Theo TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, khách mời của buổi tọa đàm, hiện nay ở thành phố, học sinh ở trường từ 8h sáng đến khoảng 4h chiều, đồng nghĩa với thời gian ăn của trẻ đa phần tại môi trường học đường. Chính vì vậy, sự đa dạng thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, đặc biệt là sự kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cần ưu tiên quan tâm hơn nữa.
Thực phẩm an toàn – cần đánh giá khách quan
Nội dung chia sẻ của bà Trần Thị Thu Hạnh, Hiệu trường trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc đã thu hút sự quan tâm lớn của các đại biểu tọa đàm: “Vào 7h sáng ngày 4/4, trong quá trình tiếp nhận thực phẩm, đại diện phụ huynh đã bày tỏ sự không hài lòng với chất lượng thịt lợn qua đánh giá cảm quan. Phụ huynh này có 20 năm kinh nghiệm bán thịt và cho rằng thịt này không đảm bảo, do thịt vàng và lạnh hơn bình thường…
Tiếp thu ý kiến, nhà trường đã đề nghị đơn vị y tế trên địa bàn mang theo dụng cụ chuyên dụng để kiểm tra. Kết quả cho thấy, độ pH ổn định và không phát hiện ấu trùng sán,… kết luận thịt đảm bảo chất lượng.”, bà Thu Hạnh cho biết.
Qua câu chuyện này, Bà Thu Hạnh nêu băn khoăn, liệu có thể đánh giá chính xác chất lượng thực phẩm qua cảm quan thông thường?.
Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn cho biết: “Cảm quan không thể đánh giá đúng hoàn toàn chất lượng thực phẩm, dựa trên độ lạnh - ấm, màu sắc, hoặc nhiều yếu tố khác… Vì vậy ban phụ huynh giám sát việc nhập thực phẩm vào trường cần mời những người có kinh nghiệm, hiểu biết về thực phẩm.
“Không có bất cứ dụng cụ đánh giá nào có thể giải quyết 100% thắc mắc về an toàn thực phẩm. Máy kiểm tra các chỉ số độc trong thực phẩm chỉ có tính hỗ trợ rất nhỏ. Ngay cả trong một vụ ngộ độc cũng phải xét nghiệm và thử nhiều biện pháp để xác định nguyên nhân, không có máy nào có thể thử được toàn bộ các chỉ số. Quan trọng là phải kiểm soát được nguồn gốc, xuất xứ, quy trình nuôi trồng của thực phầm đến với bếp ăn”, TS. BS Trương Hồng Sơn khẳng định.
TS. BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam |
Liên quan đến dinh dưỡng bữa ăn học đường hiện nay, TS.BS Trương Hồng Sơn nhận định: Mặc dù đã có nhiều cải thiện về dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn bán trú đã cao lên, khẩu phần ăn cũng được cải thiện trong thời gian qua nhưng vấn đề dinh dưỡng học đường vẫn chưa đạt được mong muốn.
Theo quan sát, nhiều trường chưa chú trọng vấn đề ATTP học đường. Chẳng hạn quy trình một chiều để đảm bảo vệ sinh, việc lưu mẫu làm thế nào… Nhiều vụ ngộ độc đã xảy ra nhưng khi kiểm tra mẫu lưu thì không có.
“Với thời lượng học tập và hoạt động tại trường như hiện nay, khoảng 55-60% khẩu phần ăn trong ngày của trẻ là ở trường. Bởi vậy, vấn đề về dinh dưỡng học đường cần quan tâm ở tất cả các khía cạnh: sự đa dạng, nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát thực phẩm,…”- TS Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sự đóng góp kinh phí của các bậc cha mẹ cho bữa ăn bán trú của học sinh còn thấp nên cũng khiến các nhà trường gặp khó khăn trong việc xây dựng bữa ăn đầy đủ và phong phú cho các con.
Để thực phẩm trường học an toàn – cần sự phối hợp đồng bộ
Cũng theo TS.BS Trương Hồng Sơn: Số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hàng năm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa, do các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu, nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, hậu quả gây ra đặc biệt nghiêm trọng, nên đã gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người.
Trước thực trạng này, theo TS.BS Trương Hồng Sơn, các nhà trường đặc biệt là khối công lập, việc có áp dụng quy định chặt chẽ về bữa ăn học đường hay không, còn phụ thuộc vào chất lượng của mỗi nhà trường. Rất cần sự chủ động quan tâm hơn từ phụ huynh đến chế độ dinh dưỡng của trẻ em.
Bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm (ngồi giữa) và các khách mời của buổi tọa đàm |
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Vương Hương Giang - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, nhấn mạnh: Để thực hiện tốt hơn nữa công tác đảm bảo vệ sinh ATTP và phòng chống dịch bệnh tại trường học và các cơ sở giáo dục trên địa bàn, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và sự phối kết hợp chặt chẽ của các đơn vị hữu quan.
Theo bà Hương Giang, các hình thức tuyên truyền cần được đa dạng hóa, công khai thực đơn, thực phẩm, đơn giá và công khai quá trình kiểm soát thực phẩm để tạo cho phụ huynh học sinh sự tin tưởng tuyệt đối khi gửi con tại các trường học.
Đẩy mạnh vai trò các đơn vị giám sát thường xuyên và đột xuất, chung tay đảm bảo chất lượng thực phẩm cho bữa ăn của học sinh. Tất cả các sản phẩm đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác, đầy đủ thông tin nơi sản xuất, hạn sử dụng…Phụ huynh giám sát công tác sơ chế, chế biến thực phẩm, cùng tham gia bữa ăn của học sinh.
Bên cạnh đó, tổ chức tốt công tác tiêm chủng tại trường học theo kế hoạch, hướng dẫn của ngành y tế, phun thuốc muỗi định kỳ 2 lần/năm, khám sức khỏe cho 100% học sinh,…
Ngành y tế và các đơn vị có liên quan trên địa bàn quận cần tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn tại các cơ sở giáo dục, đồng thời, khám, tư vấn, hướng dẫn chăm sóc và điều trị kịp thời để phát hiện, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Nhiều đại biểu cho rằng, bữa ăn bán trú của học sinh là đáp ứng nhu cầu tự nguyện của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cũng cần hướng tới xây dựng một quy trình chuyên nghiệp để đảm bảo cả về chất và lượng cho chế độ dinh dưỡng của học sinh. Vấn đề đặt ra là giám sát nguồn thực phẩm đầu vào, giám sát đơn vị cung cấp thực phẩm có đảm bảo an toàn hay không, có đạt tiêu chuẩn như cam kết với nhà trường và gia đình học sinh hay không.
Bên cạnh đó, thực phẩm trong nhà trường được quản lý tốt nhưng còn thức ăn ngoài cổng trường rất khó quản lý. Cần có sự phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn, phối hợp với các gia đình để bảo vệ trẻ khỏi những nguồn thực phẩm thiếu an toàn phía ngoài cổng trường”. - Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm nêu quan điểm.