Đa dạng hình thức phân luồng, hướng nghiệp
Công tác phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh tỉnh Tiền Giang thời gian qua được quan tâm và đạt kết quả khả quan.
Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, đặc biệt là học sinh sau THCS được tỉnh Tiền Giang tập trung vào 4 hướng: Học sinh vào học tại các trường THPT; Phân luồng vào các trường trung cấp nghề; Phân luồng vào các trung tâm giáo dục thường xuyên kết hợp với học nghề; Tham gia vào thị trường lao động.
Tỉnh Tiền Giang hiện có 1 trung tâm GDNN - GDTX cấp tỉnh, 6 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện, 3 trường trung cấp nghề, 3 trường cao đẳng và 1 trường đại học có đào tạo nghề. Năm học vừa qua, chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19, nhưng các trường đã tuyển đảm bảo chỉ tiêu học sinh trung cấp, cao đẳng theo kế hoạch năm học.
Để công tác phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả, tỉnh Tiền Giang tập trung triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Các hoạt động ngày hội việc làm và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ chính sách cho học sinh khi theo học ở các trường nghề… đã tạo chuyển biến trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề.
Tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu 100% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo trình độ cao đẳng; ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp…
Đồng hành cùng ngành Giáo dục, Đoàn thanh niên tỉnh Tiền Giang góp phần vào công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Theo Tỉnh đoàn Tiền Giang, lực lượng đoàn thanh niên các cấp đã chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên.
Trong đó, học sinh THPT, học sinh lớp 9 cũng được tập trung tư vấn hướng nghiệp thông qua các hoạt động ngày hội tư vấn, sinh hoạt ngoại khóa; lồng ghép với các tiết chào cờ đầu tuần tại các trường học; tư vấn trực tiếp, trực tuyến; sàn giao dịch việc làm… Đã có trên 327 cuộc tư vấn hướng nghiệp-việc làm được tổ chức với trên 200 nghìn lượt đoàn viên, học sinh tham gia.
Đoàn thanh niên các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên; khai thác hiệu quả nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn khởi nghiệp của tỉnh, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội…
Trong 5 năm qua, các đơn vị cơ sở Đoàn trực thuộc Tỉnh đoàn đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho gần 359.538 lượt đoàn viên, thanh niên, học sinh; giới thiệu việc làm cho 45.793 lượt thanh niên, trong đó 19.985 thanh niên có việc làm.
Chương trình hướng nghiệp cần tạo sức hút để phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả. |
Tạo sức hút để phân luồng, hướng nghiệp hiệu quả
Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tiền Giang, chương trình giáo dục, đào tạo nghề thường xuyên được các trường tổ chức rà soát, cập nhật, bổ sung theo sự góp ý của doanh nghiệp, chuẩn đầu ra và kỹ năng nghề quốc gia. Thời gian tới, từng địa phương cần phải đưa nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình.
Cần tiếp tục xây dựng, điều chỉnh nội dung và tài liệu giảng dạy chương trình hướng nghiệp để học sinh có thể tiếp cận, tìm hiểu các ngành nghề và thị trường lao động. Ngành Giáo dục cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin đối với học sinh không trúng tuyển lớp 10 và học sinh THPT có nguy cơ bỏ học để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận, tư vấn, tạo điều kiện cho các em có thể vào học tại các cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
Công tác phân luồng học sinh, theo Sở GD&ĐT Tiền Giang, vẫn còn những khó khăn. Khó nhất là học sinh vẫn tập trung vào học tại các trường THPT công lập, sau đó chọn con đường học tập tiếp tục là đại học, cao đẳng. Một số học sinh không học lên THPT thì có xu hướng bỏ học, đi làm.
Việc chọn nghề, chọn ngành học của một số học sinh và phụ huynh vẫn còn tâm lý trọng bằng cấp, chưa quan tâm đúng mức, thiếu tìm hiểu thấu đáo; chọn nghề theo sự áp đặt của người lớn, hay chọn các nghề “hot”, nghề dễ kiếm tiền… mà chưa cân nhắc có phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện bản thân và gia đình.
Con số thống kê cho thấy, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác phân luồng. Bình quân hằng năm dao động khoảng 13% - 20% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS không vào lớp 10 THPT và Trung tâm GDTX, không vào học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề mà vào thẳng thị trường lao động hay trở về địa phương lao động khi chưa được đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp trong các trường học vẫn bộc lộ không ít hạn chế. Đa phần các trường ở bậc trung học trên địa bàn tỉnh thiếu đội ngũ giáo viên am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động và thực tế ngành, nghề của xã hội.