Tâm sự rơi nước mắt của người đàn ông đập 200 chậu quất chiều 30 Tết

“Tôi đang buồn lắm, muốn chết đây. Tôi không còn tâm trạng về quê đón giao thừa với vợ con nữa. Buôn bán lỗ nặng thế này, Tết nhất gì anh?”, rơm rớm nước mắt, anh Thư chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin.

Tâm sự rơi nước mắt của người đàn ông đập 200 chậu quất chiều 30 Tết

Ngồi co ro ở một góc công viên 23/9, ánh mắt thất thần, buông lơi đôi chân trần lấm lem bùn đất, anh Thư lặng thinh, chẳng muốn trò chuyện. Trước 12h hôm nay, người đàn ông mới 31 tuổi này đã phải đập bỏ hết 200 chậu tắc (quất) mà anh mang từ Phú Yên vào TP.HCM để bán trong những ngày Tết.

“Đây là lần đầu tiên tôi mang tắc vào Sài Gòn bán. Chở 3 đợt, đến 300 chậu. Ban đầu, tôi còn hồ hởi, hẹn vợ con chiều 30 Tết sẽ về quê sớm, mua quần áo đẹp mang về, cả nhà đón giao thừa. Bán từ 23 Tết đến tận bây giờ, chỉ được khoảng 70 chậu tắc, âm vốn, tiền bạc gì nữa mà đón Tết”, anh Thư buồn bã.

Tin nhanh - TP.HCM: Tâm sự rơi nước mắt của người đàn ông đập 200 chậu quất chiều 30 Tết

Vẻ thất thần, lam lũ của anh Thư trong chiều 30 Tết giữa thành phố xa lạ.

Anh Thư trở nên nổi tiếng trong giới bán hoa kiểng ở công viên này, khi trưa nay anh tự tay đập bỏ 200 chậu quất. Anh Thư nghẹn giọng: “Tôi đâu có điên khùng mà đi phá hủy tài sản của mình. Nhưng không còn cách nào khác, tôi không muốn bán giá rẻ như cho. Bên cạnh đó, đến giờ công viên lấy lại mặt bằng, mang các chậu tắc đi đâu anh? Mang đi được thì trái cũng rụng rơi, cành cũng gãy hết”.

“Một số người dân mua kiểng chưng tết không hiểu được nỗi khổ của người bán. Đợi giờ đó là đến ép giá, đòi bán giá rẻ. Buồn nhất là có người còn tranh thủ tôi đang loay hoay dọn dẹp, nhào vào cướp các chậu quất đẹp. Thử hỏi ai chịu được?”, anh Thư kể.

Phóng viên hỏi anh Thư, có xem các ý kiến chỉ trích người bán chặt bỏ hoa kiểng ế trước giờ giao thừa không. Anh Thư gật đầu, nói: “Họ chửi cho sướng miệng thôi. Hãy rơi vào hoàn cảnh của tôi, sẽ thông cảm hơn. Người mua chỉ thích mua hoa kiểng giá rẻ bèo, đây là thực tế”.

Tin nhanh - TP.HCM: Tâm sự rơi nước mắt của người đàn ông đập 200 chậu quất chiều 30 Tết (Hình 2).

200 chậu quất anh Thư đập bỏ, chỉ giữ lại chừng 20 cây đẹp nhất để bán gỡ gạc.

Một câu chuyện buồn anh Thư kể, rất nhói lòng người viết: “Ngày hôm qua, có một ông khách đi xe SH, xem nhiều lần cặp quất, giá 3 triệu. Xem mà chẳng mua.

Hôm nay, đến giờ tôi trả lại mặt bằng, ông ấy chạy xe đến xin cặp quất. Xin xỏ mà còn nói chuyện ơn nghĩa: Nên cho ổng mang về nhà chưng, coi như ổng mang đi bỏ sọt rác dùm. Tôi thà đập bỏ, chứ không mang cho những người thích o ép người khác, keo kiệt không chịu bỏ ra đồng nào như vậy”.

Anh Thư chia sẻ hoàn cảnh buôn cây kiểng của mình: “Tôi quê ở Bình Dương, lấy vợ tận Phú Yên. Gia đình bên vợ trồng quất bán Tết, tôi nghĩ mua đi bán lại chắc có lời, vừa kiếm tiền cho vợ con có cái Tết đầy đủ, vừa giúp gia đình vợ tiêu thụ tắc. Đâu ngờ thảm hại như thế này”.

Lấy 300 chậu quất giá gần 200 triệu, anh Thư thuê 3 chiếc xe chở vào Sài Gòn từ 23 Tết, mỗi chiếc xe anh phải trả 8 triệu đồng. Thuê một lô trưng bày bán từ ngày 23 đến trưa 30 Tết, giá 2,5 triệu đồng/lô. Anh Thư thuê đến 9 lô như vậy.

Ngoài ra anh còn phải thuê thêm 5 người phụ bán, trả lương 5 triệu/người. Đầu tư số tiền gần trăm triệu, thế nhưng đến gần giờ giao thừa, anh Thư thu vào chưa được 70 triệu tiền vốn, nói chi đến lãi.

“Bỏ bê vợ con mấy ngày Tết, thức đêm, ngủ vỉa hè giữa trời lạnh, chịu muỗi đốt, lại không mang đồng nào về, bây giờ còn ôm cả đống nợ nần. Tôi chỉ muốn khóc, muốn ngồi đây, chẳng muốn về nhà nữa. Tôi đâu ngờ làm ăn khó khăn thế này”, anh Thư lại rưng rưng.

Tin nhanh - TP.HCM: Tâm sự rơi nước mắt của người đàn ông đập 200 chậu quất chiều 30 Tết (Hình 3).

Anh Thư thẩn thờ bán một chậu quất giá rẻ mạt sát giờ giao thừa.

Đốt 3 nén nhang, cắm vào một chậu quất, anh Thư lầm rầm khấn vái có người đến mua chừng 20 chậu quất “đại hạ giá” còn lại, kiếm chút tiền xe.

Anh Thư bùi ngùi: “Anh xem chậu cây đẹp như vậy, bây giờ bán chỉ 200.000 đồng/chậu, thua cả giá mua ngoài quê. Ngày hôm qua, chậu này phải tầm từ 1,5 - 2 triệu đồng. Giá thảm hại như vậy mà còn không có người mua. Đến 19h, nếu không ai mua, tôi sẽ đập bỏ hết rồi về quê”.

Giờ giao thừa sắp đến, người đàn ông ấy lạc lõng, chơi vơi giữa đất khách, kiên nhẫn chờ đợi người mua “có tâm”.

Sau khi tự tay đập nát 200 chậu quất, lực lượng vệ sinh môi trường của TP.HCM đã nhanh chóng đưa lên xe rác để trả lại cảnh quan cho thành phố.

Điện thoại chợt reo. Anh Thư nói qua điện thoại: "Bán ế lắm em ơi! Anh đang cố bán vài chậu  nữa. Tối nay anh không về kịp giao thừa với em và con rồi". Tắt điện thoại, anh Thư buông tiếng thở dài.

Tin nhanh - TP.HCM: Tâm sự rơi nước mắt của người đàn ông đập 200 chậu quất chiều 30 Tết (Hình 4).

Gọi điện thoại cho vợ, thông báo không về nhà kịp giờ giao thừa.

Trước khi chia tay, anh Thư nói với phóng viên: “Anh thích chậu quất nào, cứ lấy về chưng. Tôi không tính tiền đâu. Coi như làm kỷ niệm. Năm sau anh ra đây không biết có còn thấy tôi ngồi bán không. Buôn bán lỗ lã thế này, chắc tôi không dám làm nữa, ở quê làm thuê làm mướn kiếm sống cho yên lành”.

Theo nguoiduatin.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ