Tản văn Bông lau hiu hắt chiều Đông

GD&TĐ - Chẳng biết từ bao giờ, hoa lau theo người về làng, xuống phố, không phải để làm gối, làm đệm như thời đói khổ xa xưa...

Hoa lau nở, giới trẻ lại háo hức đi chụp ảnh cùng những triền lau trắng. Ảnh: ITN.
Hoa lau nở, giới trẻ lại háo hức đi chụp ảnh cùng những triền lau trắng. Ảnh: ITN.

“Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc đang tàn, đang phai. Dường như có vài thứ giống vậy, như mùa Thu, pháo hoa, giao thừa, tiếng chuông chùa… lúc đẹp là lúc mất. Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên đẹp”. (Nguyễn Ngọc Tư)

Con đường từ nhà đến cơ quan, ngày bốn bận đi về. Có thể vì tấp nập người xe trong dòng đời mưu sinh hối hả hay guồng quay công việc, có thể vì nỗi lo đến cơ quan đúng giờ, cũng có thể vì tâm trạng bực bội vì những chuyện nào đó mà ít khi để tâm quan sát.

Hôm nay về muộn, xe lại thủng xăm giữa đường, dắt xe đi trên quãng đường quen thuộc, tâm trạng bất an. Bỗng dịu lòng, bâng khuâng trước những bông hoa lau bên sườn đồi đang lặng lẽ khoe sắc đung đưa trong cơn gió se sắt chiều Đông.

Thuở ấy, nông thôn mới chưa về tới ngõ, việc làm nông vẫn chủ yếu nhờ sức kéo của trâu bò. Con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhà nhà đều có một vài cơ nghiệp như thế nên Tết đến đều lo tích trữ rơm cỏ để trâu được có Tết như người. Mỗi chuyến đi dài cả buổi mới có được bó cỏ lau lách.

Có phải vì phương tiện thô sơ mà thấy đường ngái bái xa? Có phải rừng núi còn nguyên sinh chứ chưa phá đi để trồng cây nguyên liệu nên lau lách còn nhiều, vẫn còn cảm giác rờn rợn?

Anh chị thanh niên cùng rủ đám trẻ choai đi từng đoàn đông vui. Người làm nhanh giúp người chậm, cứ thế hết rừng gần đến rú xa, ai cũng tranh thủ cắt càng nhiều càng tốt, bởi ra Giêng ngày rộng tháng dài…

Những câu chuyện tiếu lâm, những tiếng cười giòn tan buổi đi cỏ Tết trong cái lạnh căm căm cuối năm giờ chỉ còn dĩ vãng. Những vết đứt trên tay vì lá cỏ lau lách sắc đến gai người cũng đã liền sẹo mà ký ức vẫn vẹn nguyên.

Con người dần lớn lên và có nhiều đổi khác. Nhưng cỏ lau vẫn thế, qua mấy mùa Đông buốt giá, vẫn điềm nhiên đón nhận tất cả những gì khắc nghiệt nhất để vươn lên giữ mãi nét hồn quê thuần hậu, thanh bình. Cỏ lau thủy chung với núi đồi lô nhô đá sỏi như những người dân quê.

Dẫu sống trong thiên tai bão lũ triền miên, vẫn quyết tâm bám lấy mảnh đất thiêng liêng mà ông cha đã bao đời gây dựng. Đôi khi như những buổi chiều này, chợt muốn thêm một lần nữa được trở về thời thơ dại, sống hồn nhiên và vô tư như những cỏ lau đồi núi quê nghèo.

Tuổi thơ ở làng quê xưa quá quen thuộc với hoa cỏ lau. Cắt cỏ, chăn trâu lang thang đồng bãi, đi đâu cũng đụng mặt cỏ lau. Nhớ thuở bé, lũ trẻ quê còn lấy ngọn cỏ lau chơi trò đánh trận giả, học theo trong sử sách về tuổi thơ của vị hoàng đế đất Hoa Lư. Đứa nào cũng muốn làm tướng, chẳng ai chịu làm lính nên có khi phải oẳn tù tì. Lũ con gái thì bẻ thân dưới thành từng bó bằng chằn chặn, thêm một quả cà pháo để chơi trò đánh thẻ không biết chán. Cứ thế, hoa lau bám bíu vào tuổi thơ cùng nắng, cùng gió, cùng bao mùa nhớ nhẹ nhàng mà khó phôi phai.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Hoa lau tương truyền gắn với câu chuyện tình đầy bi thương. Có đôi tình nhân nọ bị cản trở vì không môn đăng hộ đối, phải trốn nhà dắt nhau vào chốn thâm sơn. Có được tình yêu, nhưng nghèo túng, quẫn bách, khiến chàng trai đành gạt nước mắt bỏ vợ lại nhà tha phương kiếm tìm sự nghiệp.

Cuộc ra đi ấy không ngờ lại là lần chia tay vĩnh viễn. Cô gái ngày ngày chờ đợi mỏi mòn cho đến lúc chết hóa thành loài cỏ lau thân mong manh nhưng sức sống mãnh liệt. Nhưng với dân quê mình, hoa lau lại báo hiệu của niềm vui. Kinh nghiệm của cha ông cho thấy khi những bụi lau ven đồi nở hoa, cũng là lúc người làng bắt đầu xuống vụ gieo trồng, họ tin rằng, lau đã nở đồng nghĩa với chấm dứt mùa mưa bão.

Lau chỉ nở hoa khi tiết trời se lạnh. Và lúc đó không khí lạnh sẽ tạo nên một “bức tường” chặn đường đi của những cơn bão.

Lúc mới nở, bông lau thường có màu trắng tinh khôi như bông tuyết khô, như đám mây nhỏ. Khi già, dần chuyển sang màu vàng sẫm. Dáng lau cũng mang theo chút gì đó phong trần, càng về già càng cứng cáp hơn và mất đi sự yểu điệu như hồi mới trổ bông.

Vòng đời của hoa cũng như nhiều cây dại khác. Đầu mùa Đông, bông nở rộ. Tới cuối mùa, gió cuốn hoa đi để lại hạt rụng xuống đất. Tới đầu mùa Xuân, hạt cỏ lại nảy mầm và trở thành cây lớn nở hoa vào mùa năm sau. Chắt cỗi cằn mà lớn, dầm mưa nắng mà trổ bông; lau không bao giờ đứng riêng lẻ mà đoàn kết, thủy chung. Lau cho ta bài học đơn sơ mà triết lí. Muốn vượt qua những gian khổ, khắc nghiệt phải tụ lại bên nhau.

Hoa lau cũng nhắc về sự chập chờn mong manh của kiếp người, về lẽ tồn sinh. Một trong những nơi quần cư sinh tồn của lau là góc nghĩa địa làng. Bên những ngôi mộ, bao cành lau phất phơ ẩn hiện. Lúc này, lau lặng lẽ cúi đầu như mặc niệm. Mỗi bông lau là sự hiện linh của một cô hồn. Lau túc trực để đón đợi, an ủi, lau khô những khổ lụy, rồi tiễn đưa những cô hồn vào cõi hư không bằng cái vẫy tay nhẹ nhàng, phơ phất…

Chẳng biết từ bao giờ, hoa lau theo người về làng, xuống phố, không phải để làm gối, làm đệm như thời đói khổ xa xưa mà được trưng bày trong những bình hoa bằng gốm tinh xảo, bày biện ở những nhà hàng, cửa hiệu như một nét đẹp trừu tượng của mùa Đông.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, cứ dịp Đông về, hoa lau nở, giới trẻ lại háo hức đi chụp ảnh cùng những triền lau trắng để khoe đầy trên Facebook. Phải chăng vì người ta muốn lưu giữ chút tình khi Đông sang hay bởi muốn bông lau trắng muốt là nhân chứng lưu giữ kỉ niệm đẹp. Cảm giác bồng bềnh, chếnh choáng như lạc giữa những đám mây vờn quanh của khóm bông lau cao ngấp nghé đầu người khiến người ta ngỡ như đi lạc vào cổ tích xa xăm…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một binh sĩ quân đội Nga.

300.000 lính tình nguyện Nga tham chiến

GD&TĐ -Bộ Quốc phòng Nga mới đây thông báo rằng, hơn 300.000 binh lính đã ký hợp đồng tự nguyện để tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.