Điện thoại của nội vừa gọi tôi về quê chơi. Ăn canh bần nấu cá ngát, cái món khoái khẩu của tôi. Mà canh chua này đặc biệt là chính tay nội nấu bằng chính trái cây bần của nội, cái cây bần già ngay sàn lảng nước mé sông nhà nội tôi mới chịu.
Từ đầu mùa bần hồi tháng Tư tháng Năm, nội kêu về quê chơi. Tôi hẹn lần hẹn lữa vì bận việc. Nhưng hôm nay nghe nội nói: Mùa này mưa nhiều, năm nay lại có giông. Cây bần ổi yêu quý (bạn thân của tôi) đã bị gãy sau trận mưa to nhiều sấm sét và gió quật, để lại những quả bần vừa chín tới cùng những hoa và trái xanh non tả tơi trên cây.
Tôi vội sắp xếp công việc và thứ Bảy này tôi lại về bên nội, để được nghe nội kể chuyện đời xưa, đời nay, để được ăn canh chua bần cá ngát của nội nấu, để được ngắm nhìn ánh mắt, dáng nội yêu thương, để được hòa vào thiên nhiên một vùng trời sông nước yên bình mà quên đi bộn bề cuộc sống.
...
“Ủa! Sao kỳ vậy nội? Cây bần là loại cây giữ đất chống sạt lở chống bão mà?”
“Ờ ! Thì đúng vậy. Nhưng trên vũ trụ này có sinh thì phải có diệt, không có gì trường tồn mãi mãi... Vả lại, cây bần là loại cây thân xốp. Tuy rễ nó ăn sâu vào bùn bám chặt vào lòng đất thì cũng không vì vậy mà nó không hư gãy hay chết đi”... im lặng, thoáng chút bùi ngùi. “Tuổi của một cây bần bình thường khoảng hai mươi hai mấy năm thôi. Mà con xem cây bần này đã ba mươi năm rồi. Trước khi chết đi, nó đã có bao nhiêu mùa hoa trái.Trái chín già tự rụng xuống theo nước rã ra phát tán hạt đi khắp nơi nơi. Có thể những cây bần nhỏ kia: Xa có, gần có là phân thân của cây bần này đây”.
“Dạ...”
...
Tôi vừa cất hành lý xong thì chú út cũng vừa về tới.
Chú út tay xách nách mang giỏ, rổ... Trong rổ còn có con cá ngát to - loại cá đặc biệt của vùng sông nước quê tôi. Chú út tươi cười: “Biết hôm nay bây dìa chú mang con cá về để nội nấu canh chua cho bây nè”.
Tôi đỡ tay chú phụ mang giỏ xuống đất. Và tôi vui mừng sướng rơn vì còn có cả bông súng, bông điên điển, kèo nèo, rau nhút, bắp hoa chuối các loại rau ngò gai, ngò om, không thiếu những quả ớt hiểm xanh đỏ...
Nội đã vào bếp, chú út cũng phụ nội làm. Riêng tôi cứ loay hoay sẫn bẫng bên nội hết nhìn tới hỏi để được nghe nội kể chuyện.
...
“Cũng cây bần này đã mang biết bao lợi ích cho gia đình mình và cả xóm mình nữa đó con à”.
Tôi cứ mắt tròn mắt dẹt nghe âm giọng thanh tao của nội đều đều từ tốn chậm rãi cất lên:
“Chú út bây nè. Cũng mấy lần trật chân, bong gân, đau vai vì đi mần ruộng đó. Nội giã nát lá bần non với ít muối đắp lên hay bó lại. Vài hôm là đã khỏi”.
Chú út thêm vào: “Ờ, đúng đó con. Cái lá đọt bần này như thần dược vậy. Đắp vô chổ bong trật gân mau khỏi lắm. Còn nữa nha bây; bà con lối xóm ai bị vết thương bầm ứ máu hay bị chảy máu nội bây cũng giã lá bần đắp hiệu quả lắm nghen”. “Cả xóm này nhờ cây bần và bà nội bây nhiều lắm đó...”.
Nội cười hiền. Lửa bếp củi bập bùng khi lớn khi nhỏ nhảy múa lung linh soi rõ gương mặt phúc hậu của bà...
“Ở đời. Giúp ai được gì thì cứ giúp. Cuộc sống của con người hay cây cỏ đều có giới hạn nhất định. Nhưng không phải là sống nhiều hay ít. Mà là sống sao có ích cho mọi người từ gia đình lan tỏa ra ngoài xã hội. Cái cây mà nó còn cống hiến cho đời huống là con người!”
...
Nội nhìn tôi trìu mến:
“Cũng như vạn vật tự nhiên. Cây trước khi hủy diệt còn gieo khắp nơi mầm xanh mới để cống hiến cho đời. Mai này nội cũng vậy, nội ra đi về cõi vĩnh hằng thì nội cũng để lại sự yêu thương cho mọi người và trong máu thịt của các con, các cháu của nội đây! Nội không bao giờ mất đi mà vẫn còn mãi đó thôi”.
Tôi hiểu. Nhưng sao khóe mắt cay cay. Không gian trầm xuống.
“ Nội...Nội...”
“ Gì đó con?”, giọng nội ấm áp đầy sự che chở.
“Con...”, tôi muốn nói “Con thương nội”, mà không thành lời.
Nội nhìn tôi âu yếm: “khói quá hả con?”
...
“Xong rồi đây! Dọn ăn thôi tụi con...”
Nồi canh chua cá ngát nấu cùng trái bần thơm phưng phức với các loại rau nêm, có cả nồi cá kho trái bần nữa... Nội nói ngày mai nội sẽ trộn gỏi khô cá sặt với trái bần cho tôi ăn cho đã thèm. Mai này xa quê không được ăn các món đặc sản như vầy đâu.
Vừa ăn cơm chúng tôi vừa ôn lại những kỷ niệm xa xưa. Nào là ngày tôi còn bé hay ra ngoài cây bần ngồi lúc chiều xuống cũng chỉ vì hoa bần chỉ nở buổi chiều. Hoa bung ra từng chùm hai, ba hoặc bốn nụ ngay đầu cành. Tung từng sợi trắng xóa được nâng đỡ bằng đài hoa xanh ngắt màu lục bên trong lại hồng phơn phớt tím. Vừa đẹp vừa thơm dìu dịu mùi sữa hòa quyện mùi vị chua đặc trưng của trái bần.
Và có những lúc bọn trẻ con lại xúm xít lại hái ăn ném rượt đuổi...; có khi ăn không còn trái chín chúng tôi hái luôn trái còn non chấm muối ớt ăn mà hãy còn ngon, vị còn thấm đến tận bây giờ.
...
Chúng tôi xa quê mỗi người một ngả, thỉnh thoảng cũng nghe tin nhau. Nhưng cũng rất ít khi gặp nhau như xưa...
Miên man theo dòng thời gian chảy... Nội nấu cơm canh ngon quá tôi ăn hoài. Nội nhắc nhở: “Con à ăn vừa đủ thôi. Vì trái bần có chứa acid không nên lạm dụng ăn nhiều quá cũng không tốt nghen con”. Thương nội quá.
Ảnh minh họa ITN. |
Ngoài cổng rào tiếng bác Tám gái. Người hàng xóm của nội đang gọi chú út.
Bác qua nhờ nội tôi giúp bác đắp lá bần non giã với muối vào bụng dưới của mẹ bác để trị bệnh bí tiểu (vì nội mát tay, cả xóm đồn như vậy).
Sau khi xong việc, bác nghe tin cây bần nhà nội tôi bị gãy, sẵn tiện bác Tám lại mang hoa bần (trị bệnh tiểu đường) và trái bần mang gửi cho các cô chú trong xóm.
Ngày trở về Sài Gòn làm việc, nội còn đặc biệt gói ghém cho tôi hũ mắm Nội tự tay làm cùng với vài trái bần to ngon nội cất riêng cho tôi.
Tạm biệt nội, chú út và quê nhà. Tôi mang theo trong lòng tình thương yêu của nội bình dị ấm áp mà bao la. Và luôn nhớ những lời nội dạy dỗ “Làm người phải hiếu nghĩa, biết giúp người giúp đời. Sống sao để khi ta không còn thì đời này vẫn còn có người nhớ đến ta” và rồi: “Bây làm gì thì làm nhưng phải nhớ quê hương. Sắp xếp được thời gian bây nhớ về thăm nội, thăm quê nghe không?”.
Con lại sẽ về thăm nội, thăm quê để còn được ăn món ngon nội nấu. Còn quây quần bên bếp lửa nội nhóm và lại nghe nội kể những câu chuyện xưa, chuyện nay không có hồi kết của nội, nội nghen.