Tết không chỉ là thời điểm của một năm mới, mà trong tâm thức của người Việt, Tết còn là dịp để sum họp đoàn tụ. Xa nhà cả năm, ai ai cũng mong tới ngày này để được về nhà, ngồi quanh nồi bánh chưng, nghe bà kể chuyện, nghe tiếng xôi lục bục của nồi bánh và hít hà mùi vị quê nhà.
Ở nước Nga xa xôi, nơi cách Việt Nam tới hàng chục nghìn cây số, hàng chục giờ bay, Nguyễn Thị Bích Ngọc (sinh viên năm thứ 2, trường ĐH Tổng hợp hữu nghị các dân tộc Nga) không ngừng nhớ nhung bồi hồi về vườn bưởi vàng ươm của bố, về những vất vả, nhọc nhằn để có được một vụ bưởi bội thu bán dịp Tết.
Lá thư của cô bạn gửi về những người thân yêu trong những ngày ở xa quê hương:
Mùa bưởi chín vàng
Trời đông xứ người tuyết rơi trắng xóa, trắng quá khiến tâm trí người xa nhà, xa quê hương như nó thấy mênh mông vô tận.
Gọi điện về nhà thấy bố bảo tối này bố lại ngủ ở vườn trông bưởi, trời đông tháng 12 gió lùa qua từng ô nhỏ. Cái lạnh băng tuyết nơi xứ người liệu có lạnh bằng những cơn gió mùa đông bắc rít lên từng hồi miền nhiệt đới ẩm - nơi tổ quốc thân yêu. Tất cả như nhòe đi chỉ còn lại những vết chân chim xô nghiêng trên vầng trán vất vả của bố...
Vườn bưởi nhà mình chẳng rộng thênh thang như các mô hình nông dân làm giàu tiêu biểu trên VTV2 mà nó từng xem. Nhưng trong đôi mắt của nó khu vườn ấy là “trang trại” là tài sản là những âu lo, vất vả, nụ cười của bố.
Nhớ cơn bão năm 2008 đi qua mảnh đất phía nam - “rốn lũ” của thành phố. Bão về đột ngột, cả nhà tâp trung chạy cho bồ thóc vụ mùa khỏi ướt, khi xong bố lại tất tả đi ra vườn… Vườn bưởi Diễn năm ấy quả chín vàng, đung đưa.
Bố đã chờ 5 năm rồi. Từ ngày cắt ghép cành ươm về trồng, mua từng cân ốc vặn về ngâm bón cho từng gôc cây, để rồi khấp khởi hi vọng những trái bưởi vàng ruộm, múi bưởi “tôm bọc nước ngọt lừ”- bố luôn nói thế khi nghĩ đến cuối tháng 12 thu bưởi chờ bán Tết.
Nhưng rồi nước lũ dâng lên cao, cả tuần dài vườn bưởi ngâm mình trong màu nâu đỏ đục bùn. Bố lo lắng nhiều, tiếng thở dài trong đêm lẫn với mùi thuốc lá bố hút khiến cho màn đêm càng trở nên tĩnh mịch. Cuối làng trong những ao chum ộp oạp tiếng ếch nhái như tiếng thở than.
Mưa ngớt hẳn, nước rút dần sau mấy tuần vần vũ và trêu ngươi. Sự phẫn nộ bất ngờ của thiên nhiên không làm cho ý chí của con người suy sụp. Bố bảo nó đi cùng bố vớt bưởi. Những quả bưởi nổi lềnh bềnh trên máng nước, tiếng ếch nhái lại kêu nghe tái tê lòng….
Xa nhà xa quê hương đến một phương trời tây du học, chẳng bao giờ nó quên được tiếng ếch nhái năm ấy. Da diết, bồn chồn, khắc khoải và ngóng trông. Bên này chẳng lấy đâu ra một âm thanh bình dị mộc mạc kéo về cả tuổi thơ như vậy.
Tháng 10 ở Nga, lá rụng vàng cả một khoảng trời. Gió lạnh vờn nhẹ đôi má hồng và tiếng quạ kêu thảng thốt. Nó giật mình nhưng rồi thấy an tâm khi nghe anh chị lớp trên nói “nghe tiếng quạ kêu nên này là bình thường em à”…
Đợt mưa tuyết nữa sắp tới lại kéo dài, nhiệt độ có thể xuống dưới -15 độ C và ở nhà cũng vậy, cũng không khí lạnh tràn về. Bát canh cải cuối mùa ngọt ngọt đắng đắng, mùi khói rơm rạ bay bay cay nồng sống mũi.
Bố lại tất tả ra vườn, ánh đèn pin thỉnh thoảng lại bật lên từ cuối vườn. Cành bưởi năm nay chẳng trĩu nặng đèo bồng nhưng những quả bưởi lại đong đầy biết bao mồ hôi công sức của bố.
Chẳng biết đang chờ đợi một cái đấy, hiện về trong suy nghĩ của nó là hình ảnh mâm ngũ quả, trái bưởi rửa bằng rượu nếp vàng tươi thơm đượm vào mùi hương khói nghi ngút khiến nó quên đi cái giá lạnh của -15 độ C và vững bước trên con đường dài tuyết trắng.