Đi rừng bước chậm dây quấn bàn chân
Lệ thường núi mọc trông gần đi xa
Tuổi hai mươi đấy, chống gậy như già
Trẻ trai leo dốc hóa ra lưng còng
Đi rừng bạn hỡi chớ ngại đường vòng
Chớ e lối tắt lắm dòng suối sâu
Qua cầu nước dựng chớ đứng trông cầu
Run tay rơi mũ biết đâu mà tìm
Mầu cây, mầu lá chợt hóa trái mìn
Rêu xanh một khoảng lặng im đánh lừa
Nhìn trời đoán nắng, nghe hoẵng báo mưa
Đói lòng ăn trái me chua, khế rừng
Nắng nung cổ khát, bỏng rát da lưng
Muốn tìm mạch nước tới vùng cây xanh
Trăng lên trăng lặn, sao vắng đêm dầy
Thương con đom đóm vẫn bay chỉ đường
Muốn thổi cơm chín bịt kín ống bương
Ngủ đêm rừng rậm võng thường treo cao
Lên đèo gió ướt, gió lướt ào ào
Mồ hôi rơi ngược tan vào trong mây
Xuống khe chống gậy, rát bỏng bàn tay
Vải quấn đầu gối vá dầy, lại khâu
Đi rừng kham khổ nỗi nhớ bền lâu
Mấy ai hiểu hết lòng sâu của rừng.
Nguyễn Đức Mậu
Lời bình của Đặng Toán
Đọc lên nghe đã thấy quen quen, thấy chung chung, đã cảm giác nhà thơ hình như cũng có phần dễ dãi trong việc chọn tên cho đứa con tinh thần của mình?
Và như vậy, chẳng cần phải vòng vo, tác giả đi ngay vào vấn đề mình muốn đề cập. Đó là những kinh nghiệm, những bài học được rút ra từ thực tế cuộc sống. Mà ở bài thơ này, nó là kinh nghiệm trong việc đi rừng.
Đi rừng nên bước chậm kẻo bị dây quấn vào bàn chân. Nên đi đường vòng để tránh những con suối sâu.
Muốn tìm mạch nước phải tới những nơi có nhiều cây xanh. Muốn thổi cơm chín phải bịt kín ống bương. Nhìn trời trông đất, nghe tiếng thú kêu để đoán thời tiết mưa nắng.
Đêm ngủ nên treo cao võng lên đề phòng thú dữ... Đây thực sự là những kinh nghiệm, đúc kết hết sức thiết thực và quý báu mà con người phải trải qua thực tế mới có được.
Ồ! Nếu cứ thuộc nằm lòng những kinh nghiệm trên (mà nó cũng rất dễ thuộc như những câu hát đồng dao), thì đi rừng đâu có gì gian nan nếu không muốn nói là còn thú vị nữa.
Thậm chí, hình ảnh vất vả hơn một chút là leo dốc, thì có vẻ cũng khá dí dỏm: “Tuổi hai mươi đấy, chống gậy như già/ Trai trẻ leo dốc hóa ra lưng còng”.
Những khó nhọc, cực khổ như: “Nắng nung cổ khát, bỏng rát da lưng.../ Xuống khe chống gậy rát bỏng bàn tay”. Những mối nguy hiểm tới tính mạng tuy cũng có: “Mầu cây, mầu lá chợt hóa trái mìn/ Rêu xanh một khoảng lặng im đánh lừa”... Nhưng chúng chỉ thoáng qua. Tất cả dường như cứ đều đều, nhẩn nha dễ làm cho con người ta xao nhãng.
Những kinh nghiệm đúc kết ở trên tuy rất hữu ích song nó lại nhanh chóng trở nên hiển nhiên bởi có thể rất nhiều người biết được điều này. Có vẻ như nhà thơ chỉ là người truyền đạt lại chứ chưa có thêm một phát hiện gì mới. Ngôn ngữ thơ tuy có linh hoạt, dí dỏm nhưng không có câu chữ mang dấu hiệu của sáng tạo nhà thơ.
Tác giả dường như chỉ sắp xếp những kinh nghiệm, đúc kết mang dáng vẻ của những câu tục ngữ, châm ngôn thành những câu thơ theo lối đồng dao dễ thuộc, dễ nhớ... Nhưng tới hai câu kết “Đi rừng kham khổ nỗi nhớ bền lâu/ Mấy ai hiểu hết lòng sâu của rừng” thì lại là một chiêm nghiệm mang dấu ấn của riêng tác giả. Và đó mới thực là thơ.
Tất cả những đúc kết, những kinh nghiệm hay rộng ra là những kiến thức ta có được trong cuộc đời này thực sự chỉ như hạt cát giữa sa mạc. “Mấy ai hiểu hết lòng sâu của rừng”. Mấy ai dám khẳng định mình là một con người thông thái, hiểu biết mọi vấn đề, mọi lĩnh vực của cuộc sống. Một câu kết khá bất ngờ. Bài thơ đã đứng được nhờ ở câu kết này.
Cứ nghĩ là lan man, là tản mạn nhưng kỳ thực những thông tin, kiến thức mà tác giả đưa ra đều hết sức tiêu biểu, có sự nghiền ngẫm, chọn lựa kỹ càng.
Là người trong cuộc nhà thơ thể hiện một thái độ sống tích cực, lạc quan nhưng thực tế mà cũng rất tinh tế, biểu hiện của những con người thông minh, chín chắn biết làm chủ trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống của cuộc sống.