Những lưu ý khi sử dụng thiết bị dạy học theo hướng tiếp cận năng lực

GD&TĐ - Thạc sỹ Phùng Thị Lý Hằng - Học viện Quản lý Giáo dục - chia sẻ một số nguyên tắc sử dụng thiết bị dạy học trong hoạt động tương tác sư phạm theo hướng tiếp cận năng lực.

Những lưu ý khi sử dụng thiết bị dạy học theo hướng tiếp cận năng lực

Các nguyên tắc sử dụng thiết bị dạy học

Đảm bảo an toàn: Đây là một nguyên tắc quan trọng khi sử dụng thiết bị dạy học. Các thiết bị dạy học được sử dụng phải an toàn với các giác quan của học sinh, đặc biệt khi sử dụng các thiết bị nghe nhìn. Do vậy, trong quá trình sử dụng, giáo viên cần chú ý một số vấn đề an toàn như: an toàn điện, an toàn cho thị giác, an toàn cho thính giác…

Đảm bảo nguyên tắc 3D: Đúng lúc, đúng chỗ và đủ cường độ. Cụ thể:

Nguyên tắc sử dụng phương tiện dạy học “Đúng lúc”là: Sử dụng đúng lúc thiết bị dạy học là việc trình bày phương tiện vào lúc cần thiết, lúc học sinh cần được quan sát, gợi nhớ kiến thức, hình thành kỹ năng trong trạng thái tâm, sinh lý thuận lợi nhất (trước đó, giáo viên đã dẫn dắt, gợi mở, nêu vấn đề chuẩn bị).

Việc sử dụng thiết bị dạy học đạt hiệu quả cao nếu được giáo viên đưa đúng thời điểm nội dung và phương pháp dạy học cần đến. Cần đưa phương tiện theo trình tự bài giảng, tránh trưng bày đồng loạt trên bàn, giá, tủ trong một tiết học cũng như biến lớp học thành một phòng trưng bày.

Nguyên tắc sử dụng thiết bị dạy học “Đúng chỗ”: Sử dụng thiết bị dạy học đúng chỗ là tìm vị trí để giới thiệu phương tiện trên lớp học hợp lý nhất, giúp học sinh có thể sử dụng nhiều giác quan nhất để tiếp xúc với phương tiện một cách đồng đều ở mọi vị trí trong lớp học.

Vị trí trình bày thiết bị dạy học phải đảm bảo các yêu cầu chung cũng như riêng của nó về chiếu sáng, thông gió và các yêu cầu kỹ thuật đặc biệt khác.

Các thiết bị dạy học phải được giới thiệu ở những vị trí đảm bảo tuyệt đối an toàn cho giáo viên và học sinh trong và ngoài giờ dạy. Đồng thời phải bố trí sao cho không làm ảnh hưởng tới quá trình làm việc, học tập của các lớp khác.

Phải bố trí chỗ để thiết bị dạy học tại lớp sau khi dùng để không làm phân tán tư tưởng của học sinh khi tiếp tục nghe giảng.

Nguyên tắc sử dụng thiết bị dạy học “Đủ cường độ”: Từng loại thiết bị dạy học có mức độ sử dụng tại lớp khác nhau. Nếu kéo dài việc trình diễn hoặc dùng lặp lại một loại phương tiện quá nhiều lần trong một buổi giảng, hiệu quả của chúng sẽ giảm sút.

Theo số liệu của các nhà sinh lý học, nếu như một dạng hoạt động được tiếp tục trên 15 phút thì khả năng làm việc sẽ giảm sút rất nhanh. Nên sử dụng phương tiện nghe nhìn không quá 3 đến 4 lần trong 1 tuần và không kéo dài quá 20 đến 25 phút trong một tiết học.

Đảm bảo tính hiệu quả: Đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và trọn vẹn về nội dung dạy học (sử dụng kết hợp nhiều loại phương tiện dạy học một cách có hệ thống, đồng bộ và trọn vẹn; các phương tiện dạy học không mâu thuẫn, loại trừ nhau).

Đồng thời phải phù hợp với đối tượng học sinh; với nhân trắc và tiêu chuẩn Việt Nam. Đảm bảo sự tương tác trong hệ thống dạy học

“Nói hay chưa phải là dạy, chỉ xem chưa phải là học”

Nói đến tương tác là nói đến sự “hợp tác”, “cộng tác”, tác động qua lại giữa giáo viên, học sinh với các thành tố của quá trình dạy học. Thiết bị dạy học có dù có hiện đại đến đâu thì bản thân nó cũng không thể thay thế được vai trò của giáo viên mà trước hết là phương pháp dạy học của họ. Ngược lại, phương pháp dạy học của giáo viên cũng lại chịu sự quy định của điều kiện, phương tiện dạy học cụ thể.

Vì vậy, giữa các yếu tố nội dung, phương tiện, phương pháp dạy học có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau và với chủ thể học tập (người học). Mối quan hệ đó chính là sự “tương tác” chủ yếu giữa các yếu tố của hệ thống dạy học. Sự tương tác đa chiều này tạo nên hiệu quả, chất lượng của quá trình dạy học…

Trong sự tương tác các hoạt động dạy học ở nhà trường phổ thông thì vai trò của sử dụng thiết bị dạy học chỉ được phát huy hiệu quả tối đa khi có được những tiêu chí đánh giá một cách rõ ràng và cụ thể. Đó chính là đánh giá hệ thống các năng lực thực hành của người dạy và người học được hình thành trong quá trình dạy học.

Đây là quan điểm tiếp cận đúng đắn trong quản lý thiết bị dạy học trường học về thiết kế thiết bị dạy học, về tổ chức thực hành cũng như đáp ứng được tính thực tiễn của kiến thức giúp cho người học có thể vận hành vào cuộc sống ngay từ trong nhà trường.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ tham luận " Sử dụng thiết bị dạy học với hoạt động tương tác sư phạm trong nhà trường phổ thông theo tiếp cận năng lực" của thạc sỹ Phùng Thị Lý Hằng, trích trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế "Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng Việt Nam và thế giới".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ