Tản mạn cuối năm của chàng thi sỹ dưới chân núi Ba Vì

GD&TĐ - Gia đình là nơi mỗi người sinh ra và lớn lên, là nơi có những người để yêu thương, gắn bó... Đây cũng là nơi nuôi dưỡng thể chất và tâm hồn, là nơi để trở về, và đó chính là “Nhà”.

Tản mạn cuối năm của chàng thi sỹ dưới chân núi Ba Vì

Trên cõi đời này, thật may mắn cho ai có được cả nhà và gia đình! 

Tuy nhiên, cuộc sống mỗi người lại khác nhau, dòng đời xô đẩy, hối hả với nhiều ngã rẽ, có những thời điểm người ta phải đối mặt với quá nhiều chông gai. Trước những trở ngại này, ngôi nhà và gia đình đôi khi trở thành quá xa xỉ và rồi phải bươn chải, trôi dạt về một nơi xa lạ. 

Những câu thơ man mác buồn nhưng không bi lụy nói lên nỗi lòng của chàng thi sỹ ngập tràn ý thơ:

“Tôi vừa khảo sát nỗi buồn

từ trong tâm tưởng tự mường tượng ra

niềm đau bất tuyệt dung hoà

vào trong nỗi nhớ tự tra cứu mình

tôi vừa phác họa dáng hình

những ngày vô tận mang minh chứng buồn”

(Đào Mộc Lim)

Tết này anh ở lại Ba Vì, ở lại miền đất mới một mình để trải nghiệm cũng như thể hiện một sự gắn bó tương lai với mảnh đất này. Chẳng ai muốn những ngày Tết còn lang thang nơi đất khách quê người cả, nhưng anh quyết định coi đây là nhà, là quê. Vì thế, muốn gắn bó nơi này không gì khác, là tận hưởng xuân ngay tại đây. 

Bây giờ, nơi gọi là Nhà chính là nơi mà trái tim anh neo đậu, là nơi mà trái tim cảm thấy ấm áp, là nơi mà mỗi đêm anh được sống là chính mình, là nơi được nương tựa yêu thương. Dẫu chỉ là một mình nhưng để có được, cũng là nhờ ân hưởng của những tấm lòng thơm thảo, chở che, bao dung và nâng đỡ. 

Một mình, vâng! Sự cô đơn nhưng không cô độc sẽ không khiến người ta gục ngã, nó chỉ khiến người ta mạnh mẽ và tự lập hơn nếu như còn mong muốn tồn tại. Anh không ngần ngại cô đơn, mà nó như một phần tất yếu trong đời sống những ngày thơ bé.

Anh lớn lên bên cạnh nỗi buồn, mất mát và điều đó làm cho chàng thanh niên ấy trưởng thành hơn và chấp nhận mọi chông gai, thử thách trong đời sống này. 

Chiều nay anh vừa nhận được tin nhắn của bạn, bạn nhắn bố bạn vừa mất. Bạn và gia đình đã chuẩn bị tinh thần trước cho việc này nhưng sự ra đi của một người thân trong những ngày cận Tết luôn khiến nỗi buồn và sự mất mát nhân đôi. Biết lúc này bạn rất buồn nhưng sự ra đi này lại là sự giải thoát cho ông khỏi những đau đớn mà bệnh tật đã dày vò suốt thời gian qua.

Con người ta mất đi, không có nghĩa họ sẽ bị xoá đi mọi sự hiện diện trong đời sống này. Họ chỉ tiếp nối một đời sống khác, một đời sống ngay trong tâm tưởng mỗi người đang sống và nghĩ về họ. 

Chỉ khi nghĩ được như vậy chúng ta mới thấy sự sinh tử chỉ là một điều tất yếu khi chúng ta đến và đi trong đời sống này. Vậy điều gì quan trọng trong đời sống này? Đó chẳng phải là điều chúng ta sống như thế nào với bản thân và những người xung quanh, để một mai nhẹ bước ra đi, những điều chúng ta để lại là những điều tốt đẹp trong tâm tưởng của những người ở lại.

Chúng ta luôn có xu hướng chia sẻ niềm vui và chịu đựng nỗi buồn. Vậy tại sao chúng ta không làm cho nỗi buồn trở nên đẹp đẽ và lưu giữ nó như những kỷ niệm của riêng mình để nó không còn là sự chịu đựng mà là sự riêng tư?

Niềm vui hay nỗi buồn trở nên tiêu cực hay tích cực đều do góc nhìn của mỗi chúng ta mà thôi. Những người còn sống và những người đã chết, họ tồn tại hay không đều do những gì họ đã và đang để lại trong đời sống này với mọi người xung quanh mà thôi.

Dẫu thế nào, thì mùa Xuân đang về, tạm gác nỗi buồn, tạm rời phiền muộn, hãy tận hưởng tiết trời tuyệt đẹp mưa bay:

“Lạnh lòng một chạp còn thương

Giêng hai gió bấc mưa phùn đón Xuân”.

(Đào Mộc Lim)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.