Tăng cường hơn nữa tự chủ cho tới từng cán bộ, giảng viên

Tăng cường hơn nữa tự chủ cho tới từng cán bộ, giảng viên
(GD&TĐ) - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý nhấn mạnh khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội vào sáng nay (3/4). 
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 296 tại Trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 296 tại Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó hiệu trưởng Vũ Văn Liết cho biết: Ngay sau khi Chỉ thị 296/CT-TTg, Nghị quyết 05/NQ-BCSĐ của Ban Cán sự Đảng và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT được ban hành, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã nghiêm túc triển khai nội dung các văn bản nêu trên bằng hàng loạt các hoạt động nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.
Ngay khi triển khai, các nội dung của Chỉ thị 296, Chương trình hành động của Bộ và của nhà trường được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học như: Tập trung xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên mọi mặt hoạt động, triển khai các giải pháp đổi mới: tổ chức cán bộ, đào tạo, nghiên cứ khoa học, tài chính, cơ sở vật chất, công tác sinh viên, an ninh trật tự... 
Riêng với năm học 2012 - 2013, trường tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo: tiếp tục rà soát chương trình đào tạo; đổi mới công tác tổ chức giảng dạy; bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên; xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra cho phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng đào tạo kỹ sư, cử nhân... Chiến lược phát triển nhà trường thường xuyên được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. 
Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm tốt công tác xây dựng cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp; quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên… Có được những kết quả trên là do có sự chỉ đạo thống nhất và đồng bộ của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của xã hội cũng như nhận thức của cán bộ, giáo viên, công nhân viên về sự cần thiết phải đổi mới...  
Ông Vũ Văn Liết cũng chỉ ra một số khó khăn trong việc thực hiện Chỉ thị 296. Trước hết là việc đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên với đảm bảo cân đối ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng còn nhiều mâu thuẫn. Các đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến chất lượng thực sự của kỹ sư, cử nhân mà mới chỉ quan tâm đến bằng cấp dẫn tới việc nâng cao chất lượng đào tạo có khó khăn.
Nguồn lực cho việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Chế độ chính sách đối với nhà giáo còn bất cập, đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học dù đã được triển khai nhưng còn có những vướng mắc. Tính chủ động, sáng tạo, nghiên cứu khoa học của sinh viên còn rất hạn chế...
Ông Vũ Văn Liết kiến nghị: Nhà nước và Bộ GD&ĐT cần tiếp tục nghiên cứu để có chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với nhà giáo; có cơ chế để cơ quan, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, gắn đào tạo với thực tiễn xã hội; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy học, tiếp tục việc phân cấp cho các trường; thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn nữa đối với các trường đi đôi với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong đào tạo như hiện nay...
Tại buổi làm việc, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cũng giải đáp nhiều vấn đề theo yêu cầu của đoàn kiểm tra như: Công tác học sinh sinh viên, xây dựng chuẩn đầu ra, nghiên cứu khoa học, giáo trình, công tác xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, kiểm định chất lượng giáo dục; công tác đảm bảo chất lượng; tuyển sinh, đào tạo theo học chế tín chỉ...
Đánh giá cao những kết quả của Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội sau hơn 3 năm triển khai Chỉ thị 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và chia sẻ một số khó khăn với nhà trường, Thứ trưởng Trần Quang Quý chỉ đạo: Thời gian tới, những hoạt động của nhà trường cần bám sát Luật Giáo dục đại học, Chiến lược phát triển giáo dục 2012 - 2020 và kết luận về phát triển giáo dục của Hội nghị Trung ương 6.
Về quản lý nhà trường, làm sao để bộ máy hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả; tiếp tục rà soát lại chiến lược phát triển nhà trường; gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp để các sinh viên khi ra trường tìm được việc làm; tập trung nâng cao chất lượng; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. 
Thứ trưởng Trần Quang Quý đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sự khởi sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chính sách đào tạo cũng như thu hút đội ngũ mà Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng yêu cầu Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường hơn nữa tự chủ cho các đơn vị cũng như từng giảng viên, cán bộ, nhân viên để đội ngũ này có thể phát huy hết năng lực, nhằm tiếp tục phát triển để góp phần xã hội hóa giáo dục và đào tạo phục vụ nhu cầu phát triển của đất nước...
Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ