Khó khăn từ triển khai
Thầy Dương Văn Đông – Hiệu trưởng Trường TH Ngọc Long, xã Ngọc Long, huyện Yên Minh, Hà Giang chia sẻ: Chưa đầy 1 năm nữa sẽ thực hiện CT GDPT mới nhưng trường còn đến 23 điểm trường lẻ. Số HS từ lớp 3 - 5 đã được đưa về trường chính, tuy nhiên, vẫn còn hơn 800 HS khối 1 - 2 đang học tại điểm trường lẻ.
Lý do khiến việc dồn điểm trường chưa theo như mong muốn được thầy Đông chỉ ra là bởi các điểm trường cách nhau xa (trung bình 7 - 8 km). Nếu dồn 2 điểm trường lẻ vào 1 đồng nghĩa nhiều HS mỗi ngày phải đi học gần 20km/lượt; mỗi ngày PHHS sẽ phải đưa đón con gần 40km. Như vậy, chắc chắn bà con sẽ khó có thời gian, phương tiện di chuyển để hàng ngày cho trẻ đi học.
Một lý do cũng hết sức quan trọng khiến việc dồn dịch các điểm trường còn “vướng mắc” tại Trường TH Ngọc Long là cơ sở vật chất thiếu thốn. Phòng học chính, phòng bán trú HS, phòng học bộ môn Tin học, Tiếng Anh, nhà vệ sinh… hiện nay tại trường chính và nhiều điểm trường lẻ không đáp ứng đủ yêu cầu, thậm chí còn “trắng”.
Theo kế hoạch từ năm học 2020 – 2021, đến năm 2025 trường chỉ có thể dồn HS từ lớp 1 - 5 của 3 điểm trường lẻ gần nhất về trường chính. Và khi đó phải chấp nhận số lượng HS/lớp sẽ lên tới 38 - 40 HS/lớp. Vất vả cho thầy cô và HS trong quá trình thực hiện CT GDPT mới.
Thầy Đông cho biết thêm: Hiện tại trường chính vẫn đang trong quá trình xây dựng thêm phòng học bộ môn để triển khai CT GDPT mới từ năm sau. Hiện tại, trường vẫn còn 11 lớp ghép tại các điểm trường. Nhiều điểm trường tạm bợ về cơ sở vật chất, thiếu các công trình vệ sinh trường học...
Đặc biệt, một số nơi giảm được số lượng nhân viên thì việc bố trí GV phụ trách cả 2 cấp cũng khó khăn do các điểm trường có khoảng cách xa nhau, thời lượng cho 1 tiết học của 2 cấp khác nhau. Chế độ tiết dạy của GV hai cấp khác nhau (THCS: 18 tiết/tuần, TH: 23 tiết/tuần), trong khi đó một GV vừa dạy ở TH vừa dạy ở THCS thì chưa được quy định số tiết dạy/tuần.
Việc bố trí GV THCS về dạy TH và ngược lại còn quá nhiều bất cập do đặc điểm tâm sinh lý HS hai cấp khác nhau; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của 2 cấp khác nhau... nhất là các trường có cấp TH đang thực hiện dạy học theo Mô hình VNEN, trong khi GV chưa được tập huấn.
Việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp không chỉ khó với Trường TH Ngọc Long (Yên Minh – Hà Giang) mà nhiều trường vùng cao có điều kiện khó khăn tương tự về cơ sở vật chất, điều kiện tự nhiên, xã hội cũng đang loay hoay tìm giải pháp.
Còn tại Quảng Trị, việc sắp xếp lại trường lớp cũng gặp nhiều thách thức đòi hỏi phải sớm tháo gỡ.
Ông Phan Hữu Huyện - Trưởng phòng GD TH, Sở GD&ĐT Quảng Trị cho biết: Cùng với thuận lợi thì việc “dồn điền đổi thửa” bậc TH tại Quảng Trị cũng gặp nhiều vướng mắc.
Trước hết, đa số phụ huynh chưa nắm kĩ chủ trương sáp nhập trường lớp nên sự đồng thuận không cao. Việc thay đổi, bố trí CBQL, GV còn tạm thời, thiếu ổn định ảnh hưởng tới tư tưởng một số CBQL và GV.
Trong phân công lao động, khi sáp nhập số lượng CBQL, nhân viên của một số đơn vị vẫn như cũ, khó phân công, hoặc phân công không phù hợp. Chế độ phụ cấp đứng lớp theo quy định của GV TH và THCS khác nhau. Khi bố trí GV dạy cả 2 cấp lại chưa có hướng dẫn quy định phụ cấp cho đối tượng này trong mô hình trường TH&THCS.
Điểm trường vùng cao. Ảnh minh họa/INT |
Cần lộ trình để tháo gỡ khó khăn
Theo TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ GD TH (Bộ GD&ĐT), với quy mô trường và điểm trường như hiện nay, việc thực hiện sáp nhập các trường TH có quy mô nhỏ lại với nhau hoặc sáp nhập trường TH với THCS có quy mô nhỏ, hoặc sáp nhập các điểm trường lại với nhau là điều cần thiết và đúng chủ trương chỉ đạo hiện nay theo Nghị quyết 18, 19 của Đảng.
Tuy nhiên, khi thực hiện phải dựa trên nguyên tắc “tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của HS; phù hợp với quy hoạch đáp ứng được các yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT và nhu cầu phát triển KT-XH của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
Bà Trần Minh Xuân – Trưởng phòng GD&ĐT Mường Khương (Lào Cai) cũng khẳng định: Khi dồn ghép các điểm trường thì tỉ lệ HS tăng hơn. Nhưng khi về các điểm trường chính, HS sẽ được đảm bảo điều kiện bán trú, được học các môn Tiếng Anh, Tin học...
Các em cũng được chăm sóc ăn ở tại trường và có môi trường giao lưu tốt. Với PHHS không có điều kiện chăm sóc con em đã có nhà trường giúp đỡ, còn bản thân PHHS có thời gian để phát triển kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, để việc sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch điểm trường diễn ra thuận lợi, nhất thiết phải có sự chuẩn bị kĩ càng và có lộ trình.