“Phía sau người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng một người phụ nữ”, câu nói quen thuộc đề cao vai trò của người vợ, luôn sát cánh cùng chồng đi tới thành công.
Thế nhưng ít ai để ý rằng trước khi người phụ nữ ấy xuất hiện trong cuộc đời anh ta thì có một người phụ nữ khác từng “mang nặng đẻ đau”, dày công dưỡng dục, dìu dắt anh từ những bước đi đầu đời. Bằng tình yêu thương vô bờ bến, mẹ là người luôn dõi theo từng bước trưởng thành, dù khó khăn hay thuận lợi mẹ vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc.
Với các vĩ nhân, tỷ phú, chính trị gia nổi tiếng… cũng vậy. Không phải bỗng dưng họ có được thành công như ngày nay. Trải qua hành trình gian khó bằng công sức dạy dỗ của những bậc phụ huynh, đặc biệt là mẹ - nền tảng vững chắc cho con từ những ngày đầu.
Do vậy cũng có thể nói rằng: “Đằng sau mỗi vĩ nhân đều có hình bóng một người mẹ”.
Định hướng tương lai cho con
Định hướng tương lai theo con đường đúng đắn là điều mẹ luôn mong muốn con đạt được. (Ảnh minh họa)
Điểm chung giữa các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới hay người thành đạt là luôn coi thành công ngày hôm nay có được một phần nhờ mẹ của mình.
Cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton từng rưng rưng nước mắt trong ngày tang lễ của mẹ năm 1994: "Không có mẹ, tôi sẽ không bao giờ trở thành Tổng thống, người nắm giữ những quyền hành cao nhất của nước Mỹ".
Khi con trai còn nhỏ, không rõ sự nhạy bén thần kỳ nào khiến người mẹ luôn khẳng định rằng: “Con trai thân thương của mẹ, con sẽ là Tổng thống”. Với ý chí sắt đá và lòng yêu thương sâu sắc, bà đã tạo mọi điều kiện, rèn luyện con sự quyết tâm đạt mục đích trên.
Thấu hiểu những điều con cần
Pierre Curie (1859-1906) là nhà vật lý học nổi tiếng người Pháp, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Paris, người tiên phong trong lĩnh vực tinh thể học, từ tính, hiện tượng áp điện và hiện tượng phóng xạ. Ông và vợ từng được giải thưởng Nobel về vật lý học năm 1903.
Nhà vật lý học từng thẳng thắn chia sẻ bản thân được như vậy là nhờ có người mẹ thấu hiểu con từng “chân tơ kẽ tóc”. Theo đó, từ nhỏ nhà bác học Piere Curie rất sợ tới trường. Ông nói rằng ở đó không khí vô cùng ngột ngạt và nhất quyết không chịu đi học. Mẹ của Piere Curie nắm được tâm lý của con nên không bắt buộc mà bà mua sách sau đó tự dạy cho con học.
Sau khi được mẹ dạy hết chương trình tiểu học, Pierre Curie tiếp tục được anh cả dạy chương trình trung học. Thời điểm này, khi thấy con trai có năng khiếu vượt trội về môn toán, bà đã mời một gia sư chuyên kèm cặp thêm toán sơ cấp và cao cấp, nhờ đó mà năng khiếu toán học Pierre Curie ngày càng phát triển, dù không học qua bất kỳ trường lớp nào.
Tất cả những nỗ lực của người mẹ đã được đền đáp, khi năm 16 tuổi, Pierre Curie đậu tú tài toán học. Hai năm sau đậu cử nhân khoa học và sau này trở thành một nhà vật lý học nổi tiếng thế giới.
Khích lệ con đúng thời điểm
Thay vì quát mắng hay dọa nạt, mẹ luôn tìm kiếm điểm đáng khích lệ để con tự tin cố gắng.
Từ khi còn nhỏ, Bill Gates bị coi là đứa trẻ cá biệt, không tôn trọng phép tắc. Thế nhưng, cậu bé nghịch ngợm ấy lại có một bà mẹ vĩ đại. Vào "Ngày của mẹ" năm 1975, khi đó tỷ phú nổi tiếng thế giới đang học tại Đại học Harvard đã gửi tặng mẹ một tấm bưu thiếp với nội dung: “Con yêu mẹ! Mẹ chưa khi nào nói con kém cỏi hơn những đứa trẻ khác. Thay vào đó, mẹ luôn tìm kiếm những điểm đáng khích lệ trong những việc con làm. Con luôn nhớ về tất cả những ngày tháng con được ở cùng mẹ”.
Sau này trong đám cưới của mình, Bill Gates có chia sẻ mẹ ông từng viết một tấm thiệp và gửi cho con mình: "Nếu chúng ta được nhận nhiều điều trong cuộc sống, hãy biết cho đi". 6 tháng sau, mẹ ông qua đời nhưng Bill Gates vẫn luôn ghi lòng tạc dạ câu nói này.
Đặt niềm tin lớn lao với con
“Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ”, nhà phát minh nổi tiếng thế giới từng viết trong nhật ký của mình.
Một giai thoại được kể lại, khi Thomas Edison học tiểu học, thầy giáo từng viết thư gửi cho mẹ cậu bé. Nhà phát minh lỗi lạc bấy giờ có hỏi mẹ về nội dung, khi đó hai mắt bà ngấn lệ đọc cho con từng chữ: “Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé, không có một giáo viên nào đủ tốt để đào tạo thằng bé. Xin hãy để nó tự dạy chính mình”.
Rất nhiều năm sau, khi mẹ đã qua đời và Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ. Trong lúc lục tìm kỷ vật, ông phát hiện tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn với dòng chữ: “Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi không thể tiếp tục để nó đến trường nữa”.