An tâm tâm huyết với nghề
Nhiều cán bộ, giáo viên mầm non mong mỏi chính sách này được phê duyệt và triển khai trong thực tế.
Cô Hồ Thủy Và, Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) cho biết:Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm về chế độ chính sách, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục.
Giáo viên mầm non được chuyển đổi từ hợp đồng lao động ngắn hạn sang hợp đồng lao động dài hạn được hưởng chế độ chính sách ổn định từ ngân sách nhà nước chi trả. Bởi vậy, mức lương và phụ cấp của giáo viên mầm non không cao nhưng ổn định.
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế ngày càng phát triển, giá cả thị trường ngày càng cao thì thu nhập của giáo viên mầm non, từ lương và phụ cấp còn thấp, chưa xứng đáng với sự vất vả, áp lực của công việc.
Giáo viên mầm non thường phải làm hơn 10 tiếng/ngày, nhưng không có chính sách trả tiền thừa giờ. Như trường mầm non huyện A Lưới nói chung, giáo viên Trường mầm non Hồng Vân nói riêng, 100% đều dựa vào ngân sách nhà nước cấp để chi trả lương, phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, không có nguồn thu từ xã hội hoá.
Bộ GD&ĐT dự thảo Nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo, trong đó có tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non. Cụ thể, dự thảo quy định:
Mức phụ cấp 70% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xã đảo, xã biên giới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo cô Hồ Thủy Và, nếu quy định mới này được thông qua và triển khai sẽ giúp giáo viên mầm non có mức thu nhập cao hơn. Thầy cô giảm bớt áp lực kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống sẽ an tâm mang hết tâm huyết để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ.
Trẻ Trường mầm non Hồng Vân (huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) trong giờ ra chơi. |
Mong chính sách đãi ngộ về nhà ở
Tuy nhiên, cũng theo cô Hồ Thủy Và, hiện nay một khó khăn kéo dài trong nhiều năm qua là vấn đề nhà ở cho giáo viên mầm non, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai, bão lụt.
“Nhà ở giáo viên mầm non là vấn đề nan giải tại huyện A Lưới nói chung, Trường mầm non Hồng Vân nói riêng. Thầy cô đi làm nhưng vẫn lo toan trăm bề vì nhiều người chưa có nhà ở kiên cố tránh bão lũ, thiên tai hằng năm.
Để xây được nhà ở kiên cố cần vay, mượn ngân hàng lãi suất cao, bảo đảm nguồn trả từ lương hàng tháng để ngân hàng trừ dần mới có thể vay được và phải mất 10 năm hoặc hơn để trả nợ. Do vậy, nhiều thầy cô không đủ nguồn thu nhập từ lương để trang trải cuộc sống hàng ngày bắt buộc phải làm thêm hoặc tìm việc khác có thu nhập cao hơn.
Chính vì lẽ đó, rất mong Chính phủ, Bộ GD&ĐT có chính sách đãi ngộ về nhà ở, hoặc chính sách đãi ngộ vay vốn lãi suất thấp dài hạn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên vay làm nhà ở, giúp đội ngũ ổn định cuộc sống và yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.” - cô Hồ Thủy Và bày tỏ mong mỏi.
Là người trong cuộc, cô Lê Thị Loan, giáo viên Trường mầm non Thụy Tân (Thái Thụy, Thái Bình) cũng tâm tư khi thu nhập của giáo viên mầm non từ lương và phụ cấp rất thấp. Thu nhập này chưa xứng đáng với sự vất vả, áp lực của giáo viên mầm non hiện nay.
“Mức phụ cấp Bộ GD&ĐT đưa ra tăng so với mức mình hiện hưởng là gấp đôi. Nếu chính sách này được phê duyệt sẽ tác động rất lớn đến đời sống của giáo viên mầm non nói chung và bản thân tôi nói riêng. Đó là động lực giúp cho giáo viên phấn khởi và yên tâm công tác, yêu nghề và gắn bó với nghề hơn. Vì giáo viên mầm non vất vả, áp lực nhất trong tất cả các bậc học của ngành giáo dục.” - cô Lê Thị Loan chia sẻ.
Ngoài vấn đề về phụ cấp ưu đãi, từ thực tiễn công việc, cô Loan còn bày tỏ mong muốn cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa về chế độ nghỉ hưu cho giáo viên mầm non.
“Nếu giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi như quy định cùng với các ngành khác thì sợ các cô không còn “sức hấp dẫn” đối với các bé; nhất là các cô giáo mầm non ở vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, vùng khó khăn. Giọng hát các cô không còn bay bổng trong trẻo, làm đồ dùng đồ chơi cho các con không được tinh nhanh. Việc cập nhật công nghệ thông tin ở giáo viên lớn tuổi không còn linh hoạt nữa…” - cô Lê Thị Loan cho hay.