Giấc mơ vườn hồng

GD&TĐ - Gần 50 tuổi, ông Nam mới có dịp tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức ở Anh.

Giấc mơ vườn hồng

Lớp học được tổ chức tại một trung tâm ngoại ngữ gần quảng trường Trafalgar, một địa điểm lịch sử của London. Khi mới sang, ông rất háo hức nhưng sau một tháng bắt đầu thấy nản.

Dẫu biết giỏi tiếng Anh bây giờ sẽ thuận lợi rất nhiều cho công việc và cuộc sống, rồi cũng tự nhủ “cứ học được bao nhiêu thì học, ít nhất cũng làm gương học nữa, học mãi cho con cháu noi theo” mà “vào cuộc” nhưng ông Nam vẫn thấy khó quá.

Dù ông đã rất cố gắng mà cứ “hai chữ vào, một chữ ra” phập phà phập phù. Nhiều lúc, ông thấy hình như mình sai lầm, học không vào trong khi ở nhà bao việc. Nhiều đêm không ngủ được, mắt trũng sâu, bạn bè thấy vậy cũng lo cho ông.

Ngược lại với việc học, nhiều chuyện ở xứ sở sương mù này lại rất hấp dẫn ông Nam. Từ hệ thống giao thông công cộng chằng chịt và tiện lợi đến những viện bảo tàng “lóa mắt” bởi sự hoành tráng đậm chất văn hóa của bao vùng trên thế giới.

Từ lối sinh hoạt có vẻ “phớt ăng lê” mà rất văn minh của mọi người khi đến những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ hát rong dưới gầm cầu vượt, nơi góc phố. Rồi chợ đồ cũ London cũng hay thật là hay.

Gần nơi ông Nam ở là Battersea Park, mênh mông thảm cỏ xanh rờn với những hàng cây cổ thụ, những quán cafe mang phong cách khá cổ điển. Ông đặc biệt thích và đã chụp rất nhiều bức ảnh ngôi chùa Hòa Bình (Peas Pagoda) do người Nhật xây dựng gần trung tâm công viên từ năm 1924 với những luống hoa hồng cổ nhìn không chán mắt.

Những chiều Chủ nhật tha thẩn công viên, nhìn người lớn dắt chó đi dạo, trẻ em phơi nắng, nô đùa với hàng đàn chim bồ câu bay lên đáp xuống dập dờn, ông Nam chỉ mong lúc đó có vợ con ở bên cạnh. Ông nhớ nhà đến nao lòng.

Trung tâm ngoại ngữ ông Nam học không lớn nhưng gọn gàng với mấy dãy nhà hai tầng quây lấy một khu vườn xinh xinh, trồng hoa hồng được tỉa tót cẩn thận. Cạnh trung tâm là một công viên nhỏ, trong đó có mấy cây phong cổ thụ, thân xù xì cùng mấy ngôi nhà cổ nhỏ nhắn, xinh đẹp.

Ông đã chụp bao nhiêu là ảnh và được đăng trang trọng trên báo quê nhà. Mấy đứa trong lớp thường rủ nhau ra công viên này mở gói bánh/cơm mang từ nhà đi cùng ăn, rồi đánh bài hoặc lăn ra ngủ. Hôm đó, lớp có bài progress test (kiểm tra sự tiến bộ) cuối tuần, nhưng ông Nam chỉ làm được hơn một nửa.

Ăn trưa xong, ông Nam định chợp mắt mà cứ trằn trọc mãi. Mấy bạn trẻ đánh bài bên cạnh hò hét ầm ĩ. Đang chập chờn, vẩn vơ, bỗng ông thấy một người đàn ông cao lớn, râu rậm đi đến.

Trông ông ta rõ là một người làm vườn thời cổ, trên tay cầm cái kéo lớn. Ông ta mặc cái áo làm bằng một vuông vải dày gấp đôi, khoét lỗ ở nếp gấp để chui đầu qua, choàng ra ngoài cái áo sơ-mi dài tay, màu cháo lòng nhưng khá sạch sẽ.

Bên dưới là cái quần chẽn mà không quá chật, ngang lưng buộc hờ hững sợi thừng thô. Người đàn ông dận đôi giày da đế gỗ cao, khóa chéo trùm qua mắt cá. Con người đàn ông này toát ra vẻ khỏe mạnh của người lao động nhưng phóng khoáng, không có vẻ gì của người lam lũ.

Người đàn ông tự nhiên ngồi xuống cạnh ông Nam, vui vẻ bắt chuyện. Ông Nam vận dụng hết vốn tiếng Anh cả ngôn ngữ cơ thể và thấy vui vui vì có vẻ hai người cũng có thể hiểu nhau.

Đại thể, ông ta cũng hiểu ông Nam có bố là cựu chiến binh, là dũng sĩ diệt Mỹ, một nông dân “đặc sệt” ở một miền quê Bắc Việt Nam, nhưng về già rất thích trồng hoa hồng. Ông Nam thì biết ông ta là người làm vườn giúp việc cho gia đình một vị tướng hải quân tài danh đã nghỉ hưu. Việc chính của ông ta là chăm sóc vườn hồng.

Bỗng nhiên, ông Nam cảm thấy hương hồng thơm ngát lan tỏa khiến ông nhớ đến người cha già nơi quê nhà yêu dấu. Nghe ông Nam tâm sự về khó khăn khi học tiếng Anh, người làm vườn khuyên: “Lúc nào khó khăn thì cứ nhẩm “I can do it” là sẽ thành công”.

Rồi người làm vườn chia tay ông Nam để “đi làm việc tiếp”, không quên giơ ngón tay cái kèm theo cái nháy mắt thân tình. Đã đến giờ vào lớp, mấy người bạn ngủ cũng đã thức dậy, mấy đứa đánh tá lả vừa xong một ván ù.

Nhìn vào chỗ người đàn ông ngồi lúc nãy thấy rõ hai mảng cỏ xẹp xuống, hằn vết ngồi, sờ tay vào vẫn còn cảm thấy hơi ấm. Hương hoa hồng còn thoang thoảng đâu đây mà người đàn ông đi hướng nào ông Nam cũng không rõ nữa.

Dù rất lạ nhưng ông Nam không dám nói với ai. Trước đấy có bạn trong lớp đã nghĩ ông bị trầm cảm, giờ nói ra có khi bọn chúng nghĩ mình thần kinh cũng nên.

Hằng ngày, ông bí mật ra đúng vị trí hôm trước gặp người đàn ông lạ, có khi sớm, có khi trưa, có lúc chiều nhưng không hề thấy bóng dáng ông ta lần nào nữa.

Nhưng khi đến lớp, lúc nào ông cũng cảm thấy mùi hoa hồng thơm ngát, rất dễ chịu. Ông Nam thích đến lớp hơn. Mỗi khi không hiểu, không nhớ bài, ông tập trung cao và lẩm bẩm “I can do it! I can do it” như người đọc kinh niệm Phật vậy.

Kết thúc khóa học, ông Nam đạt ba điểm B2, một điểm B1, thuộc tốp đầu của lớp. Mọi người rất thắc mắc, không hiểu động lực nào giúp ông bứt phá trong nửa cuối khóa học, biết giải thích thế nào đây? Ngày liên hoan cuối khóa, lớp góp tiền làm nem rán, mua rượu vang về ăn uống tưng bừng.

Ông giáo già yêu quý cùng vui với lớp đến tối muộn. Ông kể nhiều chuyện rất thú vị về nước Anh, về London và khuyên mọi người còn thời gian nên tranh thủ đi thăm những địa danh nổi tiếng ở mảnh đất sương mù này. Ông Nam rất chăm chú nghe ông giáo kể về trận chiến Trafalgar, về Peas PagodaBa, về những nét văn hóa đặc trưng của Anh quốc.

Người ông bỗng nổi gai lên khi nghe ông giáo kể rằng: “Các bạn rất vinh dự được học tại chính mảnh đất, nơi một vị tướng hải quân tài ba của Anh từng sống. Nơi này, xưa là một vườn hồng rất đẹp và quý mà vị tướng này cho trồng sau khi chỉ huy trận đánh thắng lợi nhưng cũng cướp đi bao sinh mạng của cả hai bên.

Có người kể rằng, bây giờ đôi khi vẫn nhìn thấy vị tướng đi lại nơi đây, nâng niu những bông hồng xinh xinh trong những đêm trăng thanh gió mát. Bên cạnh vị tướng là người giúp việc vốn là lính của ông.

Người giúp việc rõ là người xưa với trang phục rất đặc trưng: Một cái áo làm bằng một vuông vải dày gấp đôi, khoét lỗ ở nếp gấp để chui đầu qua, choàng ra ngoài cái áo sơ-mi dài tay, màu cháo lòng nhưng khá sạch sẽ; bên dưới là cái quần chẽn mà không quá chật, ngang lưng buộc hờ hững sợi thừng thô. Ông ta dận đôi giày da đế gỗ cao, khóa chéo trùm qua mắt cá chân…”.

Trước ngày về nước, ông Nam đến Battersea Park chụp thêm vài tấm ảnh. Thật may mắn khi tấm ảnh chụp ngôi chùa Hòa Bình của ông có được ánh sáng đẹp nhất của ngày cuối Đông, đầu Xuân cạnh hàng cây bắt đầu lấm tấm chồi non. Ngôi chùa nổi bật giữa trời xanh như một biểu tượng kết nối Á - Âu mà ai đó đã chủ tâm dựng lên sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất.

Mỗi khi nhìn lại bức ảnh chụp ngôi chùa Hòa Bình, bao ký ức lại ùa về trong ông Nam, có những điều thật rõ ràng nhưng có những điều vẫn mơ hồ, bảng lảng mà đều vô cùng dễ chịu. Ông lẩm bẩm một mình, đã sang 2023 rồi, vậy là chỉ còn một năm nữa Peas Pagoda tròn một thế kỷ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ