Cụ thể, với môn tiếng Anh, Sở này nhấn mạnh việc đẩy mạnh việc chuẩn hóa năng lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh đồng bộ các cấp học Tiểu học, THCS, THPT trên từng địa bàn (huyện/thành phố/ thị xã) để mở rộng diện học sinh được học tiếng Anh theo chương trình mới từ Tiểu học lên THCS và THPT.
Ngoài các lớp tập huấn bồi dưỡng của Bộ GDĐT và của Sở GDĐT tổ chức, các phòng GDĐT và các trường THPT chủ động tạo điều kiện cho giáo viên tiếng Anh tự bồi dưỡng và tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho giáo viên Tiếng Anh để đến năm 2020 có 100% số giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy đạt chuẩn về năng lực ngoại ngữ theo qui định của Bộ GD&ĐT (B2 đối với giáo viên cấp Tiểu học và THCS; C1 đối với giáo viên cấp THPT).
Những giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực tiếng Anh hoặc chưa được bồi dưỡng về phương pháp dạy tiếng Anh thì phải tự học, tự bồi dưỡng để đạt chuẩn trước khi phân công dạy học. Việc bồi dưỡng giáo viên phải gắn với việc bố trí, sử dụng có hiệu quả.
Đối với học sinh, ở cấp THCS, với những trường THCS tham gia dạy học chương trình tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (chương trình mới) tiếp tục nâng cao năng lực giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất để tăng số học sinh và số lớp, triển khai mở rộng dạy chương trình mới đối với các trường có đủ điều kiện.
Huy động các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để có thể thu nhận hết số học sinh đã hoàn thành chương trình mới lớp 5 vào học tiếp chương trình mới ở lớp 6.
Triển khai mở rộng dạy chương trình tiếng Anh mới đối với trường THPT.
Sở GĐ&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị chủ động lập kế hoạch và bố trí kinh phí tổ chức đánh giá năng lực đầu ra Bậc 2 đối với học sinh lớp 9 và Bậc 3 đối với học sinh lớp 12 tham gia chương trình mới để thúc đẩy đổi mới kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học theo định hướng phát triển kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh...