Tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cử tri thành phố Hải Phòng đề nghị Chính phủ quan tâm phân bổ ngân sách, điều chỉnh đầu tư cho lĩnh vực GD-ĐT để bảo đảm chất lượng, tăng cường năng lực, khả năng ứng phó phòng, chống với dịch Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật Giáo dục năm 2019, quy định Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách Nhà nước chi cho GD-ĐT tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT đã có ý kiến đề xuất với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg; trong đó yêu cầu tỷ lệ tối thiểu chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy và học tập là 19% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục - tỷ lệ này đã được điều chỉnh tăng so với quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg.

Như vậy, về quan điểm Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội là quan tâm đầu tư cho giáo dục và được thể chế trong các quy định của Luật, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong thực tế tỷ lệ chi ngân sách cho GD-ĐT cũng như tỷ lệ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập trong tổng chi thường xuyên sự nghiệp GD-ĐT tại các địa phương rất khác nhau.

Theo quy định về phân cấp quản lý ngân sách tại Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, việc bố trí ngân sách cho GD-ĐT tại các địa phương thuộc thẩm quyền của các tỉnh, thành phố. Ngân sách chi thường xuyên toàn ngành Giáo dục những năm gần đây cũng như giai đoạn 2016 - 2020 chủ yếu là chi cho con người.

Qua số liệu báo cáo của các địa phương, nhiều tỉnh chưa đạt tỷ lệ tối thiểu chi cho chuyên môn 18% trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg; tỷ lệ chi cho các hoạt động giảng dạy và học tập chiếm tỷ lệ thấp. Thực trạng này đã gây khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động giáo dục, nhất là tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Trong khi đó, hiện nay để thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa GDPT đòi hỏi cơ sở giáo dục phải được trang bị thêm phương tiện, thiết bị, công nghệ dạy học mới. Vì vậy, việc tăng cường đầu tư cho lĩnh vực giáo dục là cần thiết.

Để hỗ trợ các cơ sở giáo dục gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Trong đó có chính sách hỗ trợ cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch.

Nghị quyết số 12/NQ-CP phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022 giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất phương án để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bộ GD&ĐT ghi nhận ý kiến của đại biểu và tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT, bảo đảm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước. Bộ đồng thời đề nghị đại biểu kiến nghị HĐND, UBND thành phố Hải Phòng một số giải pháp chính tăng cường đầu tư cho giáo dục và tăng cường khả năng ứng phó, phòng, chống với dịch Covid-19 như sau:

Rà soát, đánh giá thực trạng nhu cầu đầu tư của ngành Giáo dục địa phương giai đoạn 2021 - 2025 để tích hợp vào các nội dung phù hợp của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… bảo đảm triển khai tốt Chương trình GDPT 2018.

Cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để đối ứng đủ tỷ lệ theo quy định nhằm thực hiện các Chương trình. Ưu tiên bố trí sắp xếp các chương trình đề án, dự án của ngành Giáo dục vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của địa phương và hàng năm cần ưu tiên bố trí kinh phí thường xuyên để đào tạo bồi dưỡng đội ngũ, mua sắm trang thiết bị và cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Quan tâm bổ sung kinh phí chi thường xuyên cho các cơ sở GD-ĐT thuộc phạm vi quản lý để bảo đảm tối thiểu 19% - 20% chi chuyên môn giảng dạy trong tổng chi thường xuyên theo quy định tại Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chất lượng giáo dục tại địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh giả mạo salon ô tô trên Facebook để lừa đảo.

Lập salon ô tô 'ma' để lừa đảo

GD&TĐ - Hoàng Văn Cương và Nguyễn Anh Văn tạo dựng salon ô tô 'ma', sau đó đăng thông tin giả bán xe để chiếm đoạt tiền đặt cọc.