi, các bé chỉ cần làm quen với lớp học “tiền lớp 1” trong thời gian khoảng 1 tháng trước khi bước vào lớp 1 chứ không cần thiết phải theo học trong thời gian dài. Việc chỉ dẫn để trẻ làm quen, thích nghi thay đổi giữa các môi trường khác nhau là việc nên làm, nhưng không nên làm quá để tạo áp lực cho trẻ”, cô Lam bày tỏ.

Tuy nhiên, những lớp học này không gò bó trẻ học một cách nhồi nhét, gượng ép về cách đánh vần, tính toán, viết chữ. Giáo viên phải giúp trẻ làm quen với không khí lớp học, tư thế ngồi học, cách cầm bút, sự tập trung… Từ đây, sự hứng khởi khám phá điều mới mẻ, tinh thần ham học hỏi của trẻ mới được khơi lên.

Còn theo cô Nguyễn Thị Minh Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 1.1, Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM), trẻ được bồi dưỡng, bổ sung những kỹ năng, kiến thức trước khi bước vào lớp 1 sẽ góp phần tạo sự quen thuộc cho các em khi bước vào môi trường mới. Thực tế cho thấy, việc học sinh nếu được tiếp xúc với chữ viết và các con số trước đó khi vào lớp 1 trong thời gian đầu sẽ tiếp thu khá nhanh. Tuy vậy, phụ huynh không nên tạo áp lực cho con em mình. Bởi kết quả học tập của trẻ còn phụ thuộc vào việc tiếp thu kiến thức nhanh hay chậm trong quá trình học, cũng như việc phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên để hỗ trợ con trẻ ôn tập lại những nội dung đã học trên lớp.

“Phụ huynh không nên quá chú trọng đến việc trang bị kiến thức, hay tạo áp lực học nhanh, chậm, không theo kịp chương trình, điểm số, thành tích học tập từ năm đầu tiên. Cha mẹ cần chuẩn bị sẵn cho trẻ tâm lý vui vẻ, thoải mái, thân thiện khi bước vào ngôi trường tiểu học”, cô Phương chia sẻ.

Chị Bùi Diễm Hiếu, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), thông tin: “Khi con chuẩn bị vào lớp 1, mặc dù không thuê gia sư hay cho con theo các lớp “tiền lớp 1”, nhưng tôi thường xuyên hướng dẫn cháu tô theo các nét chữ, hay chơi trò chơi đếm có hình các con số. Khi cháu vào lớp 1, trong quá trình học trực tuyến dưới sự hướng dẫn của giáo viên, mình đã kèm cặp cháu thường xuyên. Nhờ đó, cháu biết đọc viết như các bạn trong lớp”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.