Tăng cường hoạt động trải nghiệm
Tăng cường liên kết, phối hợp giữa nhà trường với các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề là cách mà nhiều trường THPT trên địa bàn TPHCM đang thực hiện.
Cô Nguyễn Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức) cho biết, hằng năm trường đều triển khai kế hoạch giáo dục hướng nghiệp cho học sinh toàn trường theo nhiều chủ đề khác nhau.
Hoạt động hướng nghiệp luôn được lồng ghép với hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, trải nghiệm sáng tạo, tiết kiệm thời gian tạo sự đồng bộ và đạt mục tiêu giáo dục cao nhất. Năm học mới này các em khối 10 học theo chương trình GDPT mới nên nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác hướng nghiệp ngay từ khi nhập học.
Trường THPT Phước Long lồng ghép hoạt động giáo dục hướng nghiệp với hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. |
Được biết, thời gian qua Trường THPT Phước Long chú trọng việc liên kết với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức hoạt động ngoại khóa như: “Ngày Hội tư vấn định hướng nghề nghiệp”, “Một ngày làm sinh viên”, đồng thời cho học sinh trải nghiệm thực tế tại cộng đồng, doanh nghiệp.
Việc làm này nhằm tạo sự kết nối trong công tác đào tạo, hướng nghiệp giữa nhà trường với các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Học sinh được thầy cô phòng tuyển sinh của các trường chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về ngành học, cơ hội nghề nghiệp, phương án tuyển sinh…giúp các em có những định hướng ban đầu về ngành học để có lựa chọn phù hợp.
Cô Hà cho biết: “Các “Ngày hội tư vấn định hướng nghề nghiệp”, đã giúp học sinh và cha mẹ hiểu rõ về công tác tuyển sinh, hiểu rõ nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội hiện nay, từ đó có định hướng một cách cụ thể, rõ ràng về nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THPT.
Đặc biệt trường cũng chú trọng tới công tác hướng nghiệp phân luồng cho học sinh THCS thuộc địa bàn, nhờ đó mà phụ huynh, học sinh THCS nắm rõ thông tin để có những sự lựa chọn phù hợp”.
Cũng theo chia sẻ của cô Hà, trong quá trình học tập, nhà trường cũng dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức sinh hoạt các chuyên đề ngoại khóa về công tác hướng nghiệp. Đặc biệt đối với khối 12, đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy tích cực tư vấn cho học sinh trong việc chọn môn thi tự chọn nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực thực của học sinh. Đồng thời mỗi giáo viên còn là một kênh thông tin cung cấp những ngành nghề, công việc phù hợp với năng lực học của mỗi học sinh.
Hướng nghiệp nhẹ nhàng, hiệu quả
Những ngày cuối tháng 8/2022, Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (quận 3) đã triển khai sinh hoạt chuyên đề “Định vị bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai” cho học sinh khối 12 của trường. Buổi chia sẻ tư vấn hướng nghiệp nghề thu hút được hàng trăm học sinh tham gia.
Tại buổi tư vấn, nhà trường đã tổng hợp thông tin để học sinh biết được thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm, giải thích các nguyên nhân cụ thể. Đồng thời chia sẻ cho học sinh những kỹ năng thiết yếu trong một số ngành cụ thể và những kỹ năng cơ bản nào phù hợp với ngành mình sẽ chọn, có thể đáp ứng được sự thay đổi công việc.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Phước Long trải nghiệm hướng nghiệp “Một ngày làm sinh viên" tại Trường đại học FPT. |
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Hiệu trưởng, tại buổi sinh hoạt nhà trường đã cũng cung cấp cho học sinh những kỹ năng đánh giá năng lực bản thân, căn cứ vào thực tế điều kiện kinh tế của gia đình, xu hướng nghề nghiệp trong tương lai để chọn ngành nghề trước khi quyết định chọn trường đại học sau này.
Ngoài ra, các em cũng được nghe thầy cô phân tích về việc lựa chọn tổ hợp môn học, cách lựa chọn về thời gian tham gia các kỳ thi,... Tại buổi tư vấn nhiều thắc mắc của học sinh đã được tư vấn, giải đáp.
“Những năm qua, công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh được nhà trường thực hiện ngay từ khối lớp 10 để các em sớm có định hướng và đầu tư những môn học theo các ngành đã chọn. Cùng với đó, nhà trường hướng dẫn các giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các hoạt động hướng nghiệp cho học sinh vào các tiết sinh hoạt lớp. Đầu mỗi năm học, nhà trường thực hiện khảo sát đối với học sinh các khối lớp và trên cơ sở kết quả học tập của học sinh, sẽ tư vấn để các em hiểu rõ và lựa chọn những ngành, nghề phù hợp”, cô Minh chia sẻ.
Trường THPT Nguyễn Thị Diệu tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Định vị bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai” cho học sinh khối 12. |
Cũng theo chia sẻ của cô Minh, hàng năm nhà trường tổ chức rà soát chất lượng thực của học sinh lớp 12 để phân loại theo trình độ nhận thức, bàn giao chất lượng cho giáo viên phụ trách. Các tổ, nhóm bộ môn và giáo viên trực tiếp ôn tập xây dựng chương trình và nội dung dạy học cho phù hợp với từng đối tượng, trong đó lưu ý thời khóa biểu phải bảo đảm hợp lý, không gây quá tải, giúp các em làm quen với quy chế thi, rèn kỹ năng vận dụng kiến thức, kỹ năng trình bày, kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm, tạo động lực giúp học sinh phấn đấu đạt kết quả cao trong học tập.
Bên cạnh đó Trường THPT Nguyễn Thị Diệu còn tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp. Đồng thời, nhà trường còn huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
“Với những học sinh có học lực trung bình, yếu nhà trường tích cực củng cố kiến thức và trao đổi thẳng thắn để phụ huynh nắm được sức học của con em mình, nên có hướng lựa chọn các trường nghề cho phù hợp với lực học và cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đây được coi là giải pháp căn bản giúp mỗi gia đình, học sinh tự nhận biết khả năng, chọn đúng “nghề”, hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động xã hội, nhằm khắc phục tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”, cô Minh nói.