Họa sĩ Trần Khánh Chương: Người “xóa vùng trắng” mỹ thuật Việt Nam

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Người “xóa vùng trắng” mỹ thuật Việt Nam

Mới đó thôi, ông còn từ bệnh viện đến chủ trì thành công Đại hội đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2024. Mới đây thôi, ngày nào ông cũng cập nhật và kể chuyện vẽ, chuyện gia đình, chuyện bạn bè đến chơi... trên trang Facebook của mình. Vậy mà nay ông đã mãi mãi đi xa, khi ở tuổi 77...

Ông là họa sĩ Trần Khánh Chương – người từng giữ cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam suốt 20 năm (1999 - 2019). Đấy cũng là 20 năm ông đã bền bỉ góp sức “xóa vùng trắng” của mỹ thuật Việt Nam.

Tiên phong kết nối

Nhớ về người bạn đồng hương Trần Khánh Chương, họa sĩ Trần Từ Thành – giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Việt Nam bảo rằng trong ông dâng lên bao niềm ngạc nhiên đến nuối tiếc. Để rồi, trước mắt, ông vẫn còn đó hình ảnh người bạn tiều tụy vì đang phải điều trị bệnh ung thư đại tràng trong bệnh viện vậy mà vẫn gắng sức đến dự Đại hội đại biểu Hội Mỹ thuật Việt Nam được tổ chức hồi tháng 12/2019. Đại hội diễn ra trong 3 ngày, họa sĩ đã chủ trì đại hội một cách mạch lạc và tâm huyết khi trao lại nhiệm vụ cho người kế nhiệm.

Cũng vì thế, khi nhớ về Trần Khánh Chương là đồng nghiệp, bạn bè luôn nhớ về một vị chủ tịch Hội giỏi về quản lý, giải quyết công việc nhiệt tình, bài bản và luôn được hội viên nể trọng. Đặc biệt, họa sĩ Trần Khánh Chương là người có công đóng góp rất lớn cho việc phát triển phong trào mỹ thuật Việt Nam ngay từ khi ông về Hội công tác – năm 1984. Ông chính là người khởi xướng và tiên phong kết nối để các triển lãm khu vực được Hội xây dựng và tổ chức thành công trong suốt 24 năm (1996 - 2019). Khi đó, phong trào sáng tác mỹ thuật nước nhà không bị bó khuôn ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mà còn tỏa rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước – kể cả các tỉnh, thành vùng sâu, vùng xa ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ...

“Ông là người có công lớn trong việc phát triển phong trào sáng tác mỹ thuật của cả nước. Khi đó, công tác hội viên được đẩy mạnh, số lượng tác phẩm sáng tác tăng cao và các triển lãm thu hoạch được nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng (vì luôn được định hướng sáng tác). Cũng từ đây, ông còn là người tích cực động viên được các họa sĩ lớp trẻ, lớp già đoàn kết có được sáng tác, có được đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật thông qua việc năng tổ chức các chuyến đi thực tế cho hội viên” – họa sĩ Trần Từ Thành nhấn mạnh.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã nhắc đến những “vùng trắng” của Hội Mỹ thuật Việt Nam trong những năm 1990 và nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của triển lãm khu vực khi được Hội tổ chức từ năm 1996 đến nay để “xóa” những “vùng trắng đó”. Trong đó, là người đứng đầu Hội, họa sĩ Trần Khánh Chương là người có đóng góp rất lớn trong việc tạo ra mặt bằng mỹ thuật rộng hơn trên cả nước. Ông đã tạo được cách thức hoạt động đa dạng, đồng hành cùng các nghệ sĩ, tạo điều kiện để các họa sĩ được sống và làm việc tại chỗ, không phải tập trung về các thành phố lớn mà vẫn hoạt động sáng tạo hiệu quả, phát triển chuyên môn. Bởi vậy, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận định: “Mỹ thuật Việt Nam có được những thay đổi trong 2 thập kỷ qua không thể không nhắc đến những đóng góp của họa sĩ Trần Khánh Chương”.

Họa sĩ Trần Khánh Chương: Người “xóa vùng trắng” mỹ thuật Việt Nam ảnh 1
Tác phẩm “Những cánh diều” – khắc thạch cao (1983) của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Cây bút lý luận đáng nể

Họa sĩ Trần Khánh Chương là người con của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh, là đại biểu Quốc hội khóa XI (2002 - 2007). Ông được đào tạo chuyên ngành gốm của Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Trước khi tham gia công tác Hội, ông từng là Phó Quản đốc phân xưởng trang trí Nhà máy Sứ Hải Dương, bộ đội Cục Quản lý giáo dục Bộ Tổng tham mưu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Sáng tác trên nhiều loại hình: Hội họa, đồ họa, gốm, họa sĩ Trần Khánh Chương có một số tác phẩm nổi bật như: “Màu xanh trên vùng đất đỏ” - sơn dầu, “Những cánh diều”, “Ngày vui giải phóng” – khắc thạch cao... và một số tác phẩm sơn mài: “Đường lên Điện Biên”, “Bên cầu Thê Húc”, “Nhịp thời gian”, “Trưa cửa Tùng”...

Theo họa sĩ Trần Từ Thành, bên cạnh mảng sáng tác thì có lẽ thế mạnh hơn cả của họa sĩ Trần Khánh Chương là mảng lý luận phê bình mỹ thuật. Trần Khánh Chương đã luôn chăm chú, xuyên suốt lý luận nên có nhiều bài viết chuyên sâu về mỹ thuật. Trong đó, nổi bật hơn cả là cuốn sách: “Quá trình hình thành gốm Việt Nam” được ông viết có độ dày, khá sâu sắc và để lại dấu ấn đối với thế hệ sau. “Thế hệ sau muốn nghiên cứu về gốm sơn mài thì cần đọc qua cuốn sách đó dể hiểu biết được hệ thống của gốm Việt Nam phát triển như thế nào qua các thời kỳ” – họa sĩ Trần Từ Thành nói.

Với những đóng góp cho mỹ thuật nước nhà, năm 2007, họa sĩ Trần Khánh Chương đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (đợt 2). Bên cạnh đó, ông từng được nhận Giải thưởng chính thức Triển lãm Đồ họa quốc tế “Integraphic 1984”, Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam và Giải thưởng ngành Phê bình Mỹ thuật; Huy chương Vàng Triển lãm Thủ công Mỹ nghệ toàn quốc; Huy chương Bạc Sách hay - Giải thưởng Sách Việt Nam…

Còn nhớ, ở dịp tổng kết công tác Hội năm 2019, họa sĩ Trần Khánh Chương đã luôn băn khoăn vì triển lãm mỹ thuật khu vực hiện nay gặp muôn cái khó về mặt bằng mở triển lãm vì các nhà triển lãm bị phá hết. Chuyện kinh phí tổ chức như tiếp nhận tác phẩm, địa điểm, khai mạc trưng bày... cũng rất eo hẹp, các đơn vị đăng cai đều phải tự vận động. Thế nhưng theo ông, cần phải duy trì triển lãm khu vực dù khó mấy cũng phải “chơi”. Ông đặt câu hỏi: “Nhu cầu công bố tác phẩm của nghệ sĩ là rất chính đáng. Nếu không có các triển lãm khu vực thì các tác phẩm lại bị bỏ phí vì đắp chiếu trong kho hay sao?”.

Vậy là họa sĩ Trần Khánh Chương đã mãi mãi đi xa. Theo thông báo của Hội Mỹ thuật Việt Nam, tang lễ họa sĩ Trần Khánh Chương được tổ chức vào sáng ngày 24/4, tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông - Hà Nội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...