Giám sát thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội:

Tâm tư được giãi bày

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chương trình, SGK GD phổ thông đánh dấu sự phát triển của nền GD hiện đại, tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả GD.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm việc với Trường Tiểu học Châu Hội 2 (huyện Quỳ Châu). Ảnh: NTCC
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An làm việc với Trường Tiểu học Châu Hội 2 (huyện Quỳ Châu). Ảnh: NTCC

Thực hiện việc giám sát, đoàn ĐBQH các tỉnh, thành đã trực tiếp đến làm việc với nhiều cơ sở giáo dục. Qua đó, đội ngũ cán bộ, quản lý, giáo viên có cơ hội giãi bày tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn trong quá trình triển khai.

Băn khoăn về khớp nối tài liệu dạy học

Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 10, Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho cả giáo viên, học sinh, lẫn phụ huynh. Vì vậy, việc dạy học cơ bản ổn định, hiệu quả và tạo được sự hào hứng cho trò khi bước vào giai đoạn giáo dục hướng nghiệp. Tuy nhiên, theo cô Cao Thị Hải An – Phó Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên vẫn còn một số băn khoăn liên quan đến vấn đề khớp nối tài liệu dạy học trong giai đoạn đầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

“Lên lớp 10, các em chỉ còn 5 môn bắt buộc, ngoài ra đăng ký môn lựa chọn theo năng lực, định hướng của bản thân. Như vậy có một số môn các em sẽ không tiếp tục học ở cấp 3. Điều này khiến lứa học sinh theo chương trình hiện hành ở THCS nhưng khi lên THPT học Chương trình GDPT 2018 bị thiếu hụt một phần kiến thức cơ bản, nền tảng của các môn không chọn”, cô Cao Thị Hải An nêu thực tế.

Cô Mai Thị Quang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Hội 2 (huyện Quỳ Châu) chia sẻ về vấn đề 1 khối lớp dùng từ 2 bộ SGK trở lên cho các môn học: “Trường chúng tôi đang dùng sách Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục với môn Tiếng Việt và Kết nối tri thức với cuộc sống với các môn còn lại. Với lớp Một, môn Toán chưa học số nhưng môn Tiếng Việt đã viết số rồi. Một số môn khác có chủ đề tương đương nhưng không cùng thời điểm. Điều này khiến giáo viên khá vất vả để dạy học”.

Về vấn đề này, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 đề xuất nên có những chuyên đề học tập tương ứng để cung cấp kiến thức, hiểu biết cho học sinh.

Trong khi đó, nhiều giáo viên thuộc Tổ Vật lý của Trường THPT Thái Phiên (Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lại băn khoăn về sự khớp nối giữa sách giáo khoa và sách bài tập của bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống lớp 10. Hai bộ sách này chưa có sự đồng bộ về nội dung nên rất khó khăn khi giáo viên giao bài tập cho học sinh tự học ở nhà.

“Kiến thức trong sách giáo khoa chỉ thiết lập công thức độ dịch chuyển, không đề cập đến phương trình độ dịch chuyển, nhưng sách bài tập lại có, từ đó tạo ra sự tranh cãi về khái niệm. Tác giả viết sách bài tập còn nhầm lẫn giữa độ dịch chuyển và tọa độ. Thiết nghĩ nên xây dựng thống nhất nội dung giữa sách giáo khoa và sách bài tập để tiện cho học sinh tham khảo và tìm hiểu. Tránh trường hợp mỗi sách mỗi kiểu, làm khó cho học sinh trong quá trình tự học, phát triển năng lực” – cô Đỗ Thị Bích Thủy phân tích.

Bồi dưỡng chuyên môn chuyên đề Học thông qua chơi cho giáo viên tiểu học quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Bồi dưỡng chuyên môn chuyên đề Học thông qua chơi cho giáo viên tiểu học quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Mong muốn bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ

Cô Vũ Thị Hương – Tổ trưởng chuyên môn Địa lý, Trường THPT Thái Phiên (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) chia sẻ: “Thời gian bồi dưỡng các mô-đun cho giáo viên thường diễn ra trong năm học, khi chúng tôi vừa phải dạy học, soạn giảng, chấm bài… nên sự tập trung chưa cao như mong muốn. Vì vậy, cần điều chỉnh thời điểm tập huấn, có thể là vào đầu tháng 8, để giáo viên chỉ tập trung cho việc tham gia các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, chính trị, pháp luật…”.

Nhận xét về Chương trình GDPT 2018, cô Hương cho biết, khối lượng đơn vị kiến thức trong mỗi bài ở môn Địa lý được giảm tải so với chương trình cũ. Tuy nhiên, số tiết lại tăng thêm 2 tiết/tuần nên giáo viên soạn bài nhiều hơn. “Kế hoạch bài dạy được xây dựng theo mục tiêu phát triển năng lực học sinh nên giáo viên phải đầu tư nhiều khi soạn giảng. Một bài giảng lại có 2 giáo án, vừa soạn bằng bản Word vừa PowerPoint nên để hoàn thành 1 kế hoạch bài dạy, giáo viên tốn thời gian gấp đôi, gấp ba so với trước đây”, cô Hương ví dụ.

Chia sẻ với Đoàn khảo sát thành phố Đà Nẵng, cô Vũ Thị Hương bày tỏ, đổi mới ở giai đoạn đầu có thể gây nên những xáo trộn trong cách tổ chức dạy – học của giáo viên hoặc hoạt động thường ngày của nhà trường. Nhưng cùng với sự điều chỉnh về chính sách dành cho giáo dục, nếu giáo viên có sự đầu tư trong chuyên môn, có sự so sánh giữa các bộ sách giáo khoa để lựa chọn được nội dung dạy học hay, phù hợp với điều kiện thực tế thì đây là một chương trình rất hay.

Trường Phổ thông Thực hành Sư phạm Vinh (Trường ĐH Vinh, Nghệ An) triển khai Chương trình GDPT 2018 cho cả 3 cấp học, trong đó tiểu học và THCS thí điểm mô hình tiên tiến. Báo cáo với đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, thầy Hiệu trưởng Phan Xuân Phồn bày tỏ băn khoăn về một vài bất cập. Theo đó, nhiều môn học tích hợp chưa đào tạo giáo viên, thậm chí dù có tập huấn nhưng trong thời gian ngắn cũng không thể “phủ kiến thức” để giáo viên có thể dạy được môn trái chuyên môn. Về phía học sinh, như lớp 6 và lớp 7, mỗi tuần 4 tiết Khoa học tự nhiên nhưng chỉ dành cho phân môn Vật lý, Hóa học (học kỳ I) hoặc Sinh học (học kỳ II) là mất cân đối và nặng kiến thức.

Bà Trần Thị Cẩm Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cũng phản ánh: Cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn còn chắp vá; sĩ số học sinh ngày càng tăng nhưng tỷ lệ giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đáp ứng chương trình mới chưa đáp ứng đủ theo quy định. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh đề nghị các mục tiêu đổi mới của ngành cần rà soát điều kiện đảm bảo để thực hiện, không nên vừa làm vừa hoàn thiện. Đồng thời đề nghị đoàn giám sát nghiên cứu, xem xét tháo gỡ khó khăn cho ngành Giáo dục thành phố cũng như các địa phương khác.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Đại biểu Quốc hội khóa XV cho hay, ngành đã đề xuất nhóm giải pháp khắc phục để tiếp tục triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về việc đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong những năm tới. Trong đó, có giải pháp về xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật, quản lý Nhà nước, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông…; có cơ chế riêng để quy định SGK là danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi sửa đổi Luật Giá để giảm giá sách. Đồng thời, tiếp tục bổ sung chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ