Giám sát thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội:

Ghi nhận nỗ lực, nhận diện khó khăn

GD&TĐ - Hoạt động giám sát nhằm đánh giá việc làm được và điều còn hạn chế, cần khắc phục của ngành Giáo dục, địa phương...

Tiết học Khoa học tự nhiên lớp 7 tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Khánh Phạm
Tiết học Khoa học tự nhiên lớp 7 tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Khánh Phạm

Giám sát chuyên đề thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được đồng loạt thực hiện tại các địa phương. Hoạt động này nhằm đánh giá việc làm được và điều còn hạn chế, cần khắc phục của ngành Giáo dục, địa phương.

Phù hợp xu thế

Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Tư duy đổi mới là quan trọng, vì thế thầy cô đừng ngại khi nói về điểm chưa tốt, đừng ngại đề cập đến khó khăn, thách thức, mà quan trọng nhất là kết quả cuối cùng đạt được ra sao. Đổi mới đương nhiên là khó khăn, thách thức nhưng phải hoàn thành và hoàn thành xuất sắc. Mong muốn, đề xuất của nhà giáo, ngành Giáo dục, UBND TP Hải Phòng, đoàn sẽ tiếp thu, kiến nghị trong quá trình xây dựng nghị quyết mới cho việc phát triển giáo dục, đào tạo.

Sáng 8/2, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng đoàn công tác có buổi làm việc tại Trường THPT Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, TP Hải Phòng.

Chia sẻ quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý cho hay, cán bộ, giáo viên nhà trường chủ động nghiên cứu chương trình, SGK, rà soát cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ, tập huấn chuyên môn.

Giảng dạy môn Hóa học, năm đầu thực hiện đổi mới theo hướng dạy học tích hợp, liên môn, theo cô Vũ Hương, nhờ thông về tư tưởng, mục tiêu chương trình tổng thể lẫn chương trình môn học nên thời gian đầu, dù chưa có SGK nhưng việc xây dựng bài dạy không gặp khó khăn. Quá trình học tập, học sinh dễ dàng tiếp cận mục tiêu nên thực hiện hoạt động giáo dục nhuần nhuyễn.

Tiếp cận chương trình mới, cô Quỳnh Nga, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Nguyên Hãn thấy có nhiều điểm mới, tích cực khi mục tiêu trình bày rõ ràng, kiến thức theo hệ thống, giúp học sinh tư duy tính liền mạch. Chương trình tích hợp kỹ năng nghe, nói, đọc, viết giúp học trò phát triển toàn diện kỹ năng.

Là một trong những địa bàn khó khăn nhất cả nước, Bắc Kạn có 7 dân tộc chủ yếu, trong đó trên 86% là người dân tộc thiểu số. Chia sẻ thông tin, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, đồng thời cho biết: Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị và triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình.

Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông được ban hành tương đối đầy đủ, từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.

Khẳng định thực hiện Chương trình GDPT 2018 là hướng đi đúng đắn, xu thế tất yếu, trong những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã bố trí các nguồn lực để triển khai theo lộ trình. Công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình GDPT 2018 luôn kịp thời, sát sao, quyết liệt. Công tác tuyên truyền, quán triệt được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng kế hoạch và yêu cầu, không để xảy ra dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân.

Việc tổ chức dạy và học trong nhà trường đáp ứng yêu cầu. Giáo viên từng bước áp dụng được các phương pháp, kỹ thuật dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Nền nếp dạy học theo chương trình mới đã ổn định, tạo sự chủ động, tự tin trong học tập cho học sinh, không chỉ ở vùng thuận lợi, mà còn thấy rõ sự tiến bộ của học sinh ở vùng còn khó khăn.

Nhiều học sinh đã tích cực, chủ động tham gia các giờ học. Giáo viên thực hiện tốt việc tự chủ chương trình, khai thác có hiệu quả sách giáo khoa, nguồn học liệu và các thiết bị, đồ dùng dạy học phù hợp; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.

Cán bộ giáo viên Hải Phòng chia sẻ quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ND

Cán bộ giáo viên Hải Phòng chia sẻ quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018. Ảnh: ND

Lối đi riêng

Đóng tại địa bàn huyện miền núi cao Quỳ Châu (Nghệ An) nhưng Trường Tiểu học Châu Hội 2 đã chủ động tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo quy định trong chương trình. Đồng thời củng cố, tăng cường, hoạt động trải nghiệm, tham quan. Hiện, trường tổ chức dạy học 9 buổi/tuần (32 tiết/tuần) trong đó bố trí môn học tự chọn Tiếng Anh cho lớp 1 - 2 với thời lượng 2 tiết/tuần. Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh các huyện miền núi thiếu trầm trọng giáo viên ngoại ngữ.

Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho tất cả trường tiểu học. Riêng Trường Tiểu học Thị trấn Tân Lạc tổ chức dạy học thêm một số chương trình tăng cường như Tiếng Anh, Tin học, STEM… đáp ứng nhu cầu học sinh, phụ huynh và huy động nguồn lực xã hội hóa theo quy định.

Trong quá trình lựa chọn SGK các môn Nghệ thuật, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ do thiếu giáo viên chuyên ngành, phòng nhờ giáo viên chuyên ngành từ địa phương khác hoặc trường đào tạo sư phạm để hỗ trợ… Chuẩn bị cho lớp 3, lớp 7 và lớp 10 thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, trong năm học 2022 - 2023, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo sở GD&ĐT phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ để đảm bảo thực hiện chương trình.

Năm 2022, UBND tỉnh Nghệ An đã tách số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp và bổ sung 411 người cho các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT. Cơ sở vật chất các nhà trường tiếp tục được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của con, em đồng bào các dân tộc.

Nhấn mạnh “Chương trình GDPT 2018 được chờ đợi từ lâu”, cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cho biết: Thuận lợi lớn nhất của nhà trường là quan điểm xây dựng, mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 tiệm cận, trùng khớp với các chương trình quốc tế, tạo điều kiện trong việc xây dựng, phát triển chương trình tích hợp. Chương trình trao quyền tự chủ, giúp nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở bảo đảm mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình.

Việc có nhiều bộ sách giáo khoa giúp giáo viên có thêm tư liệu phục vụ dạy học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng hình thức dạy học. Cán bộ, giáo viên nhà trường được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chương trình, sách giáo khoa, đổi mới về phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Ngoài ra, nhà trường xây dựng chương trình tập huấn chuyên sâu về nhiều chủ đề dành riêng cho cán bộ quản lý, giáo viên, mời các chuyên gia hướng dẫn, chia sẻ.

Xây dựng các tổ hợp 4 môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở lớp 10 bước đầu đảm bảo yêu cầu, vừa đáp ứng nguyện vọng, vừa giúp học sinh giảm tải về kiến thức và thời lượng, tập trung vào các bộ môn cốt lõi định hướng nghề nghiệp. Các môn tích hợp giúp tinh giản, tránh chồng chéo nội dung; giúp học sinh liên kết các nhóm kiến thức liền mạch, xuyên suốt. Học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng của nhiều môn học vào giải quyết các tình huống thực tiễn, mang tính ứng dụng cao, gần gũi với cuộc sống.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Khó khăn hiện hữu

Bên cạnh những thuận lợi, theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Trường Nguyễn Siêu cũng còn một số khó khăn. Trong đó có việc thiếu ổn định về đội ngũ giáo viên. Sự chênh lệch về tuổi tác, thế hệ giáo viên cũng dẫn tới khó khăn trong tập huấn tiếp cận chương trình. Lựa chọn môn học ở THPT còn theo cảm tính. Cùng với đó là vướng mắc do tác động của hơn 2 năm Covid-19, học sinh phải học theo hình thức trực tuyến.

Tại Bình Phước, đoàn ĐBQH tỉnh đã hoàn thành giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội về đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn. Ông Hồ Hải Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Phước, nhìn nhận: Bên cạnh thuận lợi, triển khai Chương trình GDPT 2018 trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu khá nhiều, nhất là với trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

Đội ngũ giáo viên trường phổ thông chưa bảo đảm theo quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở GDPT công lập. Môn Khoa học tự nhiên cấp THCS chưa có giáo viên đủ trình độ chuyên môn để dạy cả 3 phân môn. Tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà các mô-đun về thực hiện Chương trình GDPT 2018 còn chậm và do dịch Covid-19 phải bồi dưỡng trực tuyến nên phần nào ảnh hưởng đến kết quả bồi dưỡng…

Chương trình GDPT 2018 được hướng dẫn giảng dạy theo hướng mở, giao quyền chủ động cho nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ động, linh hoạt cũng là khó khăn do giáo viên quen thực hiện theo khuôn mẫu. Ban giám hiệu một số trường chưa có kinh nghiệm, lúng túng khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường…

Báo cáo đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thầy Nguyễn Minh Quý nêu thực trạng: Dù đã được sự quan tâm rất lớn từ các cấp, song mức lương của nhà giáo còn thấp so với thực tiễn, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, áp lực của công việc và định kiến của dư luận xã hội về ngành Giáo dục khiến nhiều thầy cô thiếu động lực phấn đấu với nghề, ảnh hưởng đến hiệu quả giáo dục.

Do áp lực tăng học sinh, Trường THPT Trần Nguyên Hãn phải chuyển phòng chức năng thành phòng học cho học sinh. Vì vậy, nhà trường chưa có đủ phòng chức năng đáp ứng được theo các thông tư của Bộ GD&ĐT.

Từ thực tiễn xây dựng tổ hợp môn, Trường THPT Trần Nguyên Hãn căn cứ vào điều kiện thực tế về đội ngũ, cơ sở vật chất, dựa trên kết quả khảo sát nguyện vọng học sinh, trường đã xây dựng được 3 tổ hợp môn. Tuy nhiên, vẫn có 34 học sinh không thể theo nguyện vọng 1 mà phải xếp nguyện vọng 2, 3.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - nhấn mạnh, quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, Hải Phòng có những điều kiện thuận lợi nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất. Việc thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách sẽ tạo thuận lợi cho giáo viên sáng tạo trong quá trình dạy học, tuy nhiên lại là thách thức cho những ai ngại đổi mới.

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội hoàn thiện thể chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; có cơ chế, chính sách phù hợp cho đội ngũ giáo viên; ban hành các chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu; chính sách hỗ trợ học sinh, giáo viên khu vực khó khăn; có phương án tăng nguồn tuyển giáo viên, bổ sung giáo viên còn thiếu so với định mức từng cấp học; giao đủ nhân viên theo quy định đối với các đơn vị giáo dục;

Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét tăng chỉ tiêu biên chế cho ngành GD-ĐT; xây dựng vị trí việc làm cho giáo viên dạy Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THPT, giáo viên thực hiện Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhằm đảm bảo số lượng, thuận lợi trong triển khai chương trình mới.

Qua buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, đoàn công tác thấy được sự tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với ngành Giáo dục Hải Phòng. Đoàn sẽ ghi nhận, phân tích tình hình, tập hợp ý kiến, chắt lọc làm rõ vấn đề từ thực tiễn giám sát tại địa phương để làm việc với Bộ GD&ĐT, đề xuất kiến nghị với Chính phủ.

Theo ông Vinh, chủ trương đổi mới giáo dục là xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Chương trình GDPT 2018 là hiện thân của sự đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Quá trình thực hiện, các thầy cô phải tâm huyết, sáng tạo để tạo ra kết quả tốt. Đương nhiên, trong quá trình làm có những khó khăn, bởi đổi mới là cả quá trình.

Kỳ vọng vào thành công của đổi mới chương trình – sách giáo khoa, tuy nhiên, một số giáo viên đứng lớp khối lớp Một tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nhận xét: Lượng kiến thức và yêu cầu cần đạt đối với học sinh ở học kỳ I quá nặng trong khi chương trình cấp mầm non chưa thay đổi, các em chưa quen với hoạt động ở bậc tiểu học. Vì vậy, giáo viên khá vất vả trong nửa học kỳ đầu tiên của năm học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ