Vui… buồn đằng sau phong bao lì xì
Lì xì đầu năm là phong tục văn hóa truyền thống của người Việt cũng như nhiều nước trong khu vực, với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới. Tương truyền từ thời xa xưa, những đồng tiền xu mà các vị tiên ông gói trong giấy đỏ đã giúp những đứa trẻ thoát khỏi sự quấy nhiễu của yêu quái. Vì vậy, sau này mọi người đã sử dụng cách thức này để mừng tuổi cho trẻ nhỏ và những người cao tuổi cùng những lời chúc tốt đẹp về sức khỏe và hạnh phúc.
Phong tục lì xì bằng tiền không chỉ giới hạn trong ngày mùng một Tết mà người ta có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài tận mùng 9, mùng 10. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại cũng có những biến tướng khiến nét đẹp văn hóa này bị mai một.
Chị Mai Anh (Văn Quán, Hà Nội) kể: Trong ngày đầu năm mới tới trường của con, chị đã chứng kiến việc một nhóm học sinh chụm đầu khoe nhau năm nay chúng được bao nhiêu tiền mừng tuổi. Đứa được nhiều hơn thì có cơ hội để “vênh mặt”, đứa được ít thì tiu nghỉu mong năm sau mình sẽ được mừng nhiều hơn. Theo chị, việc người lớn “cân đo đong đếm” số tiền mừng tuổi cho trẻ đã khiến trẻ con sớm nhiễm tính so bì, hơn thua và có suy nghĩ: Tết là dịp chúng có quyền được nhận tiền lì xì hơn là chú ý những lời chúc may mắn cho mình.
Chị tâm sự: Để các con của mình biết ứng xử có văn hóa khi được nhận tiền mừng tuổi, ngay khi các con còn nhỏ chị đã kể cho các con nghe về phong tục này và giảng giải cho chúng hiểu ý nghĩa. Vào dịp năm mới, chị thường chuẩn bị những phong bao thật đẹp kèm theo một món quà xinh xắn cùng với những tờ tiền có mệnh giá nhỏ để tặng con và các cháu.
Dạy trẻ biết sử dụng tiền hợp lý
Thông thường kèm theo phong bao lì xì trong năm mới, những thông điệp gửi đến tới bậc cao niên là chúc sức khỏe, hạnh phúc. Đối với con trẻ là học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, chăm chỉ. Bởi vậy, lì xì không nằm ở giá trị đồng tiền bên trong mỗi phong bao, mà ở giá trị nhân văn trong lời chúc, mang tới niềm vui cho mọi người.
Để trẻ biết trân trọng tình yêu thương mà mọi người giành cho mình, cha mẹ cần giáo dục trẻ sử dụng tiền mừng tuổi một cách có ý nghĩa nhất. Nhiều cha mẹ dạy con bằng cách cho trẻ cùng các thành viên trong gia đình góp tiền để mua một đồ vật dùng chung trong gia đình. Đó có thể là một bức tranh trang trí, một lọ hoa hay một vật dụng cần thiết mà mọi người đang mong muốn. Có gia đình dạy con tiết kiệm bằng cách nuôi lợn đất để chi dùng vào những dịp cần thiết. Dù tiền mừng tuổi của trẻ không nhiều, nhưng trẻ sẽ thấy ngôi nhà chung có sự gắn kết. Trẻ sẽ cảm tưởng mình lớn hơn một chút và có trách nhiệm với mọi người.
Các bậc phụ huynh không nên dùng những câu nói đùa nhưng lại ảnh hưởng tới tâm lý của các con như: Nhận xét đánh giá về số tiền con được lì xì như: “Con được mừng tuổi bao nhiêu?” hay “ Năm nay chỉ nhận được bấy nhiêu tiền lì xì thôi à”… Vì điều này khiến trẻ nghĩ dịp lễ Tết chính là dịp được thu hoạch, dịp để kiếm tiền, càng nhiều càng tốt. Điều này cũng khiến trẻ vô tình đo
đếm tình cảm, sự yêu thương của người khác dành cho mình dựa trên những mệnh giá của đồng tiền.
Chia sẻ về điều này, chuyên gia Tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Giáo dục trẻ em Hà Đông (Hà Nội) cho biết: Ngày nay, trẻ con thường mặc định vào ngày Tết chúng sẽ được người thân là ông bà, cha mẹ mừng tuổi. Khi nhận lì xì, nhiều trẻ lập tức mở phong bao trước mặt người tặng. Nhiều trẻ quan tâm tới số tiền được nhận hơn là những lời chúc yêu thương.
Để trẻ có suy nghĩ và cách ứng xử văn hóa, cha mẹ cần hướng dẫn cho con biết trân trọng và nói lời cảm ơn với những người mừng tuổi cho mình dù là một món tiền nhỏ, hay một món quà nào đó. Cha mẹ dạy các con không nên mở ngay phong bao lì xì khi được tặng, mà hãy cất giữ cẩn thận và sử dụng cho thật ý nghĩa.
Cũng theo chuyên gia tâm lý, nhiều người lớn quan niệm con trẻ chưa biết gì về tiền, nên thường hay tịch thu tất cả các bao lì xì của các con. Điều này khiến những đứa trẻ cảm thấy chúng bị tước đoạt thứ thuộc về chúng. Vì vậy, nếu các con còn quá nhỏ, bố mẹ có thể nói và giải thích cho các con biết “bố mẹ sẽ giữ hộ” hoặc cùng con để vào hộp tiết kiệm hay con lợn đất. Bố mẹ có thể trích ra mua tặng cho các con những chiếc váy hay những bộ quần áo và hãy nói với con về điều này: “Đây là những món quà được mua từ tiền mừng tuổi của các con”.
Nếu con lớn hơn một chút, khi hiểu về giá trị đồng tiền, hiểu về tài chính, cha mẹ cũng nên cho các con được giữ tiền lì xì. Cha mẹ sẽ hướng dẫn cho con cách sử dụng những đồng tiền mừng tuổi theo một kế hoạch riêng. Đây cũng là dịp mà người lớn có thể dạy con cách sử dụng quản lý chi tiêu thế nào cho hợp lý. Ví dụ với số tiền tới vài trăm nghìn đồng, các con có thể chia ra khoản nào mua đồ dùng học tập, khoản nào mua đồ chơi, khoản nào mua quần áo… hoặc để dành mua món quà tặng bạn hay tặng người thân vào dịp sinh nhật… Thông qua đó, các con sẽ có ý thức hơn và biết trân quý những phong bao lì xì được tặng.