Bữa ăn học đường: Chú trọng cả chất và lượng

GD&TĐ - Bữa ăn học đường không đơn thuần để học sinh đủ no, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà các trường cố gắng tiến tới ăn ngon miệng.

Cô nuôi Trường Mầm non Tân Mai chia cơm cho trẻ. Ảnh: NTCC
Cô nuôi Trường Mầm non Tân Mai chia cơm cho trẻ. Ảnh: NTCC

Do đó, quá trình lên thực đơn, nhà trường sẽ khảo sát phụ huynh, học trò về sở thích để đáp ứng đúng nhu cầu.

Cải thiện bữa ăn

Nhiều trường tận dụng khuôn viên rộng để trồng rau, sử dụng cơm canh thừa nuôi lợn, gà nhằm cải thiện bữa ăn cho học trò. Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình (huyện Văn Quan, Lạng Sơn) cũng nằm trong số này. Theo đó, công tác chăm sóc bán trú được nhà trường đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo công tác chăm sóc nói chung, chất lượng bữa ăn bán trú nói riêng, nhà trường họp bàn, thống nhất với phụ huynh về chế độ dinh dưỡng.

Cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Nhung cho biết: “Nhà trường tuyển chọn cô nuôi là người có kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm; kiểm soát chặt chẽ nhằm đảm bảo thực phẩm tươi, ngon, vệ sinh an toàn. Trong thực đơn chế biến, chú trọng đa dạng món ăn theo mùa, phù hợp khẩu vị học sinh tiểu học và THCS”. Ngoài ra, nhà trường tận dụng cơm, rau thừa để nuôi gà nhằm cải thiện bữa ăn cho học trò. Trước đó, khi quỹ đất rộng, chưa xây dựng các dãy phòng học, bộ môn…, trường tận dụng trồng rau để chủ động nguồn rau xanh an toàn.

Gắn bó gần 20 năm với công việc nấu ăn cho học sinh nội trú tại Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn), chị Vũ Thị Minh Huệ đặc biệt chú trọng đến đánh giá, cảm nhận của học sinh sau khi dùng bữa. Đối với thực đơn mới, trước khi thay đổi, chị và đồng nghiệp căn cứ vào sở thích, nhu cầu của học trò. Tuy nhiên, các món ăn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, thực phẩm tươi ngon, an toàn.

Chị Huệ chia sẻ: “Hằng ngày, khi học trò ăn chúng tôi sẽ quan sát xem có ăn hết thức ăn không? Thường xuyên hỏi các em ăn có ngon miệng, đủ no chưa? Đối với mỗi cô nuôi, nhìn trẻ ăn hết khẩu phần mới có thể vui và an tâm bước đầu…”.

Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn đóng ở trung tâm thành phố, diện tích hạn hẹp không thể tăng gia sản xuất để cải thiện bữa ăn nên nhà trường đã vận động nguồn xã hội hoá từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tổ chức xã hội để hỗ trợ học sinh. Đặc biệt các em lớp 12, vào những tháng cuối ôn thi tốt nghiệp được bổ sung thêm bữa ăn khuya, sữa.

Em Bùi Phương Thảo - học sinh lớp 11C1, Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Bữa ăn ở trường luôn có cá thịt, rau xanh, nóng sốt… Các thầy cô luôn động viên, hỏi han lấy ý kiến nhận xét bữa ăn để chế biến phù hợp hơn. Hằng năm, nhà trường còn vận động các tổ chức để quyên góp cải thiện thêm bữa ăn, điều đó giúp chúng em không chỉ được ăn no mà còn ngon”.

Bữa ăn khuya của học sinh lớp 12 Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngô Chuyên

Bữa ăn khuya của học sinh lớp 12 Trường THPT DTNT tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Ngô Chuyên

Tạo niềm tin, sự hài lòng

Bữa ăn, giấc ngủ tại trường là sự quan tâm lớn của phụ huynh khi có con tham gia bán trú. Do đó, nhiều năm qua Trường Mầm non Tân Mai (quận Long Biên, Hà Nội) chú trọng các nhóm chất trong bữa ăn bán trú. Nhà trường sử dụng phần mềm tính toán dinh dưỡng để thực đơn đảm bảo chính xác, khoa học nhất. Theo cô Nguyễn Bích Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường, thực phẩm được đưa vào phần mềm để cân đối, các cô nuôi sẽ căn cứ vào đó chuẩn bị bữa ăn cho trẻ. Nếu thực phẩm đưa vào bữa ăn không đạt, phần mềm sẽ báo để nhà trường điều chỉnh.

Bên cạnh đó, thực đơn bữa ăn bán trú được Trường Mầm non Tân Mai thay đổi theo mùa, tuyệt đối không sử dụng rau trái mùa, nội tạng động vật hay đồ ăn sẵn chế biến bữa ăn. Khi chuyển sang thực đơn mới, nhà trường có hai tuần để thử nghiệm xem học trò tiếp nhận ra sao, có thích không?

“Ví dụ làm món cá basa sốt bơ tỏi chanh leo, vị bơ hơi nhiều một chút, các cô giáo trong quá trình cho trẻ ăn sẽ theo dõi và góp ý để nhà bếp có phương án cân bằng, điều chỉnh. Trong thời gian áp dụng món mới, giáo viên, cô nuôi, ban giám hiệu sẽ quan sát, nếu trẻ hào hứng ăn thì đưa vào thực đơn và ngược lại”, cô Bích Ngọc dẫn chứng.

Với các giải pháp để nâng cao chất và lượng bữa ăn bán trú nhà trường áp dụng, cô Bích Ngọc cho biết trẻ khá hứng thú với suất ăn bán trú. Các em ăn ngon miệng, hết suất. Điều đó góp phần đảm bảo sức khỏe, chiều cao, cân nặng cho trẻ. Phụ huynh cũng yên tâm, hài lòng và phản hồi tốt về suất ăn bán trú.

Có con học tại Trường Mầm non Tân Mai, chị Nguyễn Thị Mai Thuý (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Hằng ngày, sau khi con đi học về tôi đều hỏi trưa ăn món gì, có ngon miệng không? Nếu không hài lòng hay có món nào con cảm thấy khó ăn sẽ nói lại; từ đó tôi sẽ tham khảo thêm các phụ huynh khác, nếu cùng chung phản hồi sẽ góp ý với cô chủ nhiệm. Tuy nhiên, với chất và lượng suất ăn bán trú hiện nay của con ở trường, gia đình tôi khá yên tâm, hài lòng”.

Tương tự, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Hòa Bình cũng thực hiện công khai món ăn, định lượng… cho phụ huynh. Cô Hiệu trưởng Đỗ Thị Nhung cho rằng, việc góp ý, phản hồi về thực đơn suất ăn bán trú từ phụ huynh, học sinh là kênh để nhà trường tham khảo, có điều chỉnh phù hợp. “Chúng tôi coi những góp ý là động lực để phục vụ tốt hơn. Học sinh tuy sống xa gia đình những vẫn đảm bảo sức khỏe, chế độ dinh dưỡng để phát triển toàn diện”, cô Nhung bộc bạch.

“Quá trình lên thực đơn, chúng tôi mời phụ huynh cùng xây dựng, góp ý. Càng nhiều phụ huynh tham gia sẽ đưa ra nhiều gợi ý món ăn, thực đơn đa dạng, phù hợp sở thích của trẻ. Thực đơn bữa ăn bán trú hằng tuần được nhà trường công khai trên website, nhóm phụ huynh, dán ở cửa lớp. Phụ huynh cũng thuận tiện hơn trong việc nắm bắt, góp ý”. - Cô Nguyễn Bích Ngọc (Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Mai, quận Long Biên, Hà Nội)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ

địa chỉ Gà bó xôi hcm