Bởi lẽ việc lựa chọn sẽ gắn bó với các em trong suốt 3 năm học bậc THPT.
Hỗ trợ học sinh
Từ ngày 5/7, học sinh trúng tuyển lớp 10 tại Hà Nội sẽ chính thức làm thủ tục xác nhận nhập học tại trường nơi mình trúng tuyển. Cùng với đó, các em sẽ đứng trước lựa chọn tổ hợp môn học của mình trong suốt 3 năm học. Lựa chọn môn học thế nào để phù hợp với năng lực bản thân luôn là vấn đề khó.
Ông Nguyễn Minh Phi - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - cho biết: Ngày 5/7, nhà trường sẽ đón các em học sinh đã trúng tuyển vào lớp 10 nhập học. Cũng trong ngày đó, nhà trường sẽ tổ chức buổi tư vấn nhập học cho học sinh và cha mẹ học sinh. Ngoài việc giới thiệu về nhà trường, giới thiệu về kế hoạch giáo dục của nhà trường năm học 2023 - 2024, các thầy, cô giáo sẽ tổ chức tư vấn định hướng nghề nghiệp, định hướng học tập và tư vấn lựa chọn tổ hợp các môn học.
Ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) - cho biết trong ngày 5/7, nhà trường sẽ tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh với tên gọi “Chào 2K8”. Sau phần văn nghệ, nhà trường sẽ công bố chương trình giáo dục lớp 10 và hướng dẫn lựa chọn các môn học lựa chọn theo định hướng phát triển nghề nghiệp.
Tiếp theo, Ban giám hiệu và các giáo viên sẽ giao lưu, trả lời câu hỏi của học sinh, cha mẹ học sinh. Cùng với đó, nhà trường tổ chức các gian hàng của các câu lạc bộ sở thích trong trường, tuyển chọn các thành viên mới cho câu lạc bộ, tư vấn về mục đích học ngoại ngữ 2. Việc tổ chức chương trình ý nghĩa này sẽ giúp học sinh hiểu hơn về năng lực sở trường của mình để lựa chọn môn học phù hợp.
Bà Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (quận Hoàn Kiếm), chia sẻ, ngoài việc bố trí nhiều vòng tư vấn trực tiếp với học sinh và phụ huynh học sinh, nhà trường sẽ tăng cường tư vấn trực tuyến và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên bảng tin, trên cổng thông tin điện tử. Năm học này, nhà trường sẽ dành khoảng 15 ngày để học sinh và gia đình cân nhắc, quyết định trước khi xếp lớp.
Cô Lê Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) - cho biết, kinh nghiệm ở năm đầu tiên triển khai cho thấy cần tập trung nhiều hơn vào việc tư vấn học sinh, phụ huynh học sinh chọn môn học lựa chọn phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp. Nhà trường sẽ rà soát thật kỹ các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để xây dựng phương án tổ chức các môn học và công khai sớm để học sinh, gia đình học sinh có nhiều thời gian tìm hiểu trước khi quyết định.
Học sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2023. |
Cân nhắc thận trọng
Theo TS Trần Vân Anh - chuyên gia giáo dục đến từ Hệ thống Giáo dục Ban Mai, Hà Nội, để lựa chọn được 4 môn học trong số các môn lựa chọn, cha mẹ học sinh và học sinh cần cân nhắc kỹ. Học sinh và cha mẹ học sinh nên xác định môn học lựa chọn dựa trên 4 yếu tố.
Một là, căn cứ vào mục tiêu nghề nghiệp của học sinh: Học sinh cùng cha mẹ trả lời các câu hỏi muốn làm nhóm ngành nghề nào sau khi tốt nghiệp? Để làm ngành nghề đó, học sinh sẽ học các năng lực của nghề ở đâu? Trường đại học hoặc trường nghề nào sẽ đào tạo ngành nghề đó? Khoa, ngành đào tạo đó tuyển sinh bằng những phương thức nào, học xét các tổ hợp môn học nào? Từ đó, học sinh và cha mẹ lựa chọn các môn học liên quan đến các tổ hợp xét tuyển.
Hai là, căn cứ vào năng lực và sở thích hiện tại của học sinh: Đây là căn cứ được nhiều học sinh dùng để lựa chọn. Ưu điểm của cách làm này là học sinh có cảm giác an toàn và tự tin vì các môn học lựa chọn thường là các môn học sinh học tốt hơn, hoặc yêu thích hơn. Học sinh tập trung vào học tập các môn sở trường, cho đến năm lớp 12, học sinh sẽ nghiên cứu phương thức tuyển sinh của các trường và các ngành có xét tuyển các tổ hợp có môn học mình thế mạnh.
Ba là, tương lai của thị trường lao động: Với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện đại và xu thế toàn cầu hóa, có nhiều nghề sẽ mất đi và những nghề mới ra đời. Việc lựa chọn môn học cũng cần đón lấy xu thế này thay vì bó khung hạn hẹp trong các nghề truyền thống đã biết. Vì vậy, việc chọn môn cần thiết để tạo nền tảng năng lực cho tương lai phải là ưu tiên.
Bốn là, điều kiện tổ chức dạy học các môn lựa chọn của trường học: Điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, tầm nhìn của lãnh đạo... là yếu tố tiên quyết để nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học. Điều kiện lý tưởng nhất là học sinh đăng ký học môn nào sẽ được đáp ứng nhu cầu cho tất cả học sinh. Trường hợp khác là nhà trường thiết lập sẵn các nhóm môn lựa chọn cho học sinh.
TS Trần Vân Anh khẳng định, cách làm nào cũng có ưu điểm và hạn chế của cách làm đó, không có cách tốt nhất, chỉ có cách phù hợp với điều kiện hiện tại. Vì vậy, nếu lấy việc chọn trường phù hợp là một căn cứ, cha mẹ và học sinh nên khảo sát, tìm hiểu về cách thức và các môn học lựa chọn của trường THPT để có thông tin làm căn cứ xác định môn học lựa chọn.
“Thậm chí đến khi đã vào học chính thức, thời gian đầu, ban giám hiệu, giáo viên vẫn tiếp tục theo dõi, tạo sự thoải mái nhất để các em có thể chia sẻ nếu gặp khó khăn, từ đó kịp thời cùng gia đình học sinh có biện pháp tháo gỡ. Với cách thức này, trong năm học vừa qua, nhà trường không có học sinh nào có nguyện vọng đổi môn học lựa chọn”, cô Hiệu trưởng Lê Thị Hồng nói.