Dân vùng lũ Sa Ná đón Tết cổ truyền trong những ngôi nhà mới

Dân vùng lũ Sa Ná đón Tết cổ truyền trong những ngôi nhà mới

Tái thiết sau trận lũ “xoá sổ”

Trận lũ lịch sử tràn qua bản Sa Ná vào những ngày đầu tháng 8/2019 đã khiến bản này gần như bị “xóa sổ”. Hàng chục ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, hơn 10 người bị tử vong và mất tích, thiệt hại do đợt lũ gây ra cho Sa Ná hàng trăm tỷ đồng.

Ngay sau khi trận lũ lịch sử tràn qua, UBND huyện Quan Sơn đã đề nghị Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cho chủ trương xây dựng một khu tái định cư (TĐC), để giúp người dân bản Sa Ná khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Sau đề xuất của huyện, Trung ương và tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý tìm khu TĐC để tái thiết nơi ở mới cho bà con đồng bào bản Sa Ná.

Dự án này được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hỗ trợ cho 51 hộ dân. Đối với những nhà bị thiệt hại từ 70% trở lên được hỗ trợ 300 triệu đồng/hộ. Những nhà bị hư hỏng từ 50 – 70%, được hỗ trợ 200 triệu đồng/hộ. Những nhà bị thiệt hại từ 30 – 50%, được hỗ trợ 100 triệu đồng. Còn những nhà có nguy cơ sạt lở, hư hỏng dưới 30% thì được hỗ trợ 40 triệu đồng để di chuyển nhà cửa.

Theo đó, khu TĐC được mở rộng 5,29ha để tạo mặt bằng tại đồi Poong Hồ, thuộc địa phận bản Sa Ná. Sau san lấp, khu TĐC này có vị trí khá bằng phẳng, không ảnh hưởng ta luy âm và ta luy dương, chỉ phải xây dựng bờ kè chống sạt lở cục bộ, cách vị trí xảy ra lũ quét gần 1km.

Huyện Quan Sơn cũng đã đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án xây dựng cầu bê tông vượt sông Luồng, làm đường giao thông nối bản Bo Hiềng vào Sa Ná - Son và đi các bản Mùa Xuân, Xía Nọi (xã Sơn Thủy), bản Ché Lầu (xã Na Mèo), với tổng số vốn của dự án này là hơn 50 tỷ đồng.

Khu trường học mới ở khu TĐC Sa Ná đang dần hoàn thiện
 Khu trường học mới ở khu TĐC Sa Ná đang dần hoàn thiện

Cô giáo trẻ cảm ơn Báo Giáo dục và Thời đại

Để giúp người dân vùng lũ Sa Ná đón một cái Tết đầm ấm, hạnh phúc, ngày 12/1, vừa qua, Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND huyện Quan Sơn tổ chức chương trình “Tết Sa Ná ấm tình dân bản”.

Lãnh đạo các cấp, địa phương và huyện Viêng Xay (Lào) tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà anh Hà Văn Vân, gia đình có 6 người thân chết và mất tích trong trận lũ lịch sử.

Anh Vân chia sẻ: “Mấy tháng qua, kể từ khi lũ cuốn mất cha mẹ, vợ con, chị gái và nhà cửa, tôi phải đi ở nhờ. Nếu không có Nhà nước và các nhà hảo tâm hỗ trợ thì có lẽ tôi không thể đứng vững được đến ngày hôm nay. Bây giờ có nhà mới rồi, mình cũng sẽ bắt tay vào làm lại từ đầu thôi. Tôi xin chân thành cảm ơn những người đã giúp chúng tôi vượt qua khó khăn, mất mát lớn nhất của cuộc đời này”.

Cô giáo Nguyễn Thị Tiếm - người mẹ bị lũ cuốn mất đứa con trai 3 tháng tuổi lẫn nhà cửa... bày tỏ sự biết ơn Báo GD&TĐ đã có bài phản ánh việc suốt bao năm cô phải dạy hợp đồng. Khi Báo GD&TĐ có bài phản ánh, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương quan tâm đến cô giáo này, thì hiện nay cô Tiếm đã được xét tuyển chính thức vào biên chế của ngành Giáo dục.

“Gia đình tôi và bà con trong bản vừa phải trải qua một lần đau thương, mất mát không bao giờ có thể bù đắp được. Thời điểm con trai tôi bị nước lũ cuốn trôi, chồng bị thương nặng, nhà cửa, tài sản bị mất sạch, tôi đã nghĩ đến cái chết. Cũng may, có sự giúp đỡ của chính quyền, các nhà hảo tâm nên tôi mới vượt qua. Đặc biệt, nhờ có Báo GD&TĐ viết bài phản ánh về hoàn cảnh của mình, mà tôi đã được cấp trên xét duyệt chính thức vào biên chế của ngành Giáo dục, để yên tâm công tác”, cô Tiếm tâm sự.

Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang cận kề. Người dân ở bản Sa Ná đã được ổn định trong nơi ở mới. Một mùa xuân mới đang tràn về với người dân Sa Ná ở khu TĐC mới khang trang, đẹp đẽ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.