Tăng cường các hoạt động thực tế để hướng nghiệp cho học sinh

GD&TĐ - Đầu năm học, Trường TH&THCS Tú Xuyên bằng nhiều hình thức khác nhau để thực hiện tư vấn phân luồng, tư vấn hướng nghiệp sớm cho học sinh.

Học sinh Trường TH&THCS Tú Xuyên tham gia và đạt giải khoa học kỹ thuật cấp huyện. Ảnh NTCC.

Học sinh Trường TH&THCS Tú Xuyên tham gia và đạt giải khoa học kỹ thuật cấp huyện. Ảnh NTCC.

Tổ chức tham quan và trải nghiệm thực tế

Để học sinh và phụ huynh hiểu được vai trò của công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm Trường TH&THCS Tú Xuyên (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) đã tổ chức xây dựng kế hoạch giảng dạy tại trường và tổ chức cho học sinh tham quan trải nghiệm tại các mô hình phát triển kinh tế ở địa phương như: sản xuất gạch tại thôn Lũng cải xã Tú Xuyên, mô hình trồng rau bắp cải sạch tại thôn Khòn Cọong, xã Tú Xuyên…

Đồng thời, nhà trường chủ động tuyên truyền, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện và tỉnh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp sớm cho các em học sinh đặc biệt là các em học sinh lớp 9.

Qua đó, nhà trường cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Những ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động.

Cô Hiệu trưởng La Thị Kiều Như cho biết: “Đối với công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm nhà trường luôn đổi mới phương pháp để tạo hứng thú cũng như tăng tính hiệu quả cho học sinh. Song hành với đó, nhà trường còn tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sớm học sinh...”.

Cô Kiều Như cho biết thêm, nhà trường luôn xác định phân luồng hướng nghiệp sớm cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, cuối học kỳ 1, đầu học kỳ 2 của năm học nhà trường thường xuyên tổ chức khảo sát nguyện vọng của học sinh bằng nhiều hình thức như trực tiếp trao đổi và lấy ý kiến của các em, khảo sát qua hình thức online để nhà trường nắm được tâm tư nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

“Từ đó, chúng tôi định hướng cho các em theo các nguyện vọng mà các em mong muốn. Trong năm học nhà trường luôn đẩy mạnh, khuyến khích các em tham gia các cuộc thi như: Học sinh tham gia khởi nghiệp, cuộc thi khoa học kỹ thuật, tổ chức các hoạt động Stem … để các em được tham gia trải nghiệm từ đó tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân”, cô Kiều Như nói.

Học sinh trải nghiệm xưởng sản xuất gạch ở địa phương. Ảnh NTCC.

Học sinh trải nghiệm xưởng sản xuất gạch ở địa phương. Ảnh NTCC.

Nỗ lực để khắc phục khó khăn

Hiện nay nhà trường có 282 học sinh: trong đó bậc tiểu học có 172 học sinh; bậc THCS có 110 học sinh. 100% các em học sinh là người dân tộc thiểu số Nùng và Tày.

Theo chia sẻ của cô La Thị Kiều Như: “Trong công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh nhà trường có luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của Ban đại diện cha mẹ học sinh, sự nhất trí cao của các bậc phụ huynh trong công tác định hướng nghề nghiệp cho con em mình, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã, huyện để tạo điều kiện cho các em được tham quan, trải nghiệm.

Bên cạnh đó, nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tham gia vào tuyên truyền và tư vấn định hướng cho học sinh”.

Bên cạnh những thuận lợi, cô Kiều Như cũng chỉ ra những khó khăn như: Giáo viên làm công tác tư vấn hướng nghiệp thường là Giáo viên chủ nhiệm lớp thực hiện công tác kiêm nghiệm vì vậy gặp khó khăn trong việc tư vấn cho học sinh.

Các cơ sở sản xuất trên địa bàn xã còn ít, quy mô còn nhỏ vì vậy việc tổ chức các hoạt động tham quan trải nghiệm còn hạn chế

Trường TH&THCS Tú Xuyên 100% là học sinh dân tộc thiểu số vì vậy việc phân luồng hướng nghiệp sớm cho học sinh giúp các em định hướng được nghề nghiệp, nhà trường nắm bắt được những nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THCS để tư vấn, định hướng, giải đáp những thắc mắc trong quá trình lựa chọn hướng đi của học sinh

Trong các môn học nhà trường xây dựng kế hoạch và lồng ghép nội dung giáo dục hướng nghiệp thông qua các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Theo chia sẻ của ông Ngô Văn Hiền - Trưởng phòng huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn: “Công tác phân luồng, hướng nghiệp sớm cho học sinh THCS luôn được ngành Giáo dục huyện Văn Quan chú trọng và quan tâm. Vì vậy, ngay từ đầu năm học chúng tôi đã chỉ đạo các trường thực hiện điều tra khảo sát nhu cầu học sinh, xây dựng kế hoạch thực hiện tư vấn nghề nghiệp cho các em làm sao có hiệu quả.

Đồng thời, các trường phải tổ chức các buổi tư vấn nghề nghiệp cho học sinh, phối hợp huyện đoàn tổ chức ngày hội khởi nghiệp để giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh.

Đối với giáo viên, chúng tôi yêu cầu các trường cử giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục hướng nghiệp, tổ chức dạy học hướng nghiệp cho học sinh theo quy định. Đồng thời, trong các tiết học ngoại khoá cần lồng ghép các chủ đề liên quan đến hướng nghiệp cho học sinh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ