Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhà nước có quy định trần học phí nhằm bảo đảm quyền học tập cho số đông nhân dân, để nâng cao chất lượng giáo dục đại học (GDĐH), Luật GDĐH quy định “Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo”.
Thực hiện quy định trên, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số chương trình đào tạo (CTĐT) chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo như: CTĐT chất lượng cao theo quy định tại Thông tư số 23/2014/TT-BGDĐT là CTĐT có các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn CTĐT đại trà, đồng thời đáp ứng các tiêu chí và điều kiện về CTĐT chất lượng cao; Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài do nước ngoài cấp bằng hoặc đồng cấp bằng; Chương trình tiên tiến theo Đề án “Đào tạo theo chương trình tiến tại một số trường đại học Việt Nam” (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1505/QĐ-TTg ngày 15/10/2008); Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt nam (PFIEV) hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Pháp, được triển khai tại 4 trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa thuộc ĐHQG TP Hồ Chí Minh và một số chương trình khác.
Các chương trình trên đều phải bảo đảm chất lượng đầu vào theo quy định của chương trình chất lượng cao hoặc theo yêu cầu của chương trình gốc của nước ngoài; phải công khai, minh bạch các thông tin về tuyển sinh và đào tạo; có giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo (chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học...) và chuẩn đầu ra cao hơn chương trình đại trà.
Trong thực tế, các chương trình này đã đào tạo cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn so với các chương trình đào tạo đại trà. Sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này không chỉ có năng lực nghề nghiệp tốt hơn để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn có trình độ ngoại ngữ đủ để làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do hạn chế nguồn tuyển và khả năng thu học phí chưa đủ cao nên còn có chương trình chưa thực hiện tốt mục đích ban đầu đề ra. Thực hiện chức năng của mình, Bộ GD&ĐT đã tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và các chương trình đào tạo chất lượng cao nói riêng. Bộ GD&ĐT đề nghị chính quyền địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo trên địa bàn để góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo. Bộ GD&ĐT sẽ quản lý chặt chẽ hơn, hỗ trợ các cơ chế để nâng cao chất lượng đào tạo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu có.