Tăng quản lý

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Thực hiện Luật Giáo dục Đại học, số lượng trường đại học, học viện có tuyển sinh và đào tạo chương trình liên kết quốc tế đang tăng dần.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Quy trình xét tuyển đơn giản, chi phí tiết kiệm từ 40 - 60% so với du học toàn phần, bằng cấp có giá trị quốc tế, các chương trình liên kết quốc tế (LKQT) đã và đang hấp dẫn nhiều thí sinh có điều kiện kinh tế khá giả. Tính đến hết năm 2021, cả nước có 408 chương trình LKQT được giảng dạy ở khoảng 86 cơ sở giáo dục đại học.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc đẩy mạnh các chương trình LKQT có ý nghĩa và sứ mệnh to lớn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước, chương trình LKQT còn được kỳ vọng lan tỏa chất lượng đào tạo cho chương trình trong nước, nâng cao năng lực chuyên môn (giảng dạy và nghiên cứu khoa học) và năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Sự phát triển mạnh mẽ về mặt số lượng là tín hiệu tích cực, song chất lượng của các chương trình LKQT thời gian qua vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong gần 180 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài liên kết đào tạo với 86 đơn vị của Việt Nam, có tới 62,7% cơ sở đối tác không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới (theo bảng xếp hạng của QS World University Ranking và Times Higher Education năm 2021).

Giai đoạn 2015 - 2021, kết quả điểm trúng tuyển đầu vào chương trình LKQT thấp hơn nhiều so với chương trình đào tạo hệ đại trà trong nước ở trình độ đại học cùng ngành, cùng cơ sở giáo dục. Nhiều chương trình LKQT chỉ cần ứng viên dự tuyển tốt nghiệp THPT với điểm học bạ trung bình từ 6,5 trở lên, không yêu cầu kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ ngoại ngữ. Cũng theo Bộ GD&ĐT, quá trình thực hiện LKQT vừa qua, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam ít thu được những tác động tích cực từ các chương trình liên kết với nước ngoài.

Đáng chú ý, thời gian qua, danh sách chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng theo chuẩn trong nước và quốc tế vẫn còn vắng bóng các chương trình LKQT. Thực tế đã xuất hiện không ít chương trình LKQT chưa đạt yêu cầu, có chương trình “rút ruột” đội ngũ, giảng viên nước ngoài chỉ dạy 1 - 2 tuần để… làm màu; có trường còn đem các chương trình chưa được kiểm định ở nước ngoài về tuyển sinh. Không ít cơ sở bắt tay với trường đại học nước ngoài kém chất lượng, lấy “mác” quốc tế để thu hút người học. Qua rà soát, Bộ GD&ĐT đã từng cho dừng lại gần 200 chương trình LKQT.

Không phải ngẫu nhiên mà từ giữa thập niên trước, OECD và UNESCO đã đưa ra những khuyến nghị cho các nước đang phát triển nhằm tránh rủi ro liên quan đến giáo dục xuyên biên giới. Phát triển các chương trình LKĐT không đơn giản là áp chiếc áo quốc tế để thu học phí cao hơn nhiều lần so với chương trình đào tạo trong nước, nhằm tăng nguồn thu. Mỗi khi chương trình LKQT không bảo đảm chất lượng, người học sẽ phải gánh chịu hậu quả. Ý nghĩa, sứ mệnh xây dựng các chương trình LKQT theo đó cũng sẽ không còn nữa.

Đất nước đang hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc hạn chế những tiêu cực và phát huy điểm tích cực của LKQT tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế, cùng với việc tăng quy mô, số lượng các chương trình LKQT, đòi hỏi đồng thời phải gia tăng mức quản lý và chế tài tương xứng.

Bên cạnh sự cẩn trọng của người học, Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về điều kiện bảo đảm chất lượng, tăng cường công tác kiểm định chương trình LKQT. Các trường đại học cũng rất cần nêu cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin. Bởi mỗi khi hệ thống thông tin xung quanh các chương trình LKQT vẫn còn nhiều điểm “mờ”, cơ chế quản lý có nhiều kẽ hở thì không chỉ người học gặp rủi ro, mà giáo dục đại học cũng khó đạt được chất lượng, hiệu quả như mong muốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.