Vừa vất vả, vừa thiệt thòi
Chứng kiến một ngày làm việc của cô giáo Đỗ Thị Toàn, giáo viên Trường Mầm non Minh Khai (huyện Hoài Đức, Hà Nội) mới cảm nhận rõ về sự vất vả của giáo viên mầm non khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có mặt ở lớp từ 6h30 phút sáng mỗi ngày với hàng loạt công việc lặp đi lặp lại như vệ sinh lớp học, rà soát đồ dùng, đồ chơi, đón trẻ, triển khai các hoạt động của một ngày chăm sóc, giáo dục trẻ, đến 17h30 thì cô Toàn mới cơ bản xong việc.
Nhưng cũng có những ngày phụ huynh quên đón trẻ, hoặc vào những ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới, cô Toàn phải ở lại trường đến tận 18h30 - 19h. Vất vả, áp lực là vậy nhưng nhiều năm nay, thu nhập hằng tháng của cô vẫn chỉ ở mức hơn 4 triệu đồng.
Dù có thâm niên 30 năm gắn bó với trẻ nhưng thu nhập từ nghề giáo viên mầm non vẫn luôn khiến cô giáo Hoàng Thị Hoa và nhiều đồng nghiệp ở Trường Mẫu giáo số 5 (quận Ba Đình) không khỏi chạnh lòng mỗi khi năm học mới bắt đầu.
“So với các ngành học khác, giáo viên mầm non chịu nhiều vất vả, thiệt thòi nhất. Trong khi các ngành học khác, giáo viên được hưởng lương theo trình độ đào tạo, còn chúng tôi, dù có bằng đại học hoặc cao đẳng nhưng cũng chỉ được xếp lương ở bậc trung cấp” - cô Hoa chia sẻ.
Thời gian làm việc mỗi ngày luôn kéo dài khoảng 10 giờ, nhiệm vụ không chỉ là cho trẻ ăn, ngủ, học, các cô còn phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để chuẩn bị đồ dùng dạy học, nhiều khi tối muộn về nhà vẫn còn phải soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi, vẽ tranh…
Thực tế cho thấy yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục mầm non ngày càng đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, chịu nhiều áp lực, nhưng mức lương của giáo viên mầm non còn rất hạn chế.
Còn cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường mầm non Tuổi Thơ (quận Hà Đông) chia sẻ: Với 6 năm trong nghề, tổng thu nhập của cô chỉ 4 triệu đồng/tháng, trong đó có 3,5 triệu tiền lương và 500 nghìn đồng do nhà trường hỗ trợ. Mức lương này đòi hỏi giáo viên phải khéo xoay xở thì mới có thể bảo đảm cuộc sống.
Mầm non là cấp học khó khăn nhất hiện nay, công việc của giáo viên nhiều áp lực, thời gian làm việc liên tục từ 9 đến 10 tiếng/ngày, trong khi thu nhập chưa tương xứng.
Khảo sát của Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho thấy, 60-70% giáo viên mầm non có mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều người chỉ có mức hơn 3 triệu đồng/ người/tháng.
Đến nay, hầu hết các cơ sở mầm non đã mở cửa trở lại, song số trẻ đến trường chưa ổn định, nhiều cơ sở còn nợ tiền nhà, học phí lại không thể tăng, nên đời sống của giáo viên chưa thể cải thiện.
Giáo viên mầm non gặp rất nhiều áp lực so với các cấp học khác |
Đảm bảo quyền lợi của giáo viên mầm non
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng nghị định quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý để các địa phương có căn cứ đảm bảo các quyền lợi, công bằng cho nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới.
Trong dự thảo tờ trình, trước đây đã có những quy định về phụ cấp đối với giáo viên tuy nhiên hiện hành không còn phù hợp. Luật giáo dục 2019 quy định, chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non là cao đẳng, giáo viên mầm non hạng III hưởng theo bảng lương chuyên môn nghiệp vụ công chức loại A0 có hệ số lương từ 2,10 đến 4,89. Với mức phụ cấp 35%, thu nhập giáo viên mầm non thấp hơn nhiều so với giáo viên các cấp học khác có cùng thời gian công tác.
Do đó, Bộ GD&ĐT đề xuất phương án quy định mức phụ cấp đối với giáo viên mầm non. Cụ thể: nâng mức phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên mầm non đang hưởng mức 35% và mức 50% lên 70%; giáo viên mầm non công tác tại vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hưởng mức 100%.
Theo thống kê, với mức đề xuất này sẽ có hơn 200 nghìn giáo viên thuộc đối tượng điều chỉnh. Dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp tăng thêm khoảng 336 tỷ đồng/ tháng (4.032 tỷ đồng/năm).
Chế độ ưu đãi đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: các nhà giáo kể cả những người trong thời gian thử việc, hợp đồng thuộc biên chế trả lương, đang dạy trong các cơ sở giáo dục công lập; nhà giáo làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội; hướng dẫn tại các phòng thí nghiệm; cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương, trực tiếp dạy học đủ số giờ theo quy định.
Phụ cấp được trả cùng kỳ lương hàng tháng kể cả thời gian nghỉ hè và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Cơ sở giáo dục ngoài công lập được vận dụng thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị.
Mục đích của việc ban hành Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo là nhằm tạo hành lang pháp lý để các địa phương có căn cứ thực hiện, đảm bảo quyền lợi nhà giáo trong thời gian chưa thực hiện chính sách tiền lương mới.
Đồng tình với chủ trương của Bộ GD&ĐT, chị Nguyễn Thanh Loan ở quận Hà Đông bày tỏ: Đây là việc làm kịp thời cần thiết. Giáo viên mầm non quá vất vả, tăng phụ cấp là quá hợp lý xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non là hợp lý vì giáo viên cấp học này gặp rất nhiều áp lực so với các cấp học khác.
Còn cô Vũ Thị Hồng Hạnh, giáo viên mầm non Trường Mầm non Hoa Mặt Trời, (quận Hoàng Mai) phấn khởi nói: Nghe thông tin giáo viên, nhất là giáo viên mầm non được tăng phụ cấp ưu đãi, tôi mừng lắm. Thu nhập được cải thiện, chúng tôi sẽ an tâm công tác, nỗ lực hơn nữa hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bộ GD&ĐT đang dự thảo Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Tại dự thảo này, Bộ GD&ĐT đề xuất nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non từ 35% lên 70%. Riêng giáo viên mầm non đang công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng mức phụ cấp ưu đãi 100%.