Hướng nghiệp từ lớp 6
Sở GD&ĐT TPHCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh trong năm học 2022-2023.
Theo đó, đối với các hoạt động ngoài giờ lên lớp nhà trường phải đổi mới nội dung những chủ đề phù hợp với xã hội và tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay như: nghề tương lai trong cách mạng 4.0, giao tiếp trên mạng xã hội, smartphone trong đời sống xã hội, văn hóa giao thông, văn hóa gia đình... Tăng cường thay đổi hình thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp trong nhà trường phù hợp với tình hình chống dịch theo hướng dẫn và chỉ đạo của Bộ Y tế.
Công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh, nhà trường xây dựng kế hoạch hướng nghiệp trong kế hoạch giáo dục tổng thể của trường, tối thiểu là 9 tiết/năm (theo chương trình chính khóa). Ngoài ra tùy điều kiện của đơn vị, nhà trường tăng cường các hoạt động hướng nghiệp thông qua trải nghiệm, tránh tổ chức nhàm chán, không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin về ngành nghề của học sinh.
Đối với bậc THCS, nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế các nhóm ngành nghề tại doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp ít nhất 1 lần/năm học đảm bảo phù hợp với điều kiện nhà trường.
Còn đối với bậc THPT, bên cạnh việc tổ chức đi tham quan thực tế, nhà trường phải xây dựng kế hoạch tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm cho học sinh, tối thiểu 1 lần/năm. Vận động học sinh tham gia các hội thi hướng nghiệp, hướng nghề.
Bên cạnh đó, các trường THPT phải tổ chức diễn đàn, tọa đàm, giao lưu truyền cảm hứng, tinh thần khởi nghiệp cho học sinh tối thiểu 1 lần/năm học. Các trường THCS, THPT xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên, hôn nhân gia đình, bình đẳng giới... cho học sinh, với thời lượng tối thiểu 180 phút/khối/học kỳ.
Một số chương trình và địa điểm phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm gồm: Chương trình trải nghiệm tại Khu nông nghiệp công nghệ cao-huyện Củ Chi; công viên văn hóa Đầm Sen; chương trình trải nghiệm tại công viên phần mềm Quang Trung (STEM); khu sinh thái giáo dục Green Land Farm; trại thực nghiệm Trường đại học Nông lâm TPHCM.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để làm tốt công tác phân luồng, thời gian qua các trường THCS trên địa bàn TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình, hoạt động tư vấn trực tiếp cho học sinh hay gián tiếp thông qua website, tờ rơi, áp dụng phần mềm tư vấn hướng nghiệp…
Đặc biệt, hằng năm, dựa trên kết quả học tập qua kiểm tra học kỳ I của học sinh khối 9, các trường THCS tổ chức họp phụ huynh, lồng ghép tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng tại các cơ sở giáo dục phổ thông.
Trường THCS An Lạc tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh và học sinh trong trường. |
Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền hướng nghiệp mà các em học sinh cũng như các bậc cha mẹ đã xác định rõ con đường học tập phù hợp năng lực của con em mình và phù hợp với điều kiện gia đình.
Thời gian qua phòng GD&ĐT quận Bình Tân đã giới thiệu nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề, doanh nghiệp,...trên địa bàn quận và các quận, huyện lân cận phối hợp các trường THCS thực hiện tham quan và hướng nghiệp cho học sinh.
“Việc các trường THCS trên địa bàn quận tổ chức các buổi tư vấn hướng nghiệp đã giúp học sinh nhìn rõ năng lực học tập của bản thân để có những hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp. Nhiều em lựa chọn vào các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Bởi, hiện tại, các trường này đào tạo đa dạng ngành nghề, quá trình đào tạo gắn liền với thực tiễn, tiệm cận với nhu cầu của thị trường lao động”, ông Tuyên cho hay.
Còn theo chia sẻ của thầy Phùng Minh Vương, Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc, hàng năm nhà trường đã chủ động mời các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trường THPT tư thục,… trên địa bàn quận Bình Tân và các quận, huyện lân cận để phối hợp thực hiện tư vấn hướng nghiệp cho học sinh như: Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM, Trường THPT Ngô Thời Nhiệm, Trường THPT Phú Lâm,…
Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp do nhà trường tổ chức đã giúp học sinh và phụ huynh biết được những ưu điểm của từng trường, từ đó, nhìn nhận khả năng của bản thân để đăng ký phù hợp với năng lực của mình.
“Ban giám hiệu cũng như thầy cô giáo trong trường luôn mong những học sinh có năng lực học tập phù hợp sẽ đạt được nguyện vọng là tiếp tục theo học ở một trường THPT công lập. Nhưng cũng có trường hợp, các em say mê với một số nghề như công nghệ thông tin, cơ khí, sửa chữa điện,... song rất vất vả khi học các môn văn hóa ở trường. Những trường hợp này giáo viên gợi mở với phụ huynh tìm hiểu, đăng ký cho học sinh theo học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS”, thầy Vương chia sẻ.
“Sự tư vấn của thầy cô giáo đến từ phòng tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp nghề, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên và giáo viên chủ nhiệm trong trường đã giúp phụ huynh và học sinh cân nhắc, lựa chọn hướng đi phù hợp sau tốt nghiệp THCS”- Thầy Phùng Minh Vương.
Bình luận