Đây không những là cơ hội để các địa phương chọn lựa dạy và học bộ SGK tốt, phù hợp với điều kiện của mình mà còn là tiền đề quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29.
Chuẩn bị chu đáo, đúng lộ trình
Để đáp ứng kỳ vọng của GV và PHHS, lựa chọn được những bộ SGK chất lượng nhất, tốt nhất, kịp tiến độ triển khai CT GDPT mới, tới nay công việc chuẩn bị đang được Bộ GD&ĐT triển khai chu đáo, cẩn trọng, đúng theo lộ trình, thời gian.
TS Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Sau khi ban hành CT GDPT mới theo Thông tư 32, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương bằng Văn bản 344 để cụ thể hóa các nội dung chuẩn bị theo thẩm quyền các cấp.
Hiện nay, các địa phương đã tiếp nhận và chuẩn bị tích cực cho CT GDPT mới; thành lập ban chỉ đạo và ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể theo điều kiện hiện có của địa phương. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức sơ kết việc thực hiện chỉ đạo chuẩn bị CT GDPT mới tại các địa phương.
Mặt khác văn bản hướng dẫn chuyên môn được các vụ chuyên môn liên quan (Bộ GD&ĐT) ban hành như: Nội dung chương trình GD địa phương; Tổ chức dạy học lớp 1 theo CT GDPT mới; Ban hành các văn bản liên quan đến môn học mang tính chất mới... Các yếu tố, tính chất mới trong CT GDPT mới cũng được các Vụ chức năng liên quan ban hành sớm trước một bước để địa phương và thầy cô giáo trải nghiệm ngay trong CT hiện hành.
Việc chuẩn bị tài liệu dạy học và SGK, được Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch rõ ràng. Trước ngày 30/10, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dựa trên kết quả của Hội đồng thẩm định SGK sẽ công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1.
Bộ GD&ĐT cũng đang lấy ý kiến rộng rãi về thông tư quy định, hướng dẫn các địa phương lựa chọn SGK theo đúng Luật GD và các quy định văn bản của Chính phủ. Thông tư này dự kiến sẽ ban hành trong tháng 12/2019. Từ đó địa phương thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình là lựa chọn SGK.
Sau khi có SGK và thông tư hướng dẫn, các địa phương sẽ thực hiện chức năng trong phạm vi quản lý hướng dẫn của mình là tập huấn chương trình đối với GV thực hiện chương trình...
Ảnh minh họa/ Internet |
Theo TS Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bộ SGK tốt phải đáp ứng được đúng chương trình; Chất lượng tốt (thể hiện ở lựa chọn những minh họa kiến thức quy định trong chương trình; Hình thức thể hiện của SGK phải hấp dẫn); Dễ sử dụng đối với cả người dạy, người học và PHHS; Giá thành SGK phải phù hợp với mức độ chi tiêu của đại đa số người dân…
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với vai trò cơ sở giám sát đã dự kiến năm 2020, năm đầu tiên thực hiện CT và SGK mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Ủy ban có thể đưa vào chương trình giám sát năm 2020 việc thực hiện Nghị quyết 88 trong thực tế; từ đó tiếp tục có những nhìn nhận đánh giá.
Bảo đảm quyền lợi của người học
Không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và HS chính là đối tượng chịu thiệt hại. Khi thực hiện một chương trình nhiều bộ SGK, cạnh tranh bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có một thị trường SGK lành mạnh. Tuy nhiên, không ít người lo ngại có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và bộ SGK tốt không đến được với HS. Như vậy, tìm ra giải pháp ngăn chặn hiện tượng này vô cùng cần thiết.
TS Thái Văn Tài cho biết: Bộ GD&ĐT thực hiện chức năng của mình là cùng HĐTĐ SGK thẩm định SGK một cách khoa học, công bằng, minh bạch với tất cả các khâu, để nhiều lực lượng cùng tham gia phản biện và đưa ra sản phẩm cuối cùng trình Bộ trưởng là những bộ SGK đúng và đảm bảo nhất.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi ban hành thông tư quy định về hướng dẫn lựa chọn SGK cho các địa phương thực hiện. Bộ sẽ hướng dẫn, giám sát địa phương thực hiện chức năng lựa chọn SGK đến với HS theo đúng quy định, thẩm quyền.
Cùng đó, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường chức năng giám sát kiểm tra theo chức năng quản lý để hướng dẫn, chấn chỉnh những địa phương làm sai, hoặc lúng túng trong quá trình thực hiện.
Bộ GD&ĐT sẽ giám sát để phát hiện những vấn đề liên quan đến quyền lợi người học, sự bất thường trong cân đối cung cầu của thị trường… đảm bảo phù hợp điều kiện chung các địa phương trên toàn quốc; đáp ứng được cả vùng thuận lợi và vùng khó khăn..
TS Phạm Tất Thắng nhận định, việc chuẩn bị của Bộ GD&ĐT với thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới CT, SGK GDPT bài bản, nghiêm túc. Quá trình chuẩn bị trong vài năm vừa qua có lộ trình, bước đi, kế hoạch, giải pháp để triển khai nghị quyết.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 88, để SGK đi vào thực tiễn hệ thống giáo dục, qua đó đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao chất lượng GDPT, theo TS Phạm Tất Thắng, những điều kiện triển khai CT, SGK trong thực tế hết sức quan trọng.
Trong quá trình chỉ đạo, thực hiện phải quan tâm đến đội ngũ GV. Cần có lộ trình để tập huấn đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ GV. SGK có tốt đến đâu mà đội ngũ GV không chuyển tải được sẽ không thể đem lại kết quả mong muốn.
Cùng đó, khi thực hiện CT mới, phương pháp mới đòi hỏi cơ sở vật chất trang thiết bị, đồ dùng dạy học mới. Như vậy, cần có sự chuẩn bị từ phía Bộ GD&ĐT và các địa phương. Điều kiện thực hiện của các địa phương khác nhau nên cần có các giải pháp chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả và phù hợp. Làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông một cách đồng đều.
Cũng theo TS Phạm Tất Thắng: Một trong 4 yếu tố để có bộ SGK tốt là giá thành SGK phải phù hợp với mức độ chi tiêu chung của đại đa số người dân.
Khi thực hiện 1 chương trình nhiều SGK là nhằm đến XHH việc biên soạn và xuất bản SGK. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các NXB, các nhóm tác giả sẽ có được những bộ SGK chất lượng tốt và giá thành phù hợp. Quá trình cạnh tranh lành mạnh này, nếu NXB hay tác giả nào xuất bản SGK có giá thành cao sẽ không thuận lợi trong quá trình lựa chọn thực tế.
Về mặt quản lý Nhà nước, SGK là mặt hàng đặc biệt liên quan đến quyền học tập của người dân và trẻ em. Như vậy, Nhà nước sẽ có sự kiểm soát giá SGK theo quy định luật giá.
Mặt khác với cơ chế ban hành về biên soạn và xuất bản SGK hiện hành, giá SGK phải được đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Tài chính). Khi có sự thay đổi về giá SGK phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
XHH biên soạn, xuất bản SGK, Nhà nước vẫn có những giải pháp để kiểm soát việc ấn định giá SGK sao cho hài hòa giữa quyền lợi của doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo khả năng chi tiêu của người dân. Qua đó mới đảm bảo quyền học tập của trẻ em và người học.