Qua kết quả khảo sát và thực tiễn đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, nhà trường chủ động hơn trong việc xây dựng mô hình lớp với các tổ hợp tự chọn.
Trường THPT chủ động
Có con học lớp 9, chị Đặng Bích Ngọc (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) cho biết: Lúc đầu, hai mẹ con có chút lo lắng về môn tự chọn ở lớp 10 sắp tới. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, được giáo viên, nhà trường tư vấn nên chị và con nắm rõ hơn và có hướng lựa chọn môn học cho năm học tới.
“Việc phân hóa môn học ngay từ năm học lớp 10 giúp học sinh có kế hoạch học tập phù hợp, đầu tư nhiều hơn vào môn thế mạnh, năng khiếu, nhìn nhận và đánh giá khả năng, năng lực và sở thích của bản thân. Lần họp phụ huynh vừa qua, giáo viên chủ nhiệm đã trao đổi với phụ huynh về việc chuẩn bị cho môn tự chọn ở lớp 10. Các trường THPT cùng tuyến trên địa bàn kết hợp với trường THCS thông tin về tuyển sinh, đặc biệt là tổ hợp các môn tự chọn để học sinh biết. Nhờ đó mà học sinh, nhà trường có sự chuẩn bị, không bị mù mờ về môn tự chọn cho năm học tới”, chị Ngọc chia sẻ.
Thay vì chỉ gửi phiếu khảo sát đến các trường, ban giám hiệu Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cùng giáo viên trực tiếp đến các trường THCS trên địa bàn tuyển sinh để tư vấn, trao đổi và lắng nghe ý kiến trực tiếp từ học sinh lớp 9 về lựa chọn tổ hợp môn học sắp tới.
Thầy Lâm Đức Thành, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Nếu chỉ gửi phiếu khảo sát về trường thì các em chưa hiểu rõ, mù mờ thông tin, rất khó xác định mong muốn. Do đó, nhà trường chủ động đến gặp gỡ trực tiếp để giúp các em hiểu rõ hơn các tổ hợp môn học mới ở chương trình lớp 10. Đồng thời cũng thông tin công khai một số môn học tổ hợp của trường và định hướng các em lựa chọn tổ hợp, trường học cho phù hợp với bản thân.
Theo thầy Thạch Sa Quên, giáo viên Trường THPT Cầu Ngang A (Trà Vinh), hiện ban giám hiệu cùng giáo viên xây dựng kế hoạch cho học sinh lớp 10. Ngoài các môn học bắt buộc, nhà trường xây dựng định hướng cho học sinh như: Chọn nhóm môn khoa tự nhiên hay nhóm môn khoa học xã hội thì các môn còn lại thuộc 2 nhóm môn học khác. Bên cạnh đó, trường kết hợp với các trường THCS trên địa bàn tư vấn cho giáo viên, học sinh và phụ huynh để có bước chuẩn bị môn tự chọn sắp tới.
“Nếu không định hướng từ đầu, học sinh, phụ huynh dễ bị rối, chọn môn học không phù hợp vừa khó cho nhà trường, ảnh hưởng quá trình học tập của các em”, thầy Thạch Sa Quên nói.
Không để phụ huynh, học sinh “rối”
Sở GD&ĐT Bến Tre, từ đầu tháng 3, đã chỉ đạo các trường THPT báo cáo phương án các tổ hợp môn học tự chọn lớp 10 theo chương trình mới để phục vụ xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2022 - 2023. Qua đó, chuẩn bị nội dung công bố phương án tuyển sinh và năng lực tổ chức dạy học môn học tự chọn của nhà trường cho thí sinh để đăng ký dự thi. Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, xây dựng phương án các tổ hợp môn tổ chức dạy học tự chọn từ 3 nhóm môn học (Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên, Công nghệ và nghệ thuật) sẽ tổ chức dạy học cho khối lớp 10 và báo cáo sở.
Khi xây dựng phương án, nhà trường cần căn cứ vào kế hoạch xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, trường đạt chuẩn quốc gia, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đảm bảo ổn định cho việc tổ chức dạy học cho các năm học tiếp theo; Lưu ý nhà trường cân nhắc xem xét các tổ hợp môn phù hợp đang tổ chức thi tốt nghiệp THPT và khối thi đại học hiện hành nhằm tạo điều kiện cho học sinh chuẩn bị tốt hơn ở cấp THPT.
Các trường THCS, THPT ở tỉnh Tiền Giang đang vào giai đoạn nước rút học kỳ II, vừa tập trung cho việc tuyển sinh lớp 10 sắp tới. Theo đại diện Sở GD&ĐT Tiền Giang, căn cứ theo tình hình thực tế, cơ sở giáo dục xây dựng tổ hợp các môn học lựa chọn vừa đảm bảo yêu cầu về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, vừa phải đáp ứng được nhu cầu lựa chọn đa dạng của học sinh…
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, sở chủ động có hướng dẫn các cơ sở giáo dục căn cứ tình hình thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để xây dựng tổ hợp các môn học. Căn cứ vào tình hình thực tế để có các tổ hợp môn vừa bảo đảm theo quy định của Bộ GD&ĐT, vừa đáp ứng nhu cầu lựa chọn của học sinh.
Học sinh lựa chọn môn học cấp THPT là theo định hướng nghề nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế, Trường THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) xây dựng tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học lựa chọn, mỗi tổ hợp gồm 5 môn. Trường cũng thông báo tổ hợp môn học đã xây dựng và tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung Chương trình, sách giáo khoa mới, bố trí giáo viên giảng dạy để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế.
“Việc không kém phần quan trọng là nhà trường chủ động phối hợp với các trường THCS trên địa bàn tuyển sinh để tiến hành khảo sát nhu cầu, nguyện vọng lựa chọn tổ hợp môn của học sinh lớp 9. Trên cơ sở đó, nhà trường có phương án hướng dẫn học sinh lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp hoặc điều chỉnh lại phương án tổ hợp môn cho phù hợp”, thầy Phạm Đức Quyền, Hiệu trưởng nhà trường thông tin.