Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đổi mới đào tạo

GD&TĐ - Với mục tiêu không ngừng cải thiện môi trường học tập cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới đào tạo theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học. 

Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ đổi mới đào tạo

Những công trình, dự án không chỉ tạo ra một diện mạo mới cho giáo dục đại học ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, mà còn thúc đẩy, tạo động lực cho các trường tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực của xã hội.

Huy động các nguồn lực đầu tư CSVC

Năm học 2017 - 2018 là năm học có nhiều ý nghĩa quan trọng đối với Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng). Đây là năm học chuẩn bị cho lộ trình mới - trở thành Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật.

Theo đó, trong năm học này, ngoài đào tạo bậc cao đẳng, tại Trường CĐ Công nghệ lần đầu tiên đào tạo bậc đại học ở khoa Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng. Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động đào tạo, Trường CĐ Công nghệ đã chú trọng đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.

PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) - cho hay: Với quy mô tuyển sinh khóa đầu tiên là 500 sinh viên cho 6 ngành đào tạo (bậc đại học) tại nhà trường trong năm học 2017 - 2018, có thể xem là bước chuẩn bị cho mô hình đào tạo của một trường ĐH sư phạm kỹ thuật đầu tiên tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Và để đáp ứng cho yêu cầu phát triển này, trong thời gian qua, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo được nhà trường, ĐH Đà Nẵng quan tâm đầu tư.

Ngay trước thềm năm học 2017 - 2018, Trường CĐ Công nghệ đã đầu tư 5 tỷ đồng và Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp của Đại học Đà Nẵng hỗ trợ thêm 9 tỷ đồng để thay mới một số trang thiết bị, đồ dùng, máy móc phục vụ thực hành đã cũ, bổ sung thêm trang thiết bị, đồ dùng mới, đầy đủ hơn, cũng như đầu tư mới một phòng Lab phục vụ nghiên cứu khoa học. Trong năm học mới này, nhà trường cũng sẽ đầu tư thêm một khu tự học mới dành cho sinh viên với đầy đủ trang thiết bị học tập, bàn ghế, hệ thống wifi một cách đồng bộ, hiện đại.

Theo PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), việc quan tâm đến điều kiện, quyền lợi của người học là vấn đề được nhà trường thường xuyên quan tâm. Trước đây, nhà trường luôn tạo điều kiện để sinh viên được tham gia các hoạt động phong trào, thì trong những năm gần đây, nhà trường chú trọng sâu hơn vào các hoạt động trang bị kỹ năng sống, hoạt động khởi nghiệp.

Chính vì vậy, trong thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học luôn được nhà trường quan tâm thực hiện. Trong đó, nhà trường đã xây dựng một khu nhà riêng rộng hơn 1.200 m2 dành cho sinh viên tổ chức các hoạt động của mình như sinh hoạt đoàn đội, học nhóm, sinh hoạt nghề nghiệp.

Quan tâm đến lợi ích người học

PGS.TS Lưu Trang cho hay: “Hiện nay nhà trường cũng chuẩn bị đầu tư hệ thống trang thiết bị với dự kiến nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng, phục vụ cho hoạt động thực hành, thí nghiệm Vật lý, Hóa - Sinh, Báo chí. Đối với ngành Giáo dục tiểu học và Giáo dục mầm non, nhà trường cũng có khu giáo dục riêng biệt dành để sinh viên thực hành, trải nghiệm nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên trước khi tốt nghiệp ra trường”.

Năm 2017 là năm đầu tiên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) thực hiện thí điểm tự chủ đại học. Để thực hiện cam kết với với xã hội, Trường ĐH Kinh tế đang nỗ lực thực hiện hoàn thiện, sửa chữa, nâng cấp chất lượng hệ thống cơ sở vật chất theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong đó, ưu tiên điều kiện học tập, điều kiện chỗ ở cho sinh viên theo đúng cam kết. ThS

Trần Quốc Hùng - Trưởng phòng Công tác Học sinh - Sinh viên (Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng) - cho hay: Bên cạnh sự quan tâm đầu tư, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động dạy học, đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; trong thời gian qua, Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đặc biệt quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với sinh viên.

Dự kiến trong năm học này, nhà trường sẽ dành gần 1 tỷ đồng để cấp học bổng cho sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh viên có điểm thi đạt trên 26,5 điểm trong kỳ tuyển sinh vào trường năm 2017 và sinh viên quốc tế có thành tích học tập tốt.

Bước vào năm học mới, ĐH Đà Nẵng đã triển khai những giải pháp trọng tâm, toàn diện nhằm mục tiêu tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ hội nhập. Các trung tâm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Đà Nẵng không ngừng được đầu tư hiện đại.

Đến nay, 100% cơ sở giáo dục, đơn vị đã có thư viện chuyên ngành, hội trường, câu lạc bộ, sân vận động, nhà tập thể dục thể thao và các ký túc xá tập trung được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, trang bị tốt đảm bảo nhu cầu của sinh viên trong nhiều năm qua cũng như năm học mới này.

PGS.TS Trần Thanh Hải Tùng - Trưởng ban Cơ sở vật chất (ĐH Đà Nẵng) - cho hay: Hiện nay, ĐH Đà Nẵng đang triển khai, hoàn thiện nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng, như: Công trình ký túc xá cho sinh viên Lào ở Trường ĐH Kinh tế với kinh phí 30,97 tỷ đồng, công trình có quy mô 5 tầng, diện tích sàn sử dụng là 2.790m2 và dự kiến cuối năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng. Công trình khoa Y Dược thuộc Dự án đầu tư xây dựng ĐH Đà Nẵng giai đoạn 3, với diện tích 8.127m2, cùng hệ thống thiết bị nội thất, có tổng kinh phí là 124 tỷ đồng, dự kiến đầu năm 2018 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án đầu tư xây dựng Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, gồm: Nhà đa năng, nhà học, khu ký túc xá, nhà công vụ, nhà tập luyện thể dục thể thao, cùng hệ thống trang thiết bị với kinh phí đầu tư 109 tỷ đồng. Đầu tư 2,2 tỷ đồng cho Trường CĐ Công nghệ mua sắm trang thiết bị và 7,7 tỷ đồng cho công tác cải tạo, sửa chữa nhà xưởng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.