Tuy nhiên, theo cô Hoàng Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Ninh An (Ninh Bình) - thực tế hiện nay, việc sử dụng thiết bị dạy học (TBDH) nói chung, môn Vật lý nói riêng trong nhà trường còn không ít khó khăn.
Có thể nói đến thực trạng vẫn còn không ít nhân viên phụ trách phòng thiết bị chưa thực sự nắm chắc chuyên môn, tuy được đào tạo nhưng chưa nắm hết các danh mục thiết bị hiện có; các thao tác thực hành của giáo viên chưa chuẩn xác kết quả thí nghiệm chưa có tính khoa học nên chưa có tính giáo dục cao.
Một số giáo viên ngại sử dụng TBDH, trình độ thực hành còn hạn chế. Có giáo viên dạy Vật lý ngại đồ dùng cồng kềnh nên không mang lên lớp. Một số giáo viên khi lên lớp thiếu sự chuẩn bị, thấy đồ dùng hư hỏng nhẹ cũng không sửa lại để phục vụ giảng dạy.
Trong khi đó, việc sử dụng thiết bị dạy học trong môn Vật lý đòi hỏi giáo viên phải chuẩn bị bài thật chu đáo cẩn thận, phải chuẩn bị đầy đủ các thiết bị dạy học cần thiết, phải làm trước các thí nghiệm sao cho đạt kết quả mong muốn.
Thêm một tế khác là nhiều giáo viên khi lên lớp chưa sử dụng được các phương tiện hiện đại một cách thường xuyên như đèn chiếu, băng hình.
Một số giáo viên chưa được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn ĐDDH hoặc chưa được học tập nghiên cứu tốt các tài liệu hướng dẫn sử dụng ĐDDH cũng như các phương tiện nghe nhìn.
Đưa ra nguyên nhân cuả những hạn chế trên, cô Hoàng Thị Hoa cho rằng: Do trang thiết bị không đồng bộ; chất lượng của TBDH còn kém, có TBDH mà không sử dụng được hoặc chỉ sử dụng 1 vài lần là hỏng; thời gian bố trí một tíêt thực hành chưa hợp lý.
Giờ lên lớp của giáo viên Vật lý trong một tuần nhiều nên thời gian chuẩn bị TBDH ít, do đó chuẩn bị chưa chu đáo. Các trường thiếu giáo viên phụ trách thiết bị. Chế độ thi cử còn nặng nề lý thuyết, chưa quan tâm đúng mức đến thực hành.
“Hiện nay một số trường THCS thuộc địa bàn huyện Hoa Lư nói chung chưa có phòng học bộ môn, có cán bộ phụ trách thí nghiệm nhưng chưa giúp cho giáo viên chuẩn bị tốt và thực hiện tốt các bài thí nghiệm thực hành do đó việc sử dụng thiết bị của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn.
Phong trào tự làm, tự sưu tầm, TBDH chưa cao. Trình độ chuyên môn trong quản lý sử dụng còn thấp...” – Cô Hoàng Thị Hoa chia sẻ thêm.
Để sử dụng tốt TBDH bộ môn Vật lý, theo cô Hoàng Thị Hoa, chính quyền địa phương cùng với ngành Giáo dục sớm mở lớp đào tạo giáo viên phụ trách thiết bị.
Bên cạnh đó, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa người làm chương trình người viết sách với những người nghiên cứu thiết kế TBDH. Chú trọng đến chất lượng của TBDH đảm bảo tính khoa học sư phạm, tính kỹ thuật, mỹ thuật.
Cán bộ quản lý các trường THCS nên quan tâm, chỉ đạo tốt việc sử dụng TBDH ở trường. Cần xây dựng hệ thống các văn bản , qui chế qui định về công tác quản lý và sử dụng thiết bị riêng cho từng trường.
Đặc biệt, phải tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kỹ năng sử dụng thiết bị , bồi dưỡng ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.