Tăng cường bồi dưỡng sử dụng thiết bị dạy học: Không để thiết bị về trường nhưng… không ra lớp

GD&TĐ - Liên quan đến vấn đề sử dụng thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngành Giáo dục các địa phương có lộ trình bồi dưỡng cho giáo viên, đặc biệt là thiết bị có kết nối Internet.

Lớp học ở điểm lẻ Cha Lung (Trường Tiểu học Tam Thanh, Quan Sơn, Thanh Hóa) chưa thể sử dụng
thiết bị dạy học. Ảnh: Hồng Đức
Lớp học ở điểm lẻ Cha Lung (Trường Tiểu học Tam Thanh, Quan Sơn, Thanh Hóa) chưa thể sử dụng thiết bị dạy học. Ảnh: Hồng Đức

Nhu cầu bức thiết

Huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) còn khó khăn nên ngành Giáo dục của địa phương này cũng đối mặt với nhiều thách thức. Thực hiện Chương trình GDPT mới 2018, vấn đề liên quan đến thiết bị dạy học ở nhiều trường của huyện Mường Lát gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là cấp tiểu học do có nhiều điểm lẻ nằm trong vùng sâu, xa chưa có điện lưới quốc gia, sóng điện thoại....

Ông Lò Văn Tuấn – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát - cho biết: Nhiều điểm trường lẻ ở Mường Lát chưa có sóng điện thoại, điện lưới quốc gia. Các thiết bị dạy học chủ yếu phục vụ ở trường chính, còn các điểm lẻ chỉ sử dụng một số thiết bị dùng chung. Riêng máy chiếu, máy tính, TV thì không thể đưa vào các điểm lẻ để dạy cho học sinh được. Mường Lát hiện còn 53 điểm trường lẻ cấp tiểu học, trong đó có 23 bản chưa có điện. Vì thế, việc áp dụng thiết bị dạy học vào các điểm trường lẻ ở địa phương này là chưa thể.

“Trong số 12 trường tiểu học của Mường Lát, mới có 5 đơn vị có giáo viên Tin học. Còn 10 trường THCS có đủ giáo viên dạy Toán – Tin. Do đó, việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ sử dụng thiết bị dạy học rất cần thiết. Chỉ cần mỗi trường điều động 1 giáo viên chuyên môn tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn sau đó truyền đạt kỹ năng cho đồng nghiệp sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn khi sử dụng thiết bị”, ông Tuấn chia sẻ.

Cùng quan điểm với ông Tuấn, ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - cho rằng: Đơn vị cung cấp thiết bị dạy học cần phải có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật sử dụng cho giáo viên. Vì trong quá trình dạy học, không phải giáo viên chỉ mang thiết bị đó đặt lên bàn rồi giơ lên cho học sinh xem là được. Thiết bị phải đưa ra đúng thời điểm, mới có tác dụng minh họa ý tưởng cho nội dung giáo viên muốn truyền đạt kiến thức cho học sinh.

“Thực tế cho thấy, giáo viên sử dụng thiết bị dạy học mới cũng có người thông thạo, nhưng cũng có thầy cô chưa quen. Nếu không tập huấn, bồi dưỡng, nhiều giáo viên không thể sử dụng hiệu quả các tính năng của thiết bị đó. Có tập huấn, bồi dưỡng mới quán triệt được giáo viên về việc dạy học có thiết bị khác với dạy không có thiết bị”, ông Sơn nói.

Ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa - cho biết: “Sở đã đề cập đến vấn đề bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên sử dụng thiết bị dạy học, tuy nhiên chưa thống nhất cụ thể”.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học trước, khi đơn vị cung ứng đưa thẳng về các nhà trường dẫn tới tình trạng thiết bị không ra được lớp do không phù hợp, giáo viên chưa thành thạo kỹ năng. Năm nay, Sở GD&ĐT sẽ yêu cầu các phòng GD&ĐT tham gia giám sát việc giao nhận thiết bị dạy học giữa đơn vị cung ứng và các nhà trường trên địa bàn toàn tỉnh.

Lớp học ở điểm lẻ bản Ón (Trường Tiểu học Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa) chưa thể đưa thiết bị dạy học vào được.
Lớp học ở điểm lẻ bản Ón (Trường Tiểu học Tam Chung, Mường Lát, Thanh Hóa) chưa thể đưa thiết bị dạy học vào được.

Nâng cao năng lực ứng dụng công trong dạy học

Liên quan đến việc sử dụng thiết bị dạy học Chương trình GDPT mới, ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn (Nghệ An) - trao đổi: Giáo viên trên địa bàn cơ bản đáp ứng tốt kỹ năng, sử dụng hiệu quả thiết bị. Bởi trước đó, thực hiện chương trình hiện hành, giáo viên đã bắt đầu ứng dụng CNTT trong giảng dạy như: Soạn giáo án điện tử, tìm kiếm nguồn tài liệu trên mạng Internet, chuẩn bị slide bài dạy và sử dụng máy chiếu... Hiện, các trường trên địa bàn chủ yếu sử dụng TV có kết nối Internet thay vì máy chiếu bởi vì tính thuận tiện, thông minh, hình ảnh sinh động, dễ khai thác. Giáo viên chỉ cần có kiến thức tin học cơ bản đều có thể sử dụng được mà không gặp nhiều khó khăn.

Năm học 2020 – 2021, huyện Anh Sơn thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục và có 90% trường học trang bị đủ TV cho lớp 1. Năm học tới đây, ngành tiếp tục vận động các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị cho khối lớp khác. “Về phía đội ngũ giáo viên, ngoài bồi dưỡng tập trung ở cấp huyện, tỉnh, phòng GD&ĐT giao cho từng trường chủ động hỗ trợ tập huấn nội bộ. Vì việc ứng dụng CNTT trong dạy học mang tính thực hành thường xuyên, gắn với các vấn đề thực tiễn phát sinh. Bản thân giáo viên cũng phải tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ bản thân đáp ứng đổi mới dạy học”, ông Đoàn Văn Thanh cho hay.

Ông Lê Thế Anh -  Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ Anh Phát (Thanh Hóa) - nêu quan điểm: Thời đại công nghệ, học sinh chuyển từ học thụ động sang tự học hỏi, tìm tòi, khám phá. Vì vậy, điều cần thiết với giáo viên khi ứng dụng CNTT trong dạy học là ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, cần phải cập nhật kỹ năng. Đặc biệt là sử dụng thành thạo máy tính, biết khai thác các phần mềm thông dụng, đặc biệt là những ứng dụng phục vụ giảng dạy ở trường phổ thông. Cụ thể như Word, Excel, Microsoft PowerPoint... rất có lợi trong soạn giáo án, trình bày, vẽ hình, và trình chiếu.

Bên cạnh đó, thầy, trò đều dạy – học online qua các ứng dụng phần mềm Zoom, Zalo… hoặc sử dụng phần mềm công thức toán học MathType, phần mềm đảo đề trắc nghiệm phục vụ trong thi trắc nghiệm, trực tuyến... Từ đó, đòi hỏi mỗi nhà giáo phải hiểu, biết cách khai thác để nâng cao       chất lượng giờ học, hướng dẫn học sinh, phụ huynh…

Giáo viên dạy CNTT cần có kỹ năng làm việc nhóm, hợp tác khi giải quyết các vấn đề chuyên môn, kỹ thuật thuộc lĩnh vực CNTT. Có năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề, biết gắn kết nội dung giảng dạy với thực tế cuộc sống... Muốn vậy, ngoài kiến thức học trong trường, giáo viên cần tự học, được tham gia lớp bồi dưỡng để cập nhật kiến thức mới, yêu cầu chung của chương trình.

“Thiết bị thông minh hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên và học sinh trong tiếp cận, khai thác tối đa nguồn học liệu cả kênh chữ lẫn kênh hình. Nhà trường hợp đồng 1 giáo viên Tin học, bên cạnh đó có thầy phó hiệu trưởng cũng là người có kinh nghiệm, thành thạo CNTT. Vì vậy, trong quá trình dạy học, nếu giáo viên gặp khó khăn, vướng mắc gì liên quan đến sử dụng thiết bị sẽ được trợ giúp ngay”. - Cô Trần Thị Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ