Hướng đi mới cho mỹ thuật Việt

GD&TĐ - Ngày nay, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của con người ngày càng cao, đòi hỏi mỹ thuật phải tìm ra hướng đi với nhiều sáng tạo, đột phá mới. Vì thế, gần đây, mỹ thuật Việt Nam đã có nhiều hoạt động sôi động, tích cực để giao lưu, tiếp cận được với nghệ thuật đương đại thế giới, tạo nền tảng cho sự phát triển nền mỹ thuật nước nhà, từ đó tìm ra hướng đi mới cho nền mỹ thuật Việt.

Hướng đi mới cho mỹ thuật Việt

Mở rộng giao lưu quốc tế

Từ năm mới 2016 tới nay, đã có hàng chục triển lãm giao lưu giữa Việt Nam với các nước Mỹ, Đức, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga… Trước đó, năm 2015, hàng loạt các cuộc triển lãm mỹ thuật giao lưu như giao lưu nhóm họa sĩ Việt Nam - Malaysia - Thái Lan; Triển lãm giao lưu sơn mài Việt Nam - Hàn Quốc; Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam tại Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Singapore…

Đặc biệt là cuộc gặp gỡ hữu nghị giữa lãnh đạo Hội Mỹ thuật ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia vào tháng 12/2015 đã góp phần nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật nước nhà.

Theo họa sĩ trẻ Đỗ Trọng Quý, các hoạt động giao lưu thực sự là “cầu nối” quan trọng giúp cho đời sống nghệ thuật thêm phong phú, góp phần đưa nền mỹ thuật nước nhà phát triển một cách toàn diện hơn, từng bước theo kịp các nước phát triển trên thế giới.

Thời hội nhập và phát triển, quan niệm về nghệ thuật trở nên đa dạng, dân chủ và mở rộng hơn. Nếu như trước đây các nghệ sĩ bị bó hẹp trong những đề tài sáng tác những tác phẩm nghệ thuật phục vụ tuyên truyền thì nay họ được tự do tìm tòi, tự do khám phá cả về chất liệu, nội dung cũng như hình thức thể hiện.

Điều này đã mang đến một luồng gió mới trong sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Những tác phẩm mang phong cách mới, một cách nhìn mới, một hình thức cảm thụ mới ra đời. Nhiều tác giả và tác phẩm của nghệ sỹ Việt Nam đã được đưa đi triển lãm ở nước ngoài. Từ đây, cơ hội giao lưu với các nền nghệ thuật lớn trên khắp năm châu được mở rộng…

Vẫn cần sự đột phá

Theo mục tiêu hướng đến của Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Quyết định 1253/QĐ - TTg ngày 25/7/2014) đã ghi rõ: Phát triển mỹ thuật theo định hướng ưu tiên đầu tư bồi dưỡng nguồn nhân lực, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo điều kiện để các họa sĩ, nhà điêu khắc sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về mỹ thuật, hình thành lực lượng công chúng mỹ thuật ngày càng đông đảo; đưa mỹ thuật Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và từng bước theo kịp các nước phát triển...

Như vậy có thể thấy rằng, giao lưu quốc tế là một trong những hướng đi hiệu quả và trên thực tế, mỹ thuật Việt Nam cũng đã nhìn ra điểm sáng từ việc mở rộng cánh cửa với thế giới. Qua các hoạt động giao lưu văn hóa đã tạo môi trường cho các nghệ sĩ được trao đổi, mở mang và học hỏi, tìm tòi, thể nghiệm.

Theo họa sĩ Lê Anh Vân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, chính nhờ sự đổi mới, mở cửa hội nhập và tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại đã giúp các nghệ sĩ trẻ có động lực để sáng tạo, bởi chính lớp trẻ sẽ là người tiếp thu nhanh nhất. Tuy nhiên, để mỹ thuật Việt có thể hòa nhập với sự phát triển hiện đại, chuyên nghiệp với mỹ thuật thế giới vẫn đòi hỏi một sự bứt phá. Đồng thời, chúng ta cần phải tạo dựng ngay một thị trường thật bền vững cho mỹ thuật Việt Nam.

Hi vọng với nỗ lực của những người yêu nghệ thuật hội họa, với những tác phẩm có chiều sâu, mang nhiều dấu ấn thời đại thời gian vừa qua, nền mỹ thuật Việt đang và sẽ có những bước chuyển để bước đi trên con đường hội nhập và mở cửa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khắp Firozabad, đâu đâu cũng có người bán vòng tay thủy tinh. Ảnh: Bbc.com

Độc đáo nghề lọc vàng từ rác

GD&TĐ - Firozabad (Ấn Độ), 'kinh đô buôn bán vòng tay thủy tinh', xuất hiện một nghề không ai ngờ tới là lọc vàng từ rác sản xuất vòng tay.

Nhân lực ngành cầu đường cần bổ sung để thực hiện mục tiêu từ nay đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000km đường cao tốc. Ảnh minh họa: TG

'Khát' kỹ sư cầu đường

GD&TĐ - Quy mô vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xây dựng. 

Minh họa/INT

Tuyến tùng - 'bé hạt tiêu'

GD&TĐ - Tuyến tùng có kích thước rất khiêm tốn so với bộ não con người, chỉ giống như một quả tùng nhỏ.