Tăng cường vai trò giám sát bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường

GD&TĐ - Không chỉ có vai trò phối hợp, phụ huynh học sinh hay lãnh đạo ngành Giáo dục các địa phương cần tăng cường giám sát chất lượng bữa ăn học đường.

Trẻ hào hứng với bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: TG
Trẻ hào hứng với bữa ăn bán trú tại Trường Mầm non Khánh Thượng B (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: TG

Qua đó nhằm hạn chế tối đa tình trạng bớt xén, không bảo đảm chất lượng.

Phụ huynh cùng giám sát

Thời gian vừa qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin một cơ sở mầm non tư thục tại phường Phương Mai, quận Đống Đa (Hà Nội) phải dừng hoạt động do nhiều sai phạm, trong đó có việc đưa mì tôm vào thực đơn của trẻ 1 tuổi.

Có con đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi và nhà trẻ 3 tuổi ở quận Hà Đông (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Bình bày tỏ bức xúc khi trường mầm non lại chế biến mì tôm cho trẻ mới 12 tháng tuổi ăn. Đây là loại thực phẩm được khuyến cáo hạn chế sử dụng với trẻ nhỏ khi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.

“Làm kinh doanh tự do nên hằng tuần, tôi cố gắng tranh thủ đầu giờ sáng những hôm ít việc đến trường để cùng các bố, mẹ khác chứng kiến khâu nhập nguyên liệu đầu vào ở bếp ăn nhà trường. Những loại thực phẩm phải bảo đảm còn tươi sống mới được cho vào bếp, không bao giờ nhập đồ đông lạnh cho trẻ ăn. Có thế, chúng tôi mới yên tâm gửi con”, chị Bình nói.

Cô Nguyễn Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhấn mạnh, nhiều năm nay, công tác an toàn bán trú luôn được nhà trường đặc biệt chú trọng và thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn từ phòng GD&ĐT quận cũng như ngành Giáo dục Thủ đô.

Mỗi sáng thực hiện quy trình giao nhận thực phẩm đều đủ các thành phần như: Đại diện ban giám hiệu, nhân viên kế toán, nhân viên y tế, nhân viên nấu ăn (cô nấu chính) phụ huynh học sinh và giáo viên cùng giám sát chất lượng, cân nặng, quét mã vạch, độ tươi ngon thực phẩm; kiểm tra chứng từ hóa đơn nhập trong ngày, tem mác trên sản phẩm…

Bất kỳ phụ huynh nào cũng có thể tham gia giám sát, giao nhận thực phẩm hằng ngày. Các loại thịt, cá, tôm phải đáp ứng yêu cầu độ tươi ngon mới cho vào bếp. Khu giao nhận thực phẩm có camera nối với màn hình công khai tại sảnh để phụ huynh có thể quan sát trong thời gian đưa trẻ đến trường; đồng thời gửi trực tiếp lên trung tâm điều hành thông minh của phòng GD&ĐT quận để cấp trên giám sát hoạt động giao nhận thực phẩm của các nhà trường.

“Nhà trường xây dựng thực đơn theo tuần trên cơ sở bảo đảm đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ theo lứa tuổi. Nếu có nhu cầu, phụ huynh báo nhà trường để tham gia giám sát cả khâu sơ chế, chế biến, chia thực phẩm và lưu nghiệm thức ăn để đánh giá khách quan. Vì thế, chất lượng bữa ăn bán trú của trẻ luôn bảo đảm, tạo được lòng tin trong phụ huynh”, cô Thu Huyền chia sẻ thêm.

Năm học trước có một số phụ huynh đăng ký với Ban giám hiệu Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) đến giám sát, mua suất ăn và ăn cùng trẻ tại lớp. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu An, bố mẹ có thể theo dõi các khâu, từ tiếp nhận thực phẩm cho đến chia suất ăn tới lớp. Đa số phụ huynh đồng tình với phương thức giám sát bữa ăn học đường và yên tâm khi gửi trẻ.

bao dam chat luong bua an hoc duong (2).jpg
Trẻ tại Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nôi) trong giờ ăn trưa. Ảnh: TG

Phát huy vai trò nhà quản lý

Là trường vùng cao của huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) với 11 điểm trường, cô Lê Thị Toan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai cho biết, năm học này, nhà trường dự kiến có khoảng 500 trẻ theo học. Hiện tại, 2 cơ sở Hang Căn và Bó Sinh điều kiện đi lại nhiều khó khăn nên chưa thể tổ chức bán trú.

“Trong số 9 điểm trường tổ chức bán trú thì 3 điểm nhà trường tự nấu, 6 điểm do phụ huynh mang cơm cho con. Các cô có thể nấu thêm canh để trẻ chan cho dễ ăn. Nhà trường xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng với mức giá khoảng 15.000 đồng/trẻ/ngày. Phòng GD&ĐT huyện luôn chỉ đạo sát sao các nhà trường về bảo đảm an toàn bán trú”, cô Toan thông tin.

Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) trao đổi, bữa ăn học đường không chỉ cung cấp năng lượng cho các hoạt động học tập mà còn góp phần hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tăng cường sức đề kháng, giảm thiểu bệnh tật.

Hằng năm, phòng GD&ĐT huyện đều có văn bản hướng dẫn công tác an toàn bán trú tới các trường, nhất là cấp mầm non và tiểu học. Ngay từ khâu lựa chọn nhà cung ứng thực phẩm phải bảo đảm đầy đủ hồ sơ pháp lý, năng lực; nguồn gốc và chất lượng nguồn thực phẩm được kiểm soát chặt chẽ trước khi vào bếp ăn. Tất cả vì mục tiêu trẻ được thụ hưởng nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Cũng theo ông Oanh, mỗi năm học, đơn vị này đều tổ chức tập huấn cho cán bộ giáo viên, nhân viên nuôi dưỡng về vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế địa phương trong khâu giám sát bữa ăn học đường; tiến hành kiểm tra đột xuất tại bất kỳ cơ sở giáo dục nào tổ chức bán trú để nắm bắt thực tế và đưa ra khuyến cáo phù hợp.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa (Hà Nội) chia sẻ, địa phương luôn chú trọng khâu giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong các nhà trường. Đặc biệt, ngành Giáo dục Ứng Hòa còn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế địa phương để kiểm tra, giám sát tại bếp ăn các nhà trường trên địa bàn.

Các nhà trường phải bảo đảm an toàn khâu lựa chọn, chế biến; ký hợp đồng với nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, người tham gia chế biến tại bếp ăn bán trú phù hợp quy định và có cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm. Bếp ăn được thực hiện theo quy trình một chiều, có kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn theo quy định.

Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS Lê Bạch Mai - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho hay, mỗi độ tuổi, học sinh có nhu cầu dinh dưỡng tương ứng. Vì vậy, trong quá trình nhà trường tổ chức bữa ăn học đường cần cung cấp chế độ dinh dưỡng đủ về số lượng, cân đối về chất lượng và đa dạng. Đồng thời, tăng cường khâu phối hợp giám sát giữa các bên để bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ