Cuộc sống ở những xóm “Việt kiều”

GD&TĐ - Từ chục năm qua, chỉ khoảng chục hộ gia đình di cư từ Campuchia về sống nương nhờ vào hồ Dầu Tiếng (khu vực tỉnh Bình Dương và Tây Ninh), đến nay đã lên đến cả nghìn hộ, với số nhân khẩu vài nghìn. Cuộc sống tuy khó khăn, gian khổ, nhưng người dân vẫn nỗ lực vươn lên. Đồng thời họ có sự giúp đỡ của các cấp chính quyền sở tại và các tấm lòng hảo tâm.

Cuộc sống ở những xóm “Việt kiều”

Phận người hồi hương

Ấn tượng với tôi khi đến với ấp Tà Dơ, một ấp mới được thành lập của xã Tân Thành (huyện Tân Châu - Tây Ninh) là một cảm giác heo hút. Người dân sạm nắng hối hả lao động, đánh cá. Những đứa trẻ lon ton theo mẹ, tóc cháy xém. Cuộc sống còn tạm bợ và nghèo khó, thế nhưng người dân lạc quan và sống tình nghĩa.

Một người dân cho biết, trước đây khi còn sinh sống ở Campuchia, họ được cho biết rằng lòng hồ Dầu Tiếng rộng lắm, giống như một “vùng đất hứa” có thể mưu sinh. Vậy là họ kéo nhau về. Người thì sống nhờ vào miệt hồ ở bên đất Bình Dương, người khác ở Bình Phước. “Chúng tôi chọn Tà Dơ, vì đất bãi ở đây còn tương đối rộng”.

Tôi ngồi trong mái nhà tạm của ông Nguyễn Nhiều, người đã dắt díu vợ cùng bốn con về Tà Dơ, hai con ông lại dựng vợ gả chồng, sinh thêm ba đứa cháu, mới thấy hết cuộc sống của những người ăn sóng nói gió bám vào lòng hồ.

Ấp Tà Dơ có hơn 420 hộ dân, tất cả đều là người Việt từ Campuchia hồi hương. Ngoài sống bám vào nghề đánh cá, chài lưới trên lòng hồ, một số người đi xa làm thuê. Ngoài ra người dân cũng được hỗ trợ rất nhiều từ các tổ chức từ thiện, người dân ở các tỉnh, thành trong khu vực.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cho hay: “Ấp Tà Dơ mới xin được thành lập từ năm 2012, do các hộ di cư từ Biển Hồ bên Campuchia về sinh sống. Chính quyền đã tạo điều kiện để giúp đỡ người dân nơi đây có điều kiện sống. Đó là 183 hộ, trong đó có 125 trẻ em đã về ở lâu dài thì địa phương đã hỗ trợ tái định cư, số trẻ em sinh ở Việt Nam được làm giấy khai sinh. Nhờ các đoàn cứu trợ giúp đỡ, người dân có thêm gạo, thực phẩm để chi dùng”.

Ngoài chọn ấp Tà Dơ, người dân di cư cũng về sinh sống tại địa bàn hai xã Phước Minh và Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu của tỉnh Tây Ninh). Hơn một trăm hộ dân cũng sống kiểu tạm bợ, thiếu nhà cửa và giấy tờ tùy thân trên những túp lều, những con thuyền tẻo teo. Một số được tái định cư, hoặc lên đất liền mua đất, dựng nhà. Họ có quê hương không? Có. Nhiều người có gốc từ tỉnh An Giang, Đồng Tháp sang Campuchia cùng gia đình mưu sinh, rồi lớn lên tại đó đồng thời lập gia đình, sinh con đẻ cái.

Khi nguồn thủy sản ở Biển Hồ vơi cạn họ liền quay về Việt Nam sinh sống. Anh Nguyễn Văn Cây và Nguyễn Văn Cả là hai anh em ruột, sức lực dồi dào, cường tráng, về hồ Dầu Tiếng tha hồ được vùng vẫy, nên chỗ nào nông sâu đều biết hết. Anh Cây cho hay: Mỗi gia đình một đêm cũng kiếm được ít cá, bán được khoảng 200.000 đồng. Nguồn thủy sản ở hồ Dầu Tiếng có vơi, nhưng Nhà nước vẫn thường thả cá giống xuống, để số cá đó phát triển, phục vụ cho người dân đánh bắt.

Ấm lòng người dân

Thông tin từ lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh có gần 850 hộ với hơn 3.700 nhân khẩu dân di cư tự do từ Campuchia về, trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Châu (379 hộ), Dương Minh Châu (123 hộ) và Tân Biên (230 hộ). Tỉnh Tây Ninh đã xây dựng đề án hỗ trợ người dân về đất sản xuất, đất ở, y tế, giáo dục, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, trong đó chú trọng việc thực hiện làm giấy khai sinh để các em có điều kiện học chữ và hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Điều đáng nói, trẻ em sinh ra từ năm 2012 trở về sau đều được địa phương cấp giấy khai sinh và thẻ BHYT. Một điều khá vui là, năm học 2016 - 2017, các trường ở ven hồ Dầu Tiếng thuộc 3 huyện Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu đã huy động được 560 học sinh là con em người Việt từ Campuchia hồi hương đi học. Phải khẳng định, sau nhiều ngày tháng sống lênh đênh, tạm bợ, được đi học là một niềm vui rất lớn với những đứa trẻ nơi đây.

Theo ông Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh: Tháng 8/2016, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo giải quyết, hỗ trợ người Việt kiều hồi hương từ Campuchia. Cái khó khăn lớn nhất là nguồn lực tài chính có hạn. Cần phải có thời gian nhưng nhất quyết không để dân đói.

Đối với những trường hợp khó khăn về chứng minh nguồn gốc, giấy tờ tùy thân, tỉnh kiến nghị lên Trung ương có biện pháp hỗ trợ và hiện nay, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Hy vọng là sang năm 2017 sẽ có nhiều tiến triển. Bởi nói gì thì nói, an cư mới lạc nghiệp. Những đứa trẻ muốn được ổn định, được đi học, có sức khỏe tốt và tương lai, thì bố mẹ chúng phải được ổn định đã, có giấy tờ tùy thân, được tạo điều kiện vay vốn ngân hàng, chăn nuôi, làm ăn phát triển kinh tế.

Vào những tháng cuối năm, các đoàn làm từ thiện ghé về vùng ven lòng hồ khá nhiều, mục đích là nhường cơm sẻ áo cho người nghèo, trẻ em. Đặt biệt là dịp sát Tết. Những suất quà, manh áo hay những đồng vốn, đủ làm ấm lòng bà con và tạo niềm tin sống.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ