Tăng thuế hạn chế di cư là ý tưởng ấu trĩ

GD&TĐ - “Để hạn chế di cư, giảm tải dân số cho các đô thị lớn như Hà Nội hay TPHCM cần đến nhiều giải pháp đồng bộ chứ không phải là tăng thuế. Đánh thuế cao là một ý tưởng ấu trĩ, không có một lợi ích nào xét từ nhiều góc độ”, PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa - Xã hội, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội chia sẻ.

Người lao động nông thôn tham gia ngày hội việc làm tại Hà Nội
Người lao động nông thôn tham gia ngày hội việc làm tại Hà Nội

Ngày 22/11, tại hội thảo “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất hiệu quả trên địa bàn TPHCM”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT cho hay, TPHCM và Hà Nội đang muốn điều chỉnh dòng người di cư vào hai thành phố này. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định pháp luật hay quyết định hành chính để ngăn làn sóng di cư vào hai thành phố đều không được, bởi tự do cư trú là quyền của mỗi người.

Cho nên trong trường hợp này chỉ áp dụng rào cản kỹ thuật. Rào cản kỹ thuật ở đây, theo GS Đặng Hùng Võ, là áp mức thuế cao để những người sống ở TPHCM và Hà Nội phải có thu nhập cao mới “trụ” được. Chứ với cách làm hiện tại khiến người dân ở địa phương đổ về hai thành phố này theo kiểu “bám vỉa hè đô thị để sống, mà không phải đóng đồng thuế nào”.

GS Đặng Hùng Võ nói: “Dùng thuế là bộ lọc, là rào cản kỹ thuật duy nhất để giải quyết vấn đề di cư. Chứ cứ như thế này chả mấy chốc dân số Hà Nội, TPHCM tăng lên 40 - 50 triệu người mà không cách gì cản được”.

TS Hoa Hữu Lân
 TS Hoa Hữu Lân

Chỉ người giàu mới được sống ở Thủ đô?

- Ông nghĩ sao về giải pháp của GS Đặng Hũng Võ?

- Đúng là hiện các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM đang đau đầu với bài toán lượng dân nhập cư tăng quá nhanh. Có rất nhiều lý do khác nhau như mưu sinh, đời sống cao, công tác thuận tiện, tiếp cận tiến bộ dễ dàng... Số người sống vãng lai ở các thành phố này có khi lên đến vài triệu. Năm 2008, Hà Nội mở rộng diện tích địa giới hành chính để giảm tập trung vào vùng lõi, nhưng bài toán này đến nay chưa giải quyết được.

Về mặt vĩ mô, chúng ta cũng đã và làm nhưng không đến đích. Hà Nội mở rộng diện tích nhưng vẫn chưa thể kéo giãn dân. Bởi vùng ngoại vi điều kiện hạ tầng chưa thu hút. Ở vùng lõi, đặc biệt các khu đất vàng lại chưa được quy hoạch tốt. Nhà cao tầng, chung cư vẫn mọc lên trong những khu dân cư đông đúc, tạo ra những tiểu khu phố chồng lấn lên nhau.

Thực trạng chung là chúng ta không kiểm soát được luồng di cư về những nơi kinh tế phát triển như Hà Nội và TPHCM.

- Trong bối cảnh đó, việc đưa ra một giải pháp hạn chế dân di cư là cần thiết?

- Đồng ý là vậy. Nhưng việc dựng lên một hàng rào thuế, ai có thu nhập cao mới được sống ở Hà Nội và TPHCM? Vậy ai là người có thu nhập cao? Kiểm soát thu nhập cao như thế nào? Đây là bài toán rất ấu trĩ. Như thế phải chăng Hà Nội và TPHCM chỉ tập trung những người giàu? Điều này sẽ dẫn đến va chạm bất bình đẳng xã hội. Khuyến khích người giàu được sống ở Thủ đô, những nơi có điều kiện tốt, các vùng lõi phát triển. Còn người nghèo, những người không có điều kiện kinh tế thì không có cơ hội. Đây là điều ngớ ngẩn.

- Như ông phân tích thì ý tưởng chính sách đó “rất nhạy cảm”, tác động đến nhiều người dân?

- Cái cần thu hút ở đây là thu hút nhân tài, lao động có trình độ cao để phát triển, đóng góp vào sự vươn lên trong các lĩnh vực của quốc gia chứ không phải là chỉ người có tiền mới được sống ở vùng lõi. Bởi người có tiền bây giờ rất nhiều loại. Có người làm ra tiền bằng lao động mồ hôi nước mắt, nhưng không ít kẻ có tiền nhờ tham ô tham nhũng. Vậy phân định thế nào, kiểm soát thế nào?

Tôi đặt vấn đề là có thực trạng không ít cán bộ lãnh đạo ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, kể cả các tỉnh miền núi, không ai nói ra chứ ông bà nào chẳng có nhà ở Hà Nội, TPHCM? Thế là người dân Hà Nội chính gốc, do không làm ăn được lại dạt ra ngoại biên. Những vị trí đẹp nhất có thể lại là nhà của những kẻ rửa tiền.

- Ông lập luận rằng ý tưởng đó vô hình trung sẽ “nâng đỡ” tham nhũng?

- Đúng thế. Quy định đánh thuế như thế thì rõ ràng quan chức, các ông bà tham ô tham nhũng, có điều kiện kinh tế tốt ở khắp nơi, được khuyến khích “đóng đô” ở tại thành phố lớn. Thế thì tự nhiên làm cho Hà Nội, TPHCM trở thành “vùng chứa chấp tham nhũng”. Tôi không hiểu vì sao người ta lại có ý tưởng như thế. Tôi cho rằng ý tưởng này có đưa ra thì cũng sẽ bị số đông dư luận “ném đá”. Rất ít người ủng hộ bởi nó không khả thi, khiến xã hội trở nên biến động hơn.

Lao động di cư đến các đô thị là nhu cầu tất yếu trong phát triển
 Lao động di cư đến các đô thị là nhu cầu tất yếu trong phát triển

Cần người giỏi chứ không phải giàu

- Theo ông thì giải pháp nào để hạn chế người dân di cư ồ ạt vào các thành phố lớn?

- Trước đây muốn có hộ khẩu ở Hà Nội phải có nhà cửa, công việc ổn định, đóng bảo hiểm xã hội… Nhưng các điều kiện này ngày càng thông thoáng, mở rộng, khiến cho áp lực dân số ngày càng nặng nề. Giờ nếu tính đến hạn chế người dân di cư thì nên sàng lọc ở khía cạnh người có trình độ cao, người tài sẽ được ưu đãi, khuyến khích định cư ở Hà Nội, TPHCM. Không nên đánh vào thu nhập cao.

Thực hiện triệt để việc di chuyển các cơ sở bệnh viện, trường học, khu chung cư, trụ sở cơ quan… ra ngoại vi. Cùng với đó là phát triển hạ tầng đồng bộ để giãn dân. Khi có các chính sách ưu đãi phù hợp thì người dân sẽ tự nhiên chọn nơi sống phù hợp. Không phải ai cũng thích bon chen nơi đông đúc chật chội.

- Liệu có biện pháp hành chính nào đủ mạnh?

- Dù là biện pháp hành chính nào cũng không phải là biện pháp đánh thuế thu nhập cao. Bởi hiện nay chúng ta không kiểm soát được dòng tiền của các cá nhân. Cũng khó phân định thế nào là thu nhập cao.

Để hạn chế dân di cư thì trước đây chúng ta có ý tưởng cấm xe, hoặc đi xe theo biển vào ngày chẵn ngày lẻ, đánh phí khi đi vào nội độ… Chính sách đưa các bệnh viện, trường học ra ngoại vi nhưng đến nay chưa thể làm được. Chính các cơ quan Nhà nước cũng không làm được triệt để điều này. Do đó, phải là các chuỗi giải pháp chứ không có một giải pháp nào đủ mạnh để làm được?

- Cụ thể, chuỗi giải pháp đó là gì?

- Khoảng 5 - 6 giải pháp tôi có thể kể đến. Đối với công tác cán bộ của các cơ quan đóng ở Hà Nội và TPHCM, hàng năm phải chọn lựa được người tài, người có năng lực thực sự mới tuyển dụng. Di dời ngay các cơ sở bệnh viện, trường đại học, cơ quan Trung ương, nhà máy ô nhiễm… ra ngoại vi gắn với cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Phân bố lại mạng lưới các cơ quan, trường học, trụ sở. Tạo được điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng ở ngoại vi giống như ở trong nội đô, gắn kết các công trình này để thu hút người dân ra sinh sống. Trong vùng ấy phải quy hoạch cụ thể rõ ràng. Tiếp đó là kiểm soát chặt chẽ người lao động tự do như người buôn bán hàng rong, xe ôm….

Đô thị hóa là điều không tránh khỏi trong giai đoạn hội nhập
 Đô thị hóa là điều không tránh khỏi trong giai đoạn hội nhập

Cấp thẻ cho lao động tự do

- Tôi thắc mắc việc kiểm soát lao động tự do, bởi những người này đang sống nhờ công việc và nuôi gia đình họ?

- Theo tôi thì phải kiểm soát những người lao động có trình độ thấp, lao động thủ công từ các tỉnh đổ về như bốc vác, thợ xây, hàng rong, buôn bán, xe ôm, xe tải… Đây là số lượng người rất lớn. Khi chúng ta thực hiện giãn dân tốt thì số người này cũng sẽ giảm đi bởi số công việc của họ cũng ít đi. Còn lại những người thuộc diện KT3, KT4 thì phải có thẻ mới vào nội độ làm việc được.

- Ý ông là cần kiểm soát người lao động di cư tự do?

- Đúng thế. Không cấm mà phải kiểm soát được họ. Phải có những hiệp hội để tập hợp họ. Ít nhất, phải sử dụng biện pháp hành chính trong giai đoạn đầu. Ngoài ra phải hạn chế cả các phương tiện ngoại tỉnh vào nội đô. Phải quy hoạch giao thông, có các tuyến đường nào, quy định giờ giấc thế nào đối với các phương tiện ngoại tỉnh… Điều này đã bàn nhiều nhưng hệ thống giao thông hiện tại không khớp nối, không đồng bộ nên rất khó.

Vào nội đô cũng như vào tuyến đi bộ Hồ Gươm phải có bãi gửi xe. Khi có các bãi gửi xe, có phương tiện công trung chuyển… thì sẽ hạn chế được người di cư. Đây là một bài toán không đơn giản, mà phải là một chuỗi các giải pháp khác nhau.

- Trân trọng cảm ơn ông!

“Nhìn nhận một cách tỉnh táo thì cần hạn chế sự nhập cư không kiểm soát. Vì bất cứ nơi đâu mà tăng dân số quá nhanh cũng gây nhiều hệ lụy lên hệ thống hạ tầng cơ sở. Đó là giao thông, trường học, bệnh viện, môi trường và cả sự sống của người dân địa phương. Sự tập trung quá lớn dân cư có thể làm gia tăng khả năng kinh tế tại một khu vực. Nhưng nó là sự mất cân đối, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sự phụ thuộc vào một vài thành phố lớn cho cả đất nước. Muốn khắc phục và phải khắc phục nhưng cần đồng bộ và có thời gian dài”.
                                                                        PGS.TS Hoa Hữu Lân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ