Tôi còn nhớ, thời còn nhỏ, chúng tôi chỉ khấp khởi chờ Tết vì có quần áo mới và tiền mừng tuổi, mà không quan tâm giá trị mừng tuổi nhiều ít thế nào. Hết 3 ngày Tết là tụi trẻ lại “nộp” hết tiền mừng tuổi cho bố mẹ, hoặc có đứa khôn ngoan hơn thì đòi cho vào lợn đất. Tết xưa, dù thiếu thốn đủ bề, nhưng lại hân hoan, vui mừng, vì đó là thời gian được gặp gỡ họ hàng, được ăn món ngon, được nghỉ làm, nghỉ học…, với bọn trẻ được nhận tiền mừng tuổi, với người già được sum vầy con cháu.
Tiền mừng tuổi là phong tục đẹp mang tính biểu trưng của người Việt, đã có từ lâu. Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, cụ Phan Kế Bính đã đề cập đến phong tục mừng tuổi này ở phần “Tết Nguyên đán”: Mùng Một Tết, cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà, cha mẹ, lạy 2 lạy. Ông bà, cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Thời xưa, ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu với ý nghĩa là món quà may mắn đầu năm. Sau này, tiền mừng tuổi được cả người trẻ mừng cho các bậc cao niên, như lời chúc sức khỏe, chúc thọ.
Về bản chất, tiền mừng tuổi không câu nệ nhiều ít, mà mang tính tượng trưng cho sự may mắn, cho lời chúc đầu xuân đối với người già và con trẻ. Mừng tuổi thực sự là món quà tình cảm, là cái “lệ” đẹp mỗi dịp Tết đến xuân về.
Những năm gần đây, với tác động nhiều chiều của nền kinh tế thị trường và cuộc sống công nghiệp, tục mừng tuổi đã mở rộng hơn về đối tượng và cả thời điểm. Những người trong gia đình mừng tuổi nhau, chứ không chỉ mừng tuổi cho trẻ con nữa. Nhiều cơ quan, công ty cũng mừng tuổi đầu năm cho cán bộ, nhân viên. Thời gian mừng tuổi còn được mở rộng cả trước và sau Tết Nguyên đán. Thậm chí, phong tục đẹp này có chiều hướng biến tướng. Nhiều người còn lấy cớ “mừng tuổi” để gửi gắm ẩn ý, hàm ý hoặc mong muốn cá nhân không trong sáng.
Nhiều năm gần đây, tiền mừng tuổi không còn là vài xu, vài hào như xưa nữa, mà giá trị của phong bao lì xì đã cao hơn rất nhiều. Cách mừng tuổi của người lớn cho trẻ con cũng phần nào thiếu đi sự tinh tế xưa cũ. Có lẽ vì thế mà nhiều đứa trẻ hiện đại đã bắt đầu để ý đến giá trị của tiền mừng tuổi. Người lớn cũng ít nói cho trẻ con hiểu ý nghĩa của mỹ tục này, nên trẻ con bây giờ thậm chí còn mở ngay phong bao lì xì ra để xem tiền mừng tuổi là bao nhiêu…
Có lẽ đây là thiếu sót của người lớn chúng ta, khi tự thân nhiều người không còn trọng lễ nghĩa, không còn trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chúng ta đang tham gia vào cuộc sống hiện đại, với những giá trị hiện đại, cả giá trị tốt và xấu, nên phần nào đã nguôi quên, đã không nhắc nhớ, lưu truyền những giá trị văn hóa đẹp cho con cháu sau này?
Mỗi người chúng ta là một phần của quá khứ, là sợi dây nối kết giữa truyền thống và hiện đại. Mong rằng, phong tục đẹp này còn được duy trì với đúng ý nghĩa. Và chúng ta sẽ là những “phong bao lì xì đỏ” để tặng giá trị đẹp cho con cháu.