Sửa chữa là điều tất yếu
Có ý kiến cho rằng bên cạnh sự độc lập của HĐTĐ SGK cần thêm những kênh khác như lấy ý kiến của GV, HS, đánh giá của thực tiễn về các bộ SGK để đảm bảo khách quan, công bằng.
PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: “Dư luận nói rằng lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn của chân lí. Và nghi ngờ HĐTĐ khi thầy cô giáo, HS, những nhân vật nổi tiếng đánh giá bộ SGK GDCN tốt như vậy vẫn bị loại… Tuy nhiên, chúng ta phải xem những luận cứ đó dựa trên tính khách quan. Nếu căn cứ vào một vài ý kiến để nghi ngờ HĐTĐ là không thỏa đáng”.
Theo ông Phạm Văn Tình, SGK cải tiến có yêu cầu khác hẳn các sách khác. SGK là hệ thống tài liệu quan trọng trong CT GDPT nên luôn phải điều chỉnh đổi mới cho phù hợp.
Trong lịch sử, năm 1981 đã điều chỉnh một lần. Năm 2002 lại điều chỉnh tiếp. Đến năm 2020 tiếp tục điều chỉnh. Như vậy, ta mới có thể đuổi kịp dòng chảy chung của giáo dục và tri thức cần có đối với HS. Không thể phủ nhận những bộ SGK cũ với sức sống riêng nhưng đã đạt yêu cầu chưa lại là vấn đề hoàn toàn khác.
Thậm chí PGS.TS Phạm Văn Tình khẳng định: “Bộ SGK GDCN có 330 chi tiết cần chỉnh sửa, tôi thấy là hơi ít (nếu là chi tiết quan trọng). Bởi trên thực tế có bộ SGK phải điều chỉnh tới 1.000 chi tiết liên quan đến tổng thể. Vì vậy, chúng ta không nên băn khoăn đến số lượng chi tiết phải điều chỉnh, mà quan trọng là cái đó có đạt tới định hướng và có tính khả thi trong việc sửa chữa hay không. Nếu xuất phát từ tinh thần cầu thị và vì giáo dục thì cần xem xét lại ý kiến của HĐTĐ có xác đáng và chủ biên của cuốn sách có sửa chữa hay không”.
Theo ông Tình: “Đã đi thi phải tuân theo một quy định mà giám thị trường thi yêu cầu. Trường hợp kết quả đó không thỏa đáng có quyền phúc khảo. Bộ không khó khăn gì để thành lập HĐTĐ khách quan nhất để đưa ra một kết quả tốt hơn”.
TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bày tỏ: Quá trình thẩm định một yếu tố nào đó liên quan đến xã hội thì việc lấy ý kiến phản hồi từ xã hội là việc làm cần thiết.
Tuy nhiên, bất cứ một bộ SGK nào để thực hiện CT GDPT mới phải thể hiện được CT GDPT mới. Nó phải được biên soạn trên tinh thần của CT GDPT mới.
Chương trình này thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội và được Bộ GD&ĐT ban hành qua Thông tư 32, 33. SGK phải đảm bảo được nội dung chương trình theo Thông tư 32 và các yêu cầu theo Thông tư 33. Như vậy, điều kiện cần là phải đáp ứng đủ cả Thông tư 32 và 33. Còn điều kiện đủ: Trong Nghị quyết 88 có nói SGK khi được biên soạn theo tinh thần của Nghị quyết 88 cần được thử nghiệm dạy trong thực tế; và cần có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện dạy và học hiện nay.
Ảnh minh họa/ Internet |
HĐTĐ làm việc trách nhiệm, khách quan
TS Thái Văn Tài – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) thêm một lần nữa nói rõ các vấn đề xung quanh HĐTĐ SGK quốc gia.
HĐTĐ được thành lập trên quy trình chặt chẽ (có đầy đủ đại diện các lực lượng gồm GV, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, nhà phương pháp đang giảng dạy ở các trường ĐH) và xét đến yếu tố vùng miền Nam Trung Bắc, thuận lợi, khó khăn.
Trong thiết kế chương trình làm việc, có 15 ngày để HĐTĐ tiếp cận với bản thảo SGK một cách độc lập. Và sau đó có 7 ngày để các thành viên thảo luận với nhau để đi đến quyết định cuối cùng về bản thảo.
Theo quy định, tất cả các bản thảo SGK đánh giá đạt nhưng phải sửa chữa hay không đạt thì thông qua NXB trình, tác giả có quyền chỉnh sửa cho đúng với CT hơn, và được thẩm định lại. HĐTĐ sẽ tiếp tục thẩm định và thực hiện theo đúng quy trình.
Như vậy với sự lựa chọn và làm việc nghiêm túc về thời gian, số lượng, thành phần hội đồng…, các sản phẩm lao động của HĐTĐ chắc chắn sẽ nghiêm túc, khách quan. Các sản phẩm được thẩm định có cơ sở khoa học và căn cứ.
Ông Thái Văn Tài khẳng định: HĐTĐ SGK lần này không khác so với các HĐTĐ SGK trước. Quyết định của HĐTĐ không phải đưa ra cho một số phận bộ SGK duy nhất mà có nhiều bộ SGK (theo chủ trương XHH giáo dục) và có nhiều nhóm tác giả đã trình SGK theo luật.
HĐTĐ thay mặt Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và dựa trên chuyên môn để rà soát xem những bộ SGK có đúng luật, đúng quy định, đúng chuyên môn hay không... Từ đó, đưa ra quyết định SGK có đúng quy định và đạt hay không.
HĐTĐ đang giúp tác giả lọc sạn, hoặc những điều mà SGK chưa hợp với CT GDPT mới để tác giả cùng HĐTĐ làm ra những SGK cho tốt hơn. Cuối cùng người học sẽ được “hưởng” những bộ SGK tốt và đúng với CT nhất.
TS Thái Văn Tài cho biết: Những ngày qua HĐTĐ làm việc vô cùng trách nhiệm, khách quan bởi HĐTĐ chịu trách nhiệm phải giải thích sản phẩm đã thẩm định trước xã hội và nhóm tác giả với nhau…
Đến thời điểm kết thúc vòng thẩm định đầu tiên cho 5 bộ SGK, các tác giả chưa có phản hồi chính thức nào (cá nhân hoặc thông qua NXB trình duyệt) về HĐTĐ tới Bộ GD&ĐT.