Tản văn: Tìm về những giấc mơ ngoan

GD&TĐ - Từng mùa đi qua mang tuổi đời tôi trôi mãi, dấu vết thời gian hằn in trên đá núi, trên những viên sỏi lăn lóc bên đường.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Ai còn nhớ hay đã quên những kỷ niệm một thời thơ ấu?

Không hiểu sao tôi luôn nhớ về những ngày mùa Hè nắng như đổ lửa, ngày ấy trong mỗi câu chuyện, người ta hay dùng từ gợi nhớ là “ngày xưa”. Trên giàn mướp ông trồng, hoa trổ vàng rực rỡ, những chú ong mật xòe cánh bay rộn ràng. Bà phe phẩy chiếc quạt nan, gió từ tay bà chẳng ru tôi thiu thiu ngủ. Đợi lúc bà xoay người vào phía vách tường, tôi khẽ lách mình theo tiếng bạn gọi chạy ra đầu ngõ. Mồ hôi trên trán vã ra như tắm sau vài trận cãi cọ rồi lại hòa giải với lũ bạn.

Người lớn bận rộn bao việc trên đồng, còn chúng tôi luôn tay luôn chân chuẩn bị cho trò chơi đồ hàng, trong gian bếp nhỏ nhà cái Hà, lúc trưa hè đứng bóng. Nào là bứt lá làm tiền, nào là lấy gạch non xát làm gạo trộn với nước, kiếm củi nấu nồi cơm sôi. Có những ngày mấy đứa chí chóe cãi lộn rồi giơ tay cắt xít không thèm chơi. Buổi ban trưa, tôi ngồi đầu hè, xếp viên gạch nhỏ làm ngôi nhà có sân vườn với đường đi lối ngõ. Bọn bạn thấy tôi xếp đẹp quá, chúng lại gần xin chơi cùng. Rúc rích đám đông, bên nhau khúc khích nói cười tít mắt.

Những buổi tối trời, bà trải chiếu ngoài sân, chỉ cho tôi ông Thần Nông trên trời được xếp hình bởi nhiều ngôi sao rất sáng. Một chân ông co, một chân ông duỗi, đầu ông đội mũ cánh chuồn, ông ngồi bên chiếc gàu sòng, chăm lo mùa màng, thủy lợi cho bà con nông dân dưới hạ giới. Tôi nằm trên chiếu, gió mát hiu hiu, câu chuyện bà kể ru tôi vào giấc ngủ rồi chìm vào giấc mơ lúc nào không biết. Giấc mơ thật hiền, tôi được bay lên trời gặp các nàng tiên; một cô tiên cho tôi xôi, cô cho tôi kẹo. Bàn tay nhỏ xíu của tôi nắm lấy, cô tiên cất cánh bay, thảo thơm xôi, kẹo trong tay tôi ở lại. Vời vợi trong giấc mơ tôi những ngọt lành cây trái.

Vừa sang cái tuổi chín mười, tôi biết theo mấy bạn cùng xóm đi cắt cỏ trên cánh đồng xa. Tôi ôm những bó cỏ xanh, đặt lên bờ ruộng, giũ sạch, rồi xếp vào đôi quang gánh. Cỏ đồng gần trâu bò gặm hết, người ta cắt cụt từng bờ trơ trụi, vì thế nên ai nấy cũng lặn lội tới cánh đồng xa tìm cỏ tốt cỏ tươi. Lần đầu tiên chưa quen gánh cỏ nặng, miệng tôi mếu máo khi chiếc đòn gánh ghì xuống, oằn lên đôi vai. Cái Quỳnh nhìn tôi thương hại. Nó theo bọn tôi đi cắt cỏ cho vui, chứ nhà nó chẳng nuôi trâu bò.

Thương tôi, nó gánh giùm tôi một đoạn. Bình thường mọi ngày tôi hay bắt nạt nó là thế, hôm nay nó gánh cỏ cho tôi, nó như ân nhân mà tôi thấy lỗi về phần mình nhiều quá. Hôm trước tôi bắt nó chạy về nhà hái ổi mang sang cho tôi ăn. Tôi bắt nó nhặt rau, quét sân, nhưng phần nó nhận được chỉ là tôi cho nó chơi cùng với con búp bê bằng nhựa, bố tôi đi công tác mua về hôm trước. Nó chơi được một lúc, tôi chạy lại đòi.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

“Na gánh cỏ đi, đâu phải của tớ mà bắt tớ gánh hoài, tớ cũng thấy nặng lắm chứ!”. Quỳnh bỏ gánh xuống, cái nặng làm nó chẳng thiết chiều lòng tôi. Cơn giông đằng xa vừa tới, mây đen giăng kín bầu trời. Tôi biết lúc này chẳng có cớ gì bắt nạt Quỳnh được nữa. Tôi cố sức thi gan với gánh cỏ nặng, bước được vài bước thì quang gánh bị đứt. Tôi bất lực ngồi khóc lần thứ hai.

Cả đoàn gánh cỏ vì tôi mà dừng lại. Chúng nó cho tôi gửi mỗi đứa một ôm cỏ trên quang gánh của chúng. Tôi và Quỳnh lững thững theo sau, không còn mếu máo, bởi trên vai có còn nặng nhọc gì đâu. Tôi nắm tay Quỳnh và bảo: “Lần sau cứ sang nhà tớ, tớ cho Quỳnh chơi búp bê của tớ chừng nào thấy chán thì thôi”. Quỳnh gật đầu cười, vui lắm! Nhưng sau ngày hôm đó, Quỳnh chẳng sang nhà tôi thêm một lần nào nữa. Đêm ấy, Quỳnh theo bố mẹ vào Nam, đi biệt tăm, chẳng bao giờ gửi thư cho tôi lấy một dòng tin tức.

Tôi thỉnh thoảng có nhớ tới Quỳnh, nhưng tôi lại quên ngay khi hòa vào trò chơi bêu nắng cùng đám bạn lố nhố, đủ mọi lứa tuổi. Hơn tôi một, kém tôi hai, bằng tuổi tôi cũng có một vài đứa. Chúng tôi không phân biệt chị em, mà tất cả đều gọi nhau là bạn cho thân thiện, dễ gần.

Bên bờ rào giậu thưa, chúng tôi bắt chuồn chuồn cho cắn rốn tập bơi. Chuồn chuồn cắn nát rốn rồi mà chẳng đứa nào biết bơi dưới ao đình nước trong veo trong vắt. Chán tập bơi, chúng tôi nhảy dây, chơi ô ăn quan. Dây giăng tới mang tai tôi cũng nhảy qua được. Chán, khi chẳng thể chăng dây cao hơn được nữa, chúng tôi quấn vào, vứt dây nằm cuộn tròn một chỗ.

Chúng tôi chuyển qua chơi ô ăn quan. Nhà cái Hà “giàu sụ” những viên sỏi, nhà cái Huyền “nghèo rớt” phải vay sỏi để rải dân. Chúng nó cãi nhau rồi vứt cả “dân” với “quan” nằm lăn lóc trong vạch kẻ ô trên con đường đất. Chúng tôi khúc khích, rủ nhau tết dây từ sợi rơm vàng ngày mùa để mắc võng, hóng gió mát bên lũy tre xanh.

Bao mùa trôi qua nhanh, cây chanh trong vườn nhà tôi trổ hoa, ra được mấy lứa quả. Lũ bạn đến nhà chơi, hái chanh vắt hòa với nước đường, uống vào buổi trưa hè cho đỡ khát. Lá chanh có mùi thơm mát, mải ngắt lá chanh cho bà đun nước gội đầu mà tôi đã từng bị gai đâm vào ngón tay chảy máu.

Giờ đây, tôi đã đi qua bao năm tháng cuộc đời, nhưng vẫn nhớ từng câu chuyện bà kể, từng trò chơi thơ bé. Có một nghịch lý: Ai cũng mong mình trưởng thành, nhưng khi lớn khôn rồi lại ước mong mình bé lại, để được sống với tuổi ấu thơ êm đềm.

Sau này, dù lớn lên nhưng giấc mơ xưa tôi còn nhớ mãi. Vật đổi sao dời, vất vả tính toan, có lúc tôi chỉ thèm vục đầu vào chiếc gối êm, tìm lại giấc mơ hiền ngày nào mà ngụp lặn trốn tìm trong đó. Tôi biết, đôi khi đã đủ trưởng thành, bước qua bao chông gai, vấp ngã, tôi nhận ra nước mắt có vị mặn mòi; cuộc đời không như những giấc mơ xưa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ