Tăng sức đề kháng cho dân vùng lũ với “4 tại chỗ”

GD&TĐ - Trong lũ lụt, phải thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Nhờ đó, giúp ứng phó với tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa.

Nhiều khu vực dân cư ở phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị ngập do lũ sáng 11/11. Ảnh: Nguyễn Dũng
Nhiều khu vực dân cư ở phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) bị ngập do lũ sáng 11/11. Ảnh: Nguyễn Dũng

Bão “chồng” bão

Từ đầu tháng 10 đến nay, người dân các tỉnh miền Trung liên tiếp phải gánh chịu những thiệt hại, đau thương, mất mát lớn do mưa bão, ngập lụt. Bên cạnh việc phòng, chống bão lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, người dân các tỉnh miền Trung cũng phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Dù bão số 12 đã suy yếu, song Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cảnh báo, những ngày tới, các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông khả năng đạt báo động 2, báo động 3, có sông trên báo động 3. Riêng lũ trên các sông ở Quảng Bình và Nam Tây Nguyên dao động ở báo động 1 và báo động 2.

Trong khi đó, bão VAMCO được dự báo là rất mạnh và có thể đạt cấp 13 - 14, giật 16 trước khi đi vào Biển Đông. Dự báo cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông trong khoảng ngày 12/11 và trở thành bão số 13 trong năm nay. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh, cường độ mạnh nhất trên Biển Đông, có khả năng đạt cấp 13 - 14, giật cấp 16.

Bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 14 - 15/11. Khả năng cao, bão VAMCO sẽ gây ra đợt mưa lớn tiếp theo ở Trung Bộ từ ngày 14 - 16/11. Nếu kịch bản này xảy ra, trong 10 ngày tiếp theo, Trung Bộ có thể tiếp tục trải qua 2 đợt mưa lớn.

Cán bộ y tế tại Hà Tĩnh xuống địa bàn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, tiến hành công tác phòng dịch.
Cán bộ y tế tại Hà Tĩnh xuống địa bàn hướng dẫn người dân xử lý nguồn nước, tiến hành công tác phòng dịch.

Sức khoẻ suy yếu vì thiên tai

Trước bối cảnh mưa bão liên tục xảy ra, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân vùng lũ cần lưu ý mặc ấm, đeo khẩu trang, tránh muỗi đốt. Khi có các triệu chứng bệnh, phải báo cơ quan y tế để được trợ giúp. Đề phòng dịch bệnh bùng phát trong và sau thời kỳ lũ lụt là việc làm vô cùng quan trọng.

“Sau lũ lụt, môi trường ô nhiễm, điều kiện vệ sinh kém, sức khỏe người dân suy yếu. Vì vậy, dịch bệnh dễ bùng phát. Trong và sau thời kỳ lũ lụt, có thể xuất hiện các dịch đường tiêu hóa như: Tả, lỵ thương hàn, tiêu chảy cấp, tay chân miệng. Một số khác là: Các dịch do muỗi truyền như sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ, các dịch đường hô hấp như cúm và các bệnh ngoài da”, PGS Nga cảnh báo.

Lý giải về tình trạng này, chuyên gia cho biết, các nguồn nước từ nhà vệ sinh bị ngập. Xác súc vật chết, rác thối rữa trôi nổi. Từ đó, gây ô nhiễm môi trường, ngộ độc nguồn thực phẩm, nước uống.... 

Trong khi đó, lũ lụt khiến người dân di chuyển đến các khu vực tập trung đông người. Họ rơi vào hoàn cảnh thiếu nhà vệ sinh, nước sạch, thực phẩm, thuốc men. Đặc biệt, sức khỏe người dân cũng sẽ suy yếu do phải chống chọi với thiên tai.

Tất cả những yếu tố này đều góp phần gây nên khả năng bùng phát của dịch bệnh. Do đó, PGS Nga cho rằng, cần có kế hoạch cụ thể trước mùa lũ lụt. Trong thời gian này, phải thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”.

“Cần chuẩn bị đủ thuốc men, lương thực, nước uống, địa điểm di chuyển khi nước ngập. Trong lũ lụt, phải thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư - phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Nhờ đó, giúp ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra trong mùa mưa”, chuyên gia nhấn mạnh.

Tiêm chủng để chống dịch

PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, người dân vùng lũ chỉ nên sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Lưu ý, nước sau khi đun sôi không được để quá lâu. Người dân nên thường xuyên đun nước mới để uống hằng ngày. Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Trước bối cảnh này, PGS Nga cho biết, người dân tuyệt đối phải ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Xử lý nước uống bằng lọc, đánh phèn và khử trùng bằng các viên sát khuẩn như Aquatab, Cloramin hoặc dùng vôi bột.

Bên cạnh đó, địa điểm tập trung tránh lụt cần có nhà vệ sinh dã ngoại hoặc di động. Ngoài ra, nước uống phải được đóng chai hoặc đun sôi, có nước và xà phòng để rửa tay. Yếu tố quan trọng là chú trọng bảo vệ sức khỏe trẻ em và người cao tuổi. 

Khi nước rút, phải thực hiện nước rút đến đâu vệ sinh tới đó, chôn cất xác súc vật chết, xử lý rác đúng nới quy định theo hướng dẫn của y tế.

“Người dân vùng lũ cần lưu ý mặc ấm, đeo khẩu trang, tránh muỗi đốt. Không cho trẻ em bơi lội trong nước bẩn. Quần áo phải được giặt giũ, phơi khô, tránh ẩm mốc. Nếu có điều kiện, nên đưa trẻ đi tiêm chủng. Khi có các triệu chứng bệnh, người dân phải báo cơ quan y tế để trợ giúp”, PGS Nga khuyến cáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ